- TAND TP Hà Nội hôm nay mở phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Viết Dũng (SN 1986, quê Nghệ An) tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Tội phạm và hình phạt được quy định tại điều 245, khoản 2, điểm d, bộ luật Hình sự. Sau khi xem xét, HĐXX cấp phúc thẩm đã tuyên phạt bị cáo 12 tháng tù.
Trước đó, ngày 14/12/2015, TAND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này và tuyên phạt bị cáo mức án 15 tháng tù. Không đồng tình với bản án sơ thẩm, bị cáo đã kháng cáo lên TAND TP Hà Nội.
Nguyễn Viết Dũng tại phiên tòa phúc thẩm. (Ảnh: ANTĐ) |
Theo bản án sơ thẩm, thông qua mạng Internet, Dũng biết vào sáng 12/4/2015 có tụ tập đông người, tuần hành trái phép tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội nên đã sử dụng facebook cá nhân nhắn tin, lôi kéo một số đối tượng tham gia tuần hành.
Dũng đã cung cấp các thông tin, kế hoạch về thời gian, địa điểm gặp mặt, tham gia cuộc tuần hành, đưa ra mẫu áo đồng phục cho nhóm mặc khi tuần hành.
Tối 11/4/2015, Dũng đi xe máy từ nhà ở xã Hậu Thành, Yên Thành, Nghệ An ra Hà Nội, mang theo 19 áo phông tự thiết kế và đặt làm trước đó.
Đến sáng 12/4, Dũng đến khu vực vườn hoa tượng đài Vua Lý Thái Tổ, HN để gặp mặt các đối tượng trong nhóm.
Tại đây, Dũng phát áo đồng phục mang theo cho 4 người có mặt và nói họ mặc áo để chụp ảnh cùng.
Tiếp đó, Dũng và nhóm này đã sử dụng đồng phục tham gia đoàn tuần hành với khoảng từ 40 đến 50 người khác, tạo thành một đoàn người tụ tập, tuần hành trái phép, vừa đi vừa hô hào quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, gây mất an ninh trật tự công cộng.
Các lực lượng chức năng đã nhiều lần yêu cầu đoàn người trên không tụ tập, hô hào gây mất an ninh trật tự công cộng nhưng các đối tượng không chấp hành.
Sau khi sự việc xảy ra, nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân đã có văn bản kiến nghị, phản ánh sự bức xúc của nhân dân đối với nhóm đối tượng tụ tập đông người, tuần hành quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt của người dân và của khách du lịch.
Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng, hành vi của Dũng đã gây cản trở việc đi lại của người dân Hà Nội, du khách trong và ngoài nước, làm rối loạn các hoạt động quanh khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây hậu quả nghiêm trọng.
Giảm nhẹ hình phạt nhờ chuyển biến nhận thức
Tại phiên tòa phúc thẩm lần này, các luật sư bào chữa cho bị cáo Dũng đưa ra quan điểm cho rằng, thân chủ của mình không phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại điều 245, khoản 2, điểm d bộ luật Hình sự.
Với nhận định, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Dũng đã có sự chuyển biến về nhận thức, nên HĐXX cấp phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm, xem xét giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt.
T.Nhung