
Cuốn sách 100 năm phi trường Tân Sơn Nhất là kết quả của hành trình kéo dài hơn 3 năm của nhà báo Quốc Việt. Khởi đầu từ những bài viết trên báo Tuổi Trẻ, tác giả đã dành hơn 1000 ngày để nghiên cứu, tìm kiếm và phỏng vấn các nhân chứng lịch sử.
"Khi đi gặp các nhân chứng và tìm kiếm tư liệu, tôi càng ngày càng thấy có nhiều điều thú vị chưa ai biết. Từ đó, tôi quyết định phải viết thành sách", nhà báo Quốc Việt chia sẻ.
Quá trình tìm tư liệu gặp nhiều khó khăn vì chưa có công trình nghiên cứu cơ bản nào về Tân Sơn Nhất. Hầu hết tài liệu viết về phi trường trước 1955 đều là tiếng Pháp, tiếng Anh hầu như chưa có nên khó khăn về việc chuyển ngữ. Tác giả phải tìm kiếm tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Thư viện Khoa học Tổng hợp (trước gọi là Thư viện Quốc gia) và từ các hồi ký, sách khảo cứu cùng các bài báo cũ...

"Phi trường không chỉ đơn giản là nơi máy bay cất, hạ cánh mà là cả một câu chuyện dài của đất nước, gắn với vận mệnh đất nước. Qua hơn 100 năm, Tân Sơn Nhất đã chứng kiến người Pháp đến rồi đi, người Nhật đến rồi đi, người Mỹ đến rồi đi, trải qua 2 cuộc chiến tranh thế giới, 9 năm đánh Pháp, 20 năm chiến đấu Mỹ... Tân Sơn Nhất như một nhân chứng của biết bao câu chuyện ở đó", nhà báo Quốc Việt chia sẻ.
Nhà báo Quốc Việt nói đây là cuốn sách đầu tiên và duy nhất kể về lịch sử của phi trường Tân Sơn Nhất. Ông cho biết tên gốc ban đầu của phi trường là "Tân Sơn Nhứt", một làng cổ nơi phi trường đang hoạt động. Khi người Pháp lấy vùng đất này để làm sân bay, họ giữ nguyên cái tên đó. Sau năm 1975, từ "Nhứt" được chuẩn hóa thành "Nhất" như hiện nay.
Cuốn sách chứa đựng nhiều câu chuyện đặc biệt chưa từng được công bố. Chẳng hạn như vụ việc Nguyễn Thái Bình năm 1972 bị bắn 5 phát đạn vào lưng tại phi trường, hay chuyện chuyến bay Boeing hiện đại nhất của Việt Nam thời điểm đó bay đi Nhật ngày 30/4/1975.
Sách cũng đề cập đến những khoảnh khắc đáng nhớ như việc người Việt tiếp quản phi trường sau 1975.
Về tương lai của Tân Sơn Nhất khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, tác giả bày tỏ: "Tân Sơn Nhất sẽ không bao giờ phai mờ. Nó sẽ tiếp tục sứ mệnh lịch sử của mình là sân bay thứ nhất, còn Long Thành là sân bay thứ hai. Đây là các sân bay của khu vực, không chỉ riêng TPHCM. Long Thành sẽ 'chia lửa' cho Tân Sơn Nhất, chứ không thay thế hoàn toàn. Tân Sơn Nhất sẽ còn ở lại với chúng ta và chúng ta vẫn thấy những chuyến bay lên xuống rất lâu nữa".
