Nhiều người làm báo chọn viết sách như trải nghiệm mới để thử thách bản thân hay tham gia một “trò chơi” của ngôn từ, thông tin, các dữ liệu, sự kiện thu thập được dọc đường tác nghiệp và cả những nhân vật thú vị mà họ có cơ hội gặp gỡ. Không thể phủ nhận những cuốn sách từ các nhà báo góp phần làm đa dạng hóa thị trường sách Việt Nam, mang đến cho độc giả nhiều trang viết mang đậm hơi thở cuộc sống, bút lực dồi dào, thể loại phong phú và những thông điệp được hệ thống bài bản. VietNamNet xin trân trọng giới thiệu một số nhà báo đã ghi dấu ấn cá nhân với các cuốn sách của mình.
Trung Nghĩa cho biết tình yêu sách và thói quen đọc được cha mẹ truyền cảm hứng từ thuở bé và khi trưởng thành, chính nghề báo đã hậu thuẫn cho anh tiếp tục gắn bó với sách thường xuyên hơn. Trong cuốn Đọc sách cũng như yêu, (NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành tháng 5/2024) Trung Nghĩa thể hiện rõ tình yêu lớn dành cho việc đọc sách.
Đó cũng là tâm huyết mà anh thể hiện trong cuộc trò chuyện với VietNamNet.
- Tại nhiều diễn đàn thúc đẩy văn hoá đọc, anh chia sẻ các bậc phụ huynh nên giúp con em có thói quen đọc sách từ bé và dẫn chứng bản thân từng được cha mẹ truyền niềm yêu thích đọc sách. Anh có thể chia sẻ về quá trình khơi dậy niềm đam mê đọc sách của mình?
Đọc sách với tôi là một thói quen. Tình yêu của tôi với văn chương chữ nghĩa may mắn được hình thành từ tấm bé, do ba mẹ tôi vốn đều xuất thân từ nghề giáo. Ba mẹ rất thích đọc sách và truyền được cảm hứng cho các con một cách tự nhiên.
Tuổi thơ tôi đầy ắp sách báo xung quanh từ bàn học, kệ sách trong phòng khách đến cả trên giường (thường có cuốn sách đặt sẵn cạnh gối để tôi có thể đọc bất cứ lúc nào). Ngay cả lúc kinh tế gia đình khó khăn, ba vẫn chở tôi ra sạp báo địa phương để mua sách báo.
Từ những trải nghiệm của bản thân, tôi thấy cha mẹ ở nhà, thầy cô ở trường đóng vai trò rất quan trọng để lan toả niềm yêu thích đọc sách, gia tăng kiến thức lẫn giải trí cho trẻ em.
- Những cuốn sách nào anh đã đọc từ thuở bé và ít nhiều chịu ảnh hưởng?
Thuở nhỏ, tôi đọc truyện Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Buratino và chiếc chìa khóa vàng (Aleksey Tolstoy), Hoàng tử bé (Antoine de Saint-Exupéry), Timua và đồng đội (Arkady Gaidar), Vòng quanh thế giới trong 80 ngày (Jules Verne)… Cuối cấp 2, tôi đã đọc nhiều bộ tiểu thuyết trong và ngoài nước như Ván bài lật ngửa (Nguyễn Trương Thiên Lý), Tam quốc chí, Thuỷ Hử…
Sau này đi làm báo, tôi có viết mảng giới thiệu, bình luận sách nên đọc sách rất nhiều và đa thể loại. Nhìn chung, tôi thích đọc sách lịch sử Việt Nam và thế giới, sách du ký, tiểu sử nhân vật, sách văn hoá, ngôn ngữ, trang bị kỹ năng chuyên ngành, thơ văn và truyện dài…
- Là tác giả hơn 10 tựa sách đủ thể loại, làm thế nào anh cân bằng niềm đam mê đọc sách với sự nghiệp viết lách và báo chí bận rộn?
Tôi là người đam mê tự do và ưa xê dịch. Nhưng để có được tự do và dịch chuyển nhiều, bạn phải có kỷ luật trong lao động, làm việc. Tôi thường lên kế hoạch, cố gắng học hỏi và trui rèn cả hai kỹ năng viết nhanh (phục vụ báo chí) và viết sâu, có tư duy tổng hợp (để viết sách). Bạn biết không, đọc sách và viết sách đối với tôi là cách thư giãn, tái tạo năng lượng sau những chuyến đi tác nghiệp dài ngày hay giờ làm việc căng thẳng.
Vì vậy, tôi không quá khó khăn để ra tác phẩm mới, miễn là có kế hoạch và nhất là… đừng “làm biếng”. Tôi vẫn còn nhiều bản thảo, còn nhiều đề tài sẽ ra sách, hy vọng bản thân sẽ “tuân thủ kỷ luật” và chọn đúng thời điểm thích hợp nhất để trình làng với bạn đọc.
- Anh đã viết về các vấn đề quốc tế, văn hóa, thể thao, du lịch và tùy bút. Những thách thức khi xông pha nhiều chủ đề đa dạng như vậy là gì?
Đó là sự cố gắng học hỏi, nâng cao kiến thức ở đa lĩnh vực và không bao giờ hài lòng với chính mình vì mọi thứ trong cuộc sống đều thay đổi “chóng mặt” hơn. Tôi cảm ơn nghề báo và những người thầy, đàn anh đi trước luôn truyền dạy cho tôi làm báo cần có nền tảng kiến thức đa dạng, từ đó mới khai thác chuyên sâu một lĩnh vực nào đó.
Tôi may mắn được những nơi từng làm việc tạo cơ hội cho mình tham gia phát huy ở nhiều lĩnh vực. Và nghề nghiệp đối với tôi là sự “xoay vòng” học hỏi không ngừng nghỉ giữa các lĩnh vực, từ văn nghệ đến thể thao hay du ký. Tôi phải vượt qua thách thức của sự đa dạng bằng cách mỗi một giai đoạn nhất định, tôi sẽ dành thời gian tập trung viết lách, tạo ra sản phẩm từ báo chí đến sách ở một lĩnh vực cụ thể.
- Anh có thể chia sẻ thêm về mối liên hệ giữa tình yêu tiếng Việt và việc thúc đẩy văn hóa đọc?
Từ bé đến lớn, tôi được tiếp xúc với chữ nghĩa. Trưởng thành làm nghề gắn chặt với chữ nghĩa, được chữ nghĩa nuôi sống. Nói một cách hình tượng vui theo lời nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong một buổi trà dư tửu hậu với tôi là “Chúng ta là những người tắm trong chữ nghĩa”.
Đi đến quốc gia nào tình cờ tôi nghe được tiếng Việt là rất mừng. Ngôn ngữ Việt là tinh thần dân tộc và bản sắc văn hóa mà mọi công dân đều tự hào và phát huy. Việc thúc đẩy văn hóa đọc hôm nay thành công hay không cũng một phần nhờ vào việc chúng ta có hiểu rõ cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ quê hương, tôn vinh và sử dụng nó chính xác, hiệu quả hay không.
- Suy nghĩ của anh về vai trò và xu hướng đọc sách trong thời đại kỹ thuật số? Tác động của công nghệ số đối với thói quen và văn hóa đọc sách của người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ? Chúng ta nên làm gì để phát huy những mặt tích cực và hạn chế tác động tiêu cực?
Trong thời chuyển đổi số, việc đọc sách không còn gói gọn ở sách giấy truyền thống mà cần được hiểu rộng hơn là con người tiếp nhận thông tin ở nhiều hình thái, nền tảng khác nhau và mỗi cách tiếp nhận đều mang giá trị. Tác động của công nghệ số rất rõ ràng khi ngày nay các bạn trẻ có thể đọc sách trên thiết bị điện tử, nghe sách nói…
Mặt tích cực chính là thương mại điện tử giúp sách đến tay người đọc thuận tiện hơn bao giờ hết, quảng bá truyền thông xuất bản phẩm cũng lan toả xa hơn nhờ mạng xã hội. Điểm hạn chế là môi trường mạng khiến nạn vi phạm bản quyền tràn lan, sách giả, sách lậu bán công khai, hậu quả là độc giả bị nhầm lẫn và các đơn vị xuất bản chân chính chịu thiệt hại nặng nề.
Ngoài ra trên mạng luôn tồn tại nhiều thông tin giả (fake news), thông tin độc hại, thiếu kiểm chứng và không ai kiểm soát được có thể tác động xấu đến cộng đồng.
- Là 1 trong 10 Đại sứ văn hóa đọc TP.HCM đầu tiên (2023-2024) và là thành viên CLB Đại sứ văn hóa đọc TPHCM, anh có kỳ vọng gì về việc thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng và giới trẻ nói riêng?
Tôi vui mừng nhận thấy những năm gần đây, các cấp, các ngành đã và đang thúc đẩy văn hóa đọc với nhiều hình thức thiết thực, có hiệu ứng lan toả và hiệu quả lâu dài theo kiểu “mưa dầm thấm đất”. Qua đó nêu cao tinh thần hiếu học truyền thống của Việt Nam, xây dựng cộng đồng đọc sách, nâng cao tri thức để góp phần xây dựng đất nước.
Nhiều hình thức được thực hiện rất tốt như các đơn vị xuất bản nỗ lực cho ra đời những tác phẩm giá trị trên thị trường, các cơ quan trường học hình thành CLB đọc sách, tổ chức sự kiện về sách thu hút mọi người. Mô hình “Điểm hẹn văn hoá” rất thành công của Đường Sách TPHCM xứng đáng là một hình mẫu cho các địa phương khác tham khảo.
Với riêng mình, tôi sẵn sàng tiếp tục tham gia những sự kiện, chương trình cộng đồng góp phần thúc đẩy văn hóa đọc, khơi gợi tình yêu sách với giới trẻ. Thông điệp cốt lõi tôi muốn chia sẻ từ tác phẩm Đọc sách cũng như yêu là: “Hãy xem sách cũng như người tình của bạn. Việc đọc sách cũng như bạn yêu thương ai đó”.
- Bạn bè, đồng nghiệp có phần ngạc nhiên khi thấy anh tích cực tham gia sản xuất và dẫn chương trình "Vodcast Doctor247" thảo luận các chủ đề về y tế, lối sống. Anh có thể chia sẻ cơ duyên đến với chương trình phục vụ cộng đồng này?
Tôi luôn lựa chọn công việc mang lại ý nghĩa cho cộng đồng. Tôi làm Vodcast Doctor247 với mong muốn góp phần nâng cao nhận thức của mỗi người trong việc chăm sóc sức khỏe toàn diện và lối sống lành mạnh.
Tôi may mắn được sự ủng hộ của rất nhiều bạn bè từ các nhà báo như Vũ Thuỳ Trang, Nam Kha, Phương Thảo đến các nghệ sĩ. Như ca sĩ Mỹ Tâm ở Vodcast Doctor247 đầu năm 2024 đã nói rằng cô ấy làm khách mời chương trình để ủng hộ việc làm tâm huyết của tôi.
- Trong liveshow của Mỹ Tâm tại Hồ Tràm hồi tháng 5/2024 mới đây, nữ ca sĩ đặc biệt nhắc đến tên anh tới 3 lần và nói lời cảm ơn như một người bạn chân thành, một nhạc sĩ đã viết lời cho ca khúc được yêu thích mà cô thể hiện. Có điều gì đặc biệt anh muốn tiết lộ về người bạn này?
(Cười) Mỹ Tâm là một trong những nghệ sĩ mà tôi quen biết từ thuở hàn vi. Những tình bạn thân quý lâu năm cũng như rượu vang vậy, càng lâu càng hiểu biết sâu sắc và rất mực quý trọng.
Trên sân khấu Mỹ Tâm tài năng, hào quang rực rỡ thì ai cũng thấy rồi, còn ở ngoài đời, tính cách riêng của cô ấy cũng chinh phục mọi người bằng sự chân thành, cư xử rất đúng với ý nghĩa tên cô: người có trái tim đẹp!
Trung Nghĩa là nhà báo, nhiếp ảnh gia, tác giả sách tốt nghiệp Khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia TPHCM và chuyên ngành Phúc lợi cộng đồng tại Melbourne (Australia).
Anh từng đoạt nhiều giải thưởng báo chí cấp quốc gia và TPHCM; giải thưởng nhiếp ảnh trong và ngoài nước.
Trung Nghĩa có nhiều tác phẩm đã xuất bản được yêu thích như: Phim & diễn viên Hàn Quốc được yêu thích (viết chung với Kim Hyun Jae), Đời ca sĩ, Bí mật ở Cannes, Sydney yêu thương, Sân trường ngày chia tay, Sài Gòn úmbala, Từ Bàn Môn Điếm đến Chernobyl, Đọc sách cũng như yêu… Anh là 1 trong 10 Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM 2023-2024.
Hiện anh là nhà sản xuất và là Host của chương trình Vodcast Doctor247 phát trên các nền tảng mạng xã hội YouTube, TikTok, Facebook, Instagram… nhằm góp phần nâng cao ý thức sức khoẻ cộng đồng và lối sống lành mạnh.