- Lúc đó khi đang ở mặt trận thì nhận được thư viết tay của Đại tướng chỉ đạo chiến dịch - nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu kể với VietNamNet.
Nguyên Tổng bí thư cho rằng trong
quá trình lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có công rất lớn,
góp phần xứng đáng vào việc hình thành một học thuyết quân sự độc đáo Việt Nam
trong thời đại Hồ Chí Minh - đường lối chiến tranh nhân dân.
Điện Biên Phủ và kháng chiến chống Mỹ đều ghi dấu ấn của Đại tướng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và
nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu năm 2000. Ảnh: Trần Tuấn
Ông nhớ lại trong Đại thắng mùa xuân 1975, ấn tượng nhất là mệnh lệnh "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
"Tôi nhớ lúc đó khi đang ở mặt
trận thì nhận được thư viết tay của Đại tướng chỉ đạo chiến dịch. Thư tay gửi
đến tận nơi cho chúng tôi với nội dung trên. Ngay khi nhận, chúng tôi đã sao y
gửi toàn quân đoàn. Lúc đó, khi có thời cơ thuận lợi, chúng tôi đã xốc lên, vượt
lên ở mặt trận..." - nguyên Tổng bí thư bồi hồi nhớ lại.
Một kỷ niệm mà ông nhớ mãi là hội nghị kỷ niệm thành lập đội tuyên truyền giải
phóng quân ở Thái Nguyên năm 1993.
12 giờ đêm trước ngày hội nghị, ông trăn trở bên bàn viết. Cho đến sáng hội nghị
khai mạc, ông (lúc đó trong vai trò Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) được mời đến
dự và phát biểu.
Đến dự hội nghị khi đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bài phát biểu được mở đầu "Thưa
anh Văn", toàn bộ hội trường vang lên tiếng vỗ tay rầm rầm không ngớt của những
vị đại biểu, của những cựu chiến binh, cán bộ quân đội... Chỉ cần mấy chữ đó
nhưng đã từ rất lâu nay mới trở lại.
"Nhân dân ta đánh giá cao công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng mãi
mãi xứng đáng là "Anh cả" của quân đội nhân dân Việt Nam. Bạn bè thế giới, các
nhà chính khách, học giả, các nhà quân sự khâm phục, kính trọng Đại tướng và coi
ông là một danh tướng tài ba thao lược".
Theo nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là nhà
quân sự, mà còn là nhà tư tưởng, văn hóa, khoa học, luôn gắn lý luận với thực
tiễn. Đại tướng rất coi trọng quá trình tổng kết lịch sử, nhất là những bước
ngoặt, lúc thuận lợi, khi khó khăn để rút ra những bài học cho lãnh đạo và cho
chính mình.
Xuân Linh
MỜI BẠN ĐỌC LOẠT BÀI 40 NĂM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC: Cuốn nhật ký bằng thơ và chuyến đi hòa giải |