Lời tòa soạn:

Hiện cả nước chuẩn bị các phương án thực hiện chủ trương sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp lại cấp xã để tiến tới mô hình chính quyền địa phương 2 cấp gồm cấp tỉnh và cấp cơ sở (cấp xã).

Chính vì vậy, tổ chức bộ máy của cấp xã tới đây sẽ có nhiều thay đổi:

- Dự kiến cả nước sẽ giảm 60-70% đơn vị hành chính cấp xã trong 10.035 đơn vị hiện nay.

- Cấp xã sẽ đảm nhận thêm nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện hiện nay; được trao nhiều quyền hạn hơn và sẽ có trung tâm hành chính công.

- Một số cán bộ công chức cấp huyện, cấp tỉnh sẽ về xã.

- Sẽ thực hiện chế độ công chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương, không phân biệt công chức cấp xã với cấp tỉnh.

Trước mắt, Bộ Nội vụ đề xuất giữ nguyên số lượng biên chế cấp xã nhưng trong vòng 5 năm sau khi sắp xếp sẽ thực hiện tinh giản cán bộ, công chức cấp xã không đủ tiêu chuẩn, điều kiện.

VietNamNet thực hiện loạt bài “Sáp nhập xã: Ai đi, ai ở?” ghi nhận những câu chuyện thực tế từ đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động đang làm việc ở cấp xã. Từ đó, đặt ra những vấn đề cần giải quyết trong quá trình sắp xếp lại các đơn vị hành chính thời gian tới.

VietNamNet trò chuyện với TS. Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ về câu chuyện "ai đi, ai ở" khi sáp nhập xã, không tổ chức cấp huyện.

Bỏ tư duy “biên chế suốt đời”, thực hiện chế độ công chức hợp đồng

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về công chức, công vụ, ông có đánh giá như thế nào về đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã hiện nay?

Từ khi thành lập nước tới nay, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đã ngày càng trưởng thành, phát triển, trở thành một bộ phận quan trọng của nền công vụ; có nhiều đóng góp vào sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tính đến ngày 31/12/2024, cả nước có hơn 212.600 CBCC cấp xã. Trong đó, 92,4% tốt nghiệp đại học trở lên; 7,6% từ cao đẳng trở xuống. Bộ Nội vụ

Từ chỗ chỉ gọi chung là cán bộ xã, phường, thị trấn, hưởng sinh hoạt phí, không có tiền lương, đến nay cán bộ làm việc ở xã, phường, thị trấn đều được điều chỉnh bởi pháp luật về cán bộ, công chức (CBCC) và các quy định của Đảng và hiện nay được gọi là “CBCC cấp xã”. 

Hơn 20 năm trở lại đây, Nhà nước đã ban hành quy định về tiêu chuẩn CBCC cấp xã, góp phần chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ.

Đến thời điểm này, đội ngũ CBCC cấp xã đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền công vụ và có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhân dân tại địa phương. 

TranAnhTuan 1.jpg
TS. Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: T.H

Một trong những vấn đề đặt ra khi sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập xã, phường đòi hỏi đội ngũ CBCC phải có những điều kiện, tiêu chuẩn gì để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới? 

Trong cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp tới đây cả nước tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động của chính quyền cấp tỉnh và cấp xã sẽ có nhiều điểm đổi mới; công nghệ số và trí tuệ nhân tạo sẽ được sử dụng nhiều để hỗ trợ, nâng cao hiệu quả của hoạt động công vụ. 

Điều đó đòi hỏi phải thực sự xây dựng chế độ công vụ theo vị trí việc làm gắn với chức danh, chức vụ; bỏ tư duy “biên chế suốt đời” bằng việc từng bước thực hiện chế độ công chức hợp đồng; làm việc ở vị trí việc làm nào thì bổ nhiệm vào chức vụ hoặc chức danh tương ứng; bỏ thi nâng ngạch; thực hiện chế độ công vụ thống nhất, không còn thuật ngữ “cán bộ, công chức cấp xã” nữa...

Đi cùng với “thay cũ, đổi mới” trong nền công vụ, phải quy định lại tiêu chuẩn CBCC và không nên dừng lại ở các phẩm chất chung chung, đo lường trình độ nặng về bằng cấp... mà phải cụ thể. 

Như thế, mới có căn cứ để xây dựng đội ngũ CBCC thực sự là những người làm việc, có thể gánh vác, đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ nhân dân, là “công bộc của nhân dân” trong kỷ nguyên mới.

Đa số cán bộ huyện đều trưởng thành từ cơ sở

Có ý kiến đề xuất đưa cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện (cũ) về làm ở các xã mới sau sáp nhập. Theo ông như vậy liệu có hợp lý?

Trong hoạt động công vụ, việc điều động, thuyên chuyển, bố trí, tăng cường CBCC giữa các cấp chính quyền là việc bình thường.

Việc này được thực hiện căn cứ vào nhu cầu công tác hoặc thuyên chuyển theo nguyện vọng. Nhất là khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (giảm 1 cấp) thì việc điều động, bố trí lại cán bộ, công chức là một tất yếu, đương nhiên. 

Bởi chính quyền cơ sở ở các xã, phường mới sẽ có vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động rất khác so với xã, phường hiện nay. Điều này dẫn tới phải đánh giá, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức gắn với việc điều chỉnh, bổ sung, tăng cường.

Việc đánh giá, phân loại, điều động, thuyên chuyển, bố trí nhân sự là một nội dung quản lý CBCC và được thực hiện trên cơ sở nhu cầu công tác, nhu cầu nhiệm vụ ở các cơ quan, tổ chức, kể cả chính quyền cấp cơ sở.

Vì vậy, việc bố trí, điều động, bổ sung hoặc tăng cường CBCC ở cấp tỉnh, cấp huyện (cũ) về ở các xã, phường mới sau sáp nhập không những là cần thiết, mà còn là nhiệm vụ bắt buộc phải làm để tăng cường năng lực trong đội ngũ công chức, bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn mới ở cấp xã.

W-hanh chinh   giay to 37.jpg
Việc điều động, thuyên chuyển, bố trí, tăng cường CBCC giữa các cấp chính quyền là việc cần thiết. Ảnh minh họa: Thạch Thảo

Mặc dù cán bộ huyện thường có trình độ cao hơn cán bộ xã nhưng lại được đánh giá là chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý các vấn đề ở cơ sở, nhất là những công việc tiếp xúc trực tiếp với người dân, chưa hiểu dân bằng cán bộ xã. Vậy theo ông, giữa CBCC có bằng cấp, trình độ và người có kinh nghiệm làm việc sát cơ sở thì nên chọn ai?

Thường thì đa số cán bộ huyện đều trưởng thành từ cơ sở. Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Không nên so sánh trình độ CBCC giữa các cấp. Trình độ và năng lực là 2 khái niệm khác nhau. Có thể trình độ cao hơn nhưng chưa chắc năng lực đã tốt hơn.

Nhiều đồng chí băn khoăn vấn đề sắp xếp nhân sự khi sáp nhập, hợp nhất và sắp xếp nhân sự Đại hội. Các cơ quan Trung ương sẽ có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí, tiêu chuẩn. Tôi đề nghị phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác. Ban Thường vụ cấp tỉnh phải bàn kỹ với nhau về vấn đề này, tạo sự thống nhất cao trong thực hiện, nhất là bố trí người đứng đầu các cơ quan sau khi sáp nhập. Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11

Người có trình độ chưa chắc đã thành công. Nhưng người thành công thì thường là người có năng lực. Kinh nghiệm là rất quý vì được đúc rút từ thực tiễn và giúp ta tránh được các rủi ro, sai lầm, thất bại. Tuy nhiên, kinh nghiệm cũng chưa hẳn là tất cả. 

Tôi rất tâm đắc với phát biểu bế mạc của Tổng bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 11 khóa 13 vừa qua: “Phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác”.

Cho nên nếu hỏi tôi giữa CBCC có bằng cấp, trình độ và người có kinh nghiệm làm việc sát cơ sở thì nên chọn ai, tôi sẽ trả lời rằng: Tôi chọn người có đủ năng lực để hoàn thành tốt yêu cầu công việc. 

Sàng lọc không phải để loại những người đại học tại chức

Rất nhiều ý kiến cho rằng đây là dịp để sàng lọc, chuẩn hóa trình độ của CBCC cấp xã (loại những người có bằng dưới đại học, bằng đại học tại chức; chỉ chọn người có trình độ đại học chính quy). Ý kiến của ông về việc này như thế nào?

Tôi đồng ý đây là cơ hội để đánh giá, sàng lọc, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC, nhưng không phải để loại những người có bằng dưới đại học, bằng đại học tại chức, giữ lại những người có bằng chính quy.

Các chính sách được xây dựng và ban hành có chất lượng, đi vào cuộc sống; các nhu cầu của người dân hoặc doanh nghiệp được giải quyết nhanh, không ách tắc, chậm trễ… không phải do học hệ nào, trên hay dưới đại học mà do năng lực thực thi công vụ của CBCC. TS. Trần Anh Tuấn

Bởi vì, bằng đại học dù là hệ chính quy, mở rộng, tại chức, từ xa... thì đều là bằng đại học và đều có giá trị như nhau trước pháp luật. Không nên phân biệt hệ đào tạo. Cái chúng ta quan tâm là vấn đề năng lực thực sự để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Dù trong thời đại hiện nay, có công nghệ, số, có trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ nhưng nếu thiếu năng lực sử dụng AI, đặt yêu cầu, ra câu hỏi, hoặc đánh giá các nội dung AI đưa ra… thì vẫn không giải quyết vấn đề gì. Bởi AI chỉ là công cụ hỗ trợ nâng cao hiệu quả công việc cho mọi người, không thể thay thế con người được. 

Dự thảo Luật Cán bộ công chức (sửa đổi) có đưa ra một đề xuất quan trọng là “không phân biệt công chức cấp xã với công chức cấp tỉnh và cấp Trung ương”. Theo ông, vì sao Bộ Nội vụ lại đưa ra đề xuất này? Quy định này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính các cấp hiện nay?

Tôi rất tán thành và ủng hộ đề xuất này của Bộ Nội vụ. Trong một quốc gia thống nhất thì nền công vụ phải thống nhất. Cấp xã là một cấp chính quyền. Hoạt động của đội ngũ CBCC cấp xã cũng là hoạt động công vụ như cấp tỉnh.

W-Da Nang (1).jpg
Sắp tới sẽ triển khai mô hình chính quyền 2 cấp, gồm cấp tỉnh và cấp xã, không tổ chức cấp huyện. Ảnh: Hoàng Hà

Không nên phân chia, phân loại CBCC giữa các cấp, các ngành với nhau. Trước đây, chúng ta quy định CBCC cấp xã thành một chương trong Luật Cán bộ, công chức là bởi lịch sử hình thành cán bộ ở xã, phường, thị trấn với chất lượng chưa được chuẩn hóa.

Nay cơ bản, chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã đã được cải thiện và chuẩn hóa thì không nên phân biệt, phân loại CBCC ở Trung ương với cấp tỉnh, cấp xã.

Đề xuất này nếu được Quốc hội thông qua sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc xây dựng một nền công vụ mới, một nền công vụ chuyên nghiệp, thống nhất, trách nhiệm, năng động, hiện đại và hiệu quả, thay thế hoàn toàn chế độ chức nghiệp bằng chế độ vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp sắp tới.