Ngày 12/6, nhà báo Hồ Quang Lợi ra mắt cuốn sách Người trên đường đời (Nhà xuất bản Hà Nội), gồm 50 bài viết, đưa người đọc tới nhiều vùng ký ức thông qua các cuộc gặp gỡ của tác giả với nhân vật suốt 45 năm cầm bút. 

Tại lễ ra mắt, nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ đã băn khoăn rất lâu khi nghĩ tiêu đề cuốn sách. Cuối cùng, tựa Người trên đường đời được ông lựa chọn vì muốn tôn vinh con người. 

W-Untitled 2.jpg
Nhà báo Hồ Quang Lợi. Ảnh: Tình Lê

"Phẩm giá con người là điều quý giá nhất. 45 năm cầm bút cho tôi cơ hội gặp gỡ nhiều người. Những người trong sách này để lại cho tôi dấu ấn đặc biệt. Đến bây giờ, nhắm mắt lại, ký ức về họ lại ùa về, tự hào có, đau đớn cũng có. Trên tất cả, tôi coi đó là sự may mắn vì đã được gặp gỡ họ", nhà báo Hồ Quang Lợi bày tỏ. 

Trong cuốn sách, người đọc có thể cảm nhận được giọt nước mắt đau đớn của tác giả sau 20 năm gặp lại nhân vật bài viết năm xưa - người đánh tàu Maddox (Mỹ, 1964) đang vật lộn với vất vả, nghèo khổ: "Chúng tôi bước vào căn nhà mái bằng. Lại sững sờ: Bác Giản đây ư? Con người hoạt bát, lạc quan, tràn đầy sinh lực mà tôi gặp 20 năm trước đâu rồi? Trước mắt tôi là một cụ già, run lẩy bẩy, thấy tôi vào, cố đứng lên nhưng không thể. Nhận ra tôi, bác choàng tay ôm chặt, rồi khóc nức nở. Đôi vai gầy rung lên bần bật. Nỗi xúc động dâng trào. Nước mắt tôi trào ra…" (trích bài Người về từ trận đánh tàu Maddox).

Đó cũng là khoảnh khắc bàng hoàng khi tác giả trở về nhà năm 1979, sau quãng thời gian du học, biết tin em trai ruột hy sinh: "Vừa bước vào nhà, nhìn thấy ảnh Lộc treo trên tường, dưới ảnh của bố tôi, tôi thốt lên: 'Lộc có bức ảnh đẹp quá!'. Bỗng phía sau, mẹ tôi òa lên khóc nức nở. Anh cả đến bên tôi nói nhỏ: 'Lộc đã hy sinh rồi em ơi! Lộc mất từ năm ngoái ở biên giới Tây Nam, nhưng em đang ở xa nên nhà giấu em, không báo..." (trích bài Mây trắng đồi).

Suốt 45 năm cầm bút, nhà báo Hồ Quang Lợi tin rằng, viết gì cũng phải có tình yêu thương con người.

"Thế giới hiện đại với sự xuất hiện của công nghệ thông tin, cuộc sống có hoa lệ tới mấy mà không có tình yêu con người thì xã hội đó cũng không đáng sống. Viết cuốn sách này, tôi muốn nhân lên lòng nhân ái trong đời sống, đặc biệt với người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn, để họ thấy hơi ấm, ánh sáng lương tri luôn tồn tại", ông bày tỏ.

W-z5531162542057_150d2335b2c8e1c93ff332141a59307b.jpg
Cuốn sách "Người trên đường đời" được chia làm 4 phần. Ảnh: Tình Lê

Cuốn sách Người trên đường đời được chia làm 4 phần.

Phần 1 Người giữa phong ba và phần 2 Phẩm cách đều gắn với những sự kiện lịch sử hoặc những đổi thay của đất nước. Ở đó, người đọc thấy được chân dung của những nhà lãnh đạo cấp cao, nhân chứng lịch sử, người có quyền quyết định vận mệnh, sự phát triển của đất nước.

Ở phần 3 Chở bao nhiêu đạo…, tác giả viết về các văn nghệ sĩ, những bậc trí thức mà ông yêu quý như nhà báo Hữu Thọ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà sử học Phan Huy Lê, nhà báo Phan Quang, Giáo sư Vũ Khiêu, nhạc sĩ Hồng Đăng… Trong phần 4 Ánh sáng của lương tri, tác giả viết về những người bạn quốc tế vô cùng yêu mến Việt Nam, những nhân vật tầm cỡ thế giới và cả những người có thể làm thay đổi trật tự thế giới, có thể tác động đến sự phát triển của loài người như cựu Tổng thống Pháp Marie Mitterrand, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, tỷ phú Bill Gates…

Phần này, tác giả muốn truyền thông điệp về tinh thần hoà hiếu vượt qua hận thù của dân tộc Việt Nam. 

Nhà báo Hồ Quang Lợi

Nhà báo Hồ Quang Lợi sinh ra ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, hiện là Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam. Ông từng đoạt 9 giải Báo chí quốc gia và toàn quốc (trong đó có 5 giải A).

Ông cũng là tác giả nhiều cuốn sách giá trị về nghề báo: Cuộc bứt phá toàn cầu (1997), Ẩn số thời cuộc (2004), Xung chấn kỷ nguyên đột biến (2011), Việt Nam trên ngọn sóng thời cuộc (2012), Những chân trời cuộn sóng (2013); Hà Nội - Cuộc kiến tạo mang hưng khí thời đại (2014), Thế sự và mắt nhìn (2015), Nước Nga hành trình tới tương lai (2017), Thời cuộc và văn hóa (2019)…