Triển lãm tranh lụa mang tên Duyên tơ mới khai mạc tại Hội Mỹ thuật TP.HCM.
Triển lãm do nhóm 6 Cọng Lụa gồm 6 họa sĩ Nguyễn Thị Đỗ Quyên (TP.HCM), Trần Thục Quyên (TP.HCM), Hoàng Hồng (Quảng Bình), Tiểu Tân (Huế), Lương Hiền (Quảng Ninh), Xuân Nguyễn (Đồng Nai) thực hiện.
Các hoạ sĩ gặp nhau trên hành trình nghệ thuật, cùng bén duyên với tình yêu tranh lụa. Tuy mỗi người có khởi đầu và hành trình hội hoạ khác nhau, nhưng gặp nhau qua một chất liệu mang đến nhiều cảm xúc: tươi mới, trầm mặc, thơ mộng, bay bổng.
Các hoạ sĩ khiêm tốn tự ví mình như cọng tơ mỏng, nhờ duyên lành với hội hoạ mà đan kết lại với nhau thành một bức tranh lớn Duyên tơ nhiều màu sắc và câu chuyện.
Là khách mời tại triển lãm, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng hào hứng thưởng thức các tác phẩm. Chia sẻ với VietNamNet, nam ca sĩ nói hạnh phúc vì dịp đầu năm được thưởng lãm tranh mang sắc hương khá đặc biệt. Anh cảm giác rất thơ, dường như mọi thứ trở nên bay bổng, lãng mạn hơn bao giờ hết.
Trong rất nhiều bức tranh lướt qua, ca sĩ nói có vài tác phẩm đã vô tình chạm đến trái tim bởi khơi gợi lòng yêu nước, tình yêu dân tộc trong anh và nhiều người.
Bên cạnh đề tài quê hương, đất nước, Nguyễn Phi Hùng ấn tượng với tác phẩm tình mẫu tử. Trong đó, tác phẩm Về bên má hay Tình yêu ở lại của họa sĩ Tiểu Tân khiến anh cảm thấy gần gũi, thân thương.
"Mọi cảm xúc ký ức ùa về khiến tôi bỗng chốc nhớ lại điều đáng nhớ ấy. Với tôi, đôi khi chỉ cần được nằm vào lòng má, được má chạm lên mái đầu thì tất cả mọi lo toan, phiền muộn ngoài kia cũng dần tan biến", anh chia sẻ.
GS.TS Nguyễn Xuân Tiên - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM - nhận xét nhóm họa sĩ cộng hưởng để tạo ra chất dịu dàng, trong trẻo và sâu lắng với tranh lụa.
Trong đó, chất Á Đông pha lẫn tính hiện đại với đề tài nóng bỏng của cuộc sống hiện nay tạo nên điều đặc biệt cho các tác phẩm.
“Sự sâu lắng đó, hay nói cách khác những điều vốn trong trẻo pha chút bình dị đưa người xem đến một thế giới vô cùng khác, với tình yêu cuộc sống một cách nhẹ nhàng. Đấy là giá trị cốt lõi, món quà tinh thần để có thể gửi tới thầy cô, bạn bè, người thân yêu”, ông phát biểu.
Triển lãm diễn ra đến ngày 16/3, trưng bày 57 tác phẩm tranh lụa với nhiều chủ đề: tĩnh vật, chân dung, vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp con người các vùng miền, gia đình, tình yêu… Dù đề tài, bút pháp, phong cách khác nhau song các tác phẩm cùng mang đến cảm xúc tinh khôi, nhẹ nhàng, trong trẻo, đượm tình.
Giữ trọn tinh thần mềm mại vốn có của tranh lụa, cộng thêm kỹ thuật và bút pháp của mỗi họa sĩ, hồn tranh các tác phẩm được thể hiện rất riêng, thấm đẫm tính đương thời.
Lụa như một mối duyên lành để điều ấp ủ bấy lâu trong tâm trí các hoạ sĩ có dịp được trôi, chảy một cách êm đềm qua từng mảng hình, nhân vật hay nhịp điệu tác phẩm.
Các hoạ sĩ đang trong hành trình khám phá cái tôi bên trong bằng chất liệu lụa. Với họ, mỗi chất liệu đều mang đến một trải nghiệm thú vị và lụa là chất liệu chắt chiu đường nét, đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn. Qua triển lãm Duyên tơ, nhóm hoạ sĩ mong rằng các tác phẩm cùng tình yêu và trải nghiệm mới mẻ với tranh lụa có thể góp chút hương sắc cho đời và cho người yêu hội hoạ.
Sự khắt khe trong kỹ thuật vẽ, đồng thời phải cạnh tranh giữa dòng chảy đương thời cùng các chất liệu khác, loại hình tranh lụa dần kén người theo đuổi dù vị thế không hề nhỏ.
Triển lãm được tổ chức với mong muốn lan tỏa tranh lụa đến công chúng yêu thích hội họa, góp phần tiếp nối sự phát triển dòng tranh này được xem là vốn quý của hội họa Việt Nam.