Sáng ngày 20/11, có mặt tại tổng hành dinh của MobiTV, ICTnews đã ghi nhận không khí rất nóng tại các ê kíp tham gia sản xuất chương trình truyền hình thực tế ”Ngày thầy trò”. Nhà báo Trần Đăng Tuấn, Tổng đạo diễn của chương trình đã chia sẻ về quy mô, ý nghĩa và những thông điệp mà chương trình mang lại cho toàn xã hội trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Lần đầu tiên một chương trình truyền hình thực tế được phát sóng trực tiếp 16 giờ liên tục từ 7h đến 23h, phát sóng trực tiếp trên 30 kênh truyền hình, đồng thời được live stream trên Facebook. Việc sản xuất chương trình lớn như vậy có những điểm đặc biệt gì, thưa ông?
Chương trình “Ngày thầy trò” có số lượng rất lớn người tham gia, trải dài trên nhiều địa bàn khắp cả nước. Tất cả các điểm cầu đều phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật khắt khe để đảm bảo chất lượng truyền dẫn tốt nhất. Việc tổ chức sản xuất cũng rất phức tạp, cần sự phối hợp ăn ý giữa rất nhiều bộ phận trong mỗi đài truyền hình, giữa các kênh khác nhau ở các đài khác nhau. Các cán bộ kỹ thuật, phóng viên, biên tập viên của MobiTV và VTC có trách nhiệm chủ trì làm đầu mối điều phối tất cả các hoạt động này. Tất nhiên, không một đài truyền hình nào, dù lớn đến đâu, đảm đương được hết các công việc của chương trình này. Do đó, việc huy động sức mạnh tổng thể của các đài có ý nghĩa rất lớn. Chúng tôi cho đây là ngày hội của những người làm truyền hình, là một chiến dịch chung mà mỗi đài, mỗi kênh là một “cánh quân” cùng góp sức vào thành công chung.
Chương trình cũng có một cánh cửa mở, để không chỉ những người làm truyền hình mà tất cả các thành phần xã hội đều có thể tham gia. Bởi vì chương trình là một dạng “nhật ký” của toàn dân, mọi công dân đều có thể tham gia bằng cách làm nhân vật, hoặc tự viết góp vào nhật ký đó. Khán giả có thể tương tác, gửi ảnh, video để tham gia chương trình. Khán giả ngay từ giờ có thể tham gia gửi lời chúc các thày cô giáo qua điện thoại. Khán giả có thể gửi các ảnh chụp về đề tài Thày – trò để dự cuộc thi ảnh đẹp. Chúng ta đều thấy rằng, trong xu hướng hiện nay, với việc rất nhiều người dân đã sở hữu những chiếc smartphone, cùng sóng Wi-Fi, 3G, tất cả mọi người đều có thể trở thành phóng viên, hoặc thậm chí “nhà sản xuất”. Công việc của người điều phối là kết hợp tất cả các sức mạnh đó để chương trình thêm quy mô. Tôi cho rằng khi có được sự tham gia tương tác của khán giả, chương trình sẽ trở nên thú vị và cuốn hút hơn, đặc biệt là trong một ngày mang nhiều ý nghĩa như 20/11.
Một chương trình truyền hình kéo dài trong nhiều giờ, được trực tiếp ở nhiều điểm cầu ở vùng khó khăn như: ở vùng biển đảo, biên giới, vậy sau khi lên sóng đến giờ, chương trình đã gặp phải những sự cố nào chưa?
Tất cả những ai làm truyền hình đều biết, một chương trình dài trong nhiều giờ với nhiều điểm trực tiếp thì không có sự chắc chắn 100%, cho dù là thiết bị có hiện đại đến thế nào. Mà chúng tôi lại có nhiều ê kíp tại nhiều địa phương khác nhau mà đa số là ở những vùng khó khăn nên việc có những sự cố phát sinh là điều không tránh khỏi.
Đây là chương trình chiếm thời lượng lớn nói về sự dạy và học ở các vùng khó khăn, nên đường truyền luôn là vấn đề lớn và có độ rủi ro. Từ sáng đến giờ cũng có lúc đường truyền có lúc rất khó nhưng chúng tôi vẫn làm được theo kế hoạch của chương trình.
Tôi cũng phải nói thêm rằng, đây không phải là một chương trình giải trí là một chương trình nói về một hiện thực rất lớn trong xã hội. Chúng tôi muốn mọi người cảm nhận được cái thật của cuộc sống bây giờ về việc dạy và học. Đây là chương trình mà lần đầu tiên người đứng đầu cao nhất của Nhà nước đã 3 lần xuất hiện, mỗi lần xuất hiện là một lần Chủ tịch nước nói những lời chúc mừng cụ thể cho các thầy cô giáo, các em học sinh ở từng nơi một. Lời chúc toát lên sự gần gũi ấm áp, nơi thì Chủ tịch nước gửi gắm chăm sóc cho một em bé, nơi thì chia sẻ khó khăn một cô giáo, nơi thì nhắn chính quyền nên quan tâm đến việc xây dựng cơ sở vật chất cho một ngôi trường. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói lời chúc rất cụ thể, gắn với từng đơn vị cụ thể, con người cụ thể, công việc cụ thể. Cho dù là những việc rất giản dị nhưng có ý nghĩa rất lớn.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành truyền hình của mình, ông có cho rằng đây là một chương trình truyền hình được dàn dựng công phu và hoành tráng nhất không?
Cần phải khẳng định rằng, tôi không thiên về số lượng nhiều, quy mô hoành tráng hay không, chúng tôi cũng không đặt mục tiêu làm một chương trình hoành tráng hay quy mô nhất, mà trong chương trình này chúng ta nói về chuyện dạy và học chứ không nói về một lễ hội nào đó, mặc dù hôm nay là ngày hội của các thầy cô, nhưng là ngày hội của tình cảm đạo lý là nghĩa tình. Nếu mà chúng ra đi tìm một quy mô hoành tráng thì không phải ở đây.
Chương trình “Ngày thầy trò” rất dài vì bao gồm rất nhiều các câu chuyện rất nhỏ, rất cụ thể về một vùng đất, về một điểm trường, về những thầy cô giáo cụ thể. Tôi nghĩ càng về chiều câu chuyện càng lắng đọng hơn, có thể làm bạn rơi nước mắt vì có thể bạn chưa biết đến những tâm tư sâu kín, những nguyện vọng của giáo viên. Kể cả những giáo viên ở thành phố chúng ta cũng chưa hiểu hết những tâm sự của những người đi dạy học, ở vùng cao chúng ta cũng chưa biết được sự kiên trì và hiếu học của trẻ em vùng cao nó mãnh liệt thế nào. Có thể nói mỗi câu chuyện trong chương trình là một bếp than hồng nhỏ ở khắp nơi gộp lại, tạo nên một sự chân thực ấm nóng. Chứ đây không phải là một ngọn lửa bừng bừng của ngọn đuốc quá to, quá hoành tránh ở một sân vận động nào đó.
Thưa ông, sau khi “Ngày thầy trò” được phát sóng, ông và ê kíp kỳ vọng chương trình sẽ tác động đến việc dạy và học ở nước ta?
Cá nhân tôi mong là sẽ có nhiều người xem vì chương trình được phát sóng với thời lượng dài ở 30 kênh sóng, người xem không nhất thiết phải xem hết từ đầu đến cuối, bởi vì không ai có thể xem hết được nhưng chúng tôi làm theo cách dẫu có xem một lúc thôi khán giả cũng có thể cảm nhận tình cảm ấm áp giữa con người với con người, giữa thầy với trò, cảm nhận được kỷ niệm trong sáng ẩn náu trong tâm tư mỗi người. Nếu như có nhiều người xem những mẩu chuyện này, họ sẽ nhìn nhận kỹ hơn về chuyện dạy và học ở nước ta trên thực tế.
Đây không phải là chuyện thuộc về lý luận của ngành giáo dục mà đây là chương trình về đạo thầy trò, không phải câu chuyện của toàn ngành giáo dục. Mặc dù trong xã hội vẫn có những chuyện này, chuyện kia, những ngổn ngang của ngành giáo dục, điều không vui trong việc dạy, trong đạo lý của người đi học nhưng tổng thế lại thì phải nhìn thấy đất nước ta là đất nước của những người coi trọng sự học, đất nước có rất nhiều thầy cô giáo rất giản dị, cần cù, dốc hết sức mình cho sự nghiệp trồng người. Đây là những câu chuyện có thật, không phải là điều cổ vũ, điều chúng ta tuyên truyền. Cho dù ở cuộc sống đô thị có nhiều việc khiến chúng ta không nhận ra được điều đó, nhưng thực tế có một điểm chung đó là sự cống hiến của hàng chục vạn người đang làm nghề cao quý nhất này.
Chương trình “Ngày thầy trò” bắt đầu lên sóng từ lúc 7h00 đến 23h00 và được phát sóng trực tiếp trên các kênh: ANTG, Vietteen, Miền Tây, An Viên, VTC2, Truyền hình Nhân Dân, cùng 21 đài địa phương: Đài Cao Bằng, Hà Giang, Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Giang, Bình Thuận, Cao Bằng
,Đà Nẵng, Đăk Nông, Điện Biên, Hà Nam, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Nghệ, n, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Nam, Thái Nguyên, TP. HCM (HTV1).
Ngoài ra, chương trình sẽ được live streaming trên fanpage của MobiTV tại địa chỉ: facebook.com/mobitv.net.vn, đem đến thêm một kênh thông tin để tăng cường sức lan tỏa của chương trình tới khán giả.