Nguyệt thực là hiện tượng thiên văn xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng thẳng hàng hoặc xấp xỉ thẳng hàng. Lúc này, một phần hoặc toàn bộ Mặt Trăng sẽ không nhận được ánh sáng từ Mặt Trời do bị che khuất bởi Trái Đất, gây ra hiện tượng nguyệt thực.
Khi Mặt Trăng nằm trong toàn bộ phần bóng của Trái Đất, ánh sáng từ Mặt Trời sẽ không thể chiếu tới Mặt Trăng. Đây là hiện tượng nguyệt thực toàn phần.
Khi nguyệt thực xảy ra, Mặt Trăng sẽ chuyển sang màu đỏ sẫm. |
Vào thời điểm nguyệt thực, Mặt Trăng thường chuyển sang màu đỏ sẫm. Lý do là bởi ánh sáng từ Mặt Trời dù bị Trái Đất cản lại vẫn uốn cong và xuyên qua khí quyển Trái Đất để đi tới Mặt Trăng.
Khí quyển Trái Đất sẽ lọc những bước sóng ngắn hơn màu xanh và cho phép các bước sóng đỏ đi qua. Các bước sóng đỏ chiếu qua khí quyển Trái Đất, hướng tới Mặt Trăng và khiến thiên thể này có màu đỏ sẫm. Đó là lý do nguyệt thực toàn phần hay được gọi là "Trăng máu".
Với nguyệt thực một phần, hiện tượng này xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng gần nằm trên một đường thẳng. Khi đó, một phần của Mặt Trăng sẽ không nhận được ánh sáng chiếu đến trực tiếp từ Mặt Trời. Mặt Trăng bị khuyết một phần bởi chính bóng của Trái Đất.
Nguyệt thực xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất, Mặt Trăng thẳng hàng và Mặt Trăng bị che khuất bởi bóng của Trái Đất. |
Nguyệt thực một phần có thể xuất hiện trước và sau hiện tượng nguyệt thực toàn phần, khi các thiên thể đang tiến gần hoặc sau khi vừa hình thành trạng thái thẳng hàng.
Bên cạnh hiện tượng nguyệt thực toàn phần và nguyệt thực một phần, còn có một hiện tượng khác là nguyệt thực nửa tối. Đó là khi Mặt Trăng di chuyển vào vùng nửa tối của Trái Đất. Ánh sáng từ Mặt Trăng khi đó sẽ mờ đi và không còn sáng rõ nét như thông thường.
Trong hiện tượng nguyệt thực diễn ra vào chiều tối nay (19/11 giờ Việt Nam), chỉ có 97% diện tích Mặt Trăng bị che phủ bởi bóng của Trái Đất. Do đó, đây là nguyệt thực một phần. Tuy vậy, với tỷ lệ che phủ lớn, lần nguyệt thực một phần này không mấy khác biệt so với nguyệt thực toàn phần.
Người dân cả nước sẽ có cơ hội quan sát nguyệt thực một phần trong khoảng thời gian từ lúc trăng mọc (17h14” tại Hà Nội và 17h26” tại TP.HCM) cho đến 17h47”. Tiếp theo sau khoảng thời gian này, hiện tượng nguyệt thực nửa tối sẽ diễn ra trong khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ (kết thúc lúc 19h03”).
Ở pha nửa tối, Mặt Trăng sẽ không có nhiều khác biệt so với trăng tròn thông thường, đặc biệt ở khu vực thành phố, nơi bị ô nhiễm bởi ánh sáng đô thị.
Trọng Đạt
Cách quan sát nguyệt thực một phần chiều tối 19/11
Người dân Việt Nam có thể quan sát giai đoạn cuối của nguyệt thực một phần, dù chỉ trong một khoảng thời gian khá ngắn.