50 năm trước, ngày thống nhất đất nước không chỉ là dấu mốc vĩ đại của dân tộc mà còn là thời khắc thiêng liêng với gia đình nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa. Sau 21 năm xa cách, cuối cùng tới ngày gia đình bà từ 2 miền Nam - Bắc được đoàn tụ.
LTS: Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, báo VietNamNet giới thiệu loạt bài với chủ đề “Ngày 30/4 - kỷ nguyên mới”.
Các chuyên gia, nhà quân sự, chứng nhân lịch sử chia sẻ những ký ức, bài học, kinh nghiệm từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, bài học huy động sức dân, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế; bài học ngoại giao, quân sự trong công cuộc kháng chiến cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đó là sự sáng tạo, kiên cường, là sức mạnh của chiến tranh nhân dân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bài học lớn trong phát huy nội lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
VietNamNet mời độc giả gặp lại những “tượng đài sống”, chứng nhân hiếm hoi còn lại trong những thời khắc lịch sử. Đó là các bác, các cô là cựu chiến sĩ biệt động, cựu tù chính trị, những người từng tham gia phong trào học sinh sinh viên, đấu tranh đô thị… Họ đã dành tuổi trẻ, niềm tin, lòng quyết tâm và cả niềm hy vọng cho ngày toàn thắng.
Thưa nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, 50 năm thống nhất đất nước là cột mốc lịch sử của cả dân tộc. Với riêng bà, cột mốc này còn có ý nghĩa ra sao?
- Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước có ý nghĩa rất quan trọng đối với lịch sử dân tộc và cá nhân tôi.
Gia đình tôi là một gia đình cách mạng. Ba tôi tập kết ngoài Bắc, với 21 năm xa gia đình. Má tôi tham gia cách mạng, 2 lần bị địch bắt vào tù. Tất cả chị em tôi - chị Trương Mỹ Lệ và các em Trương Công Minh, Trương Nhựt Quang, Trương Minh Nhựt, Trương Thị Hiền đều tham gia cách mạng.
"Ngày hòa bình, gia đình tôi trở về nguyên vẹn là điều quá kỳ diệu, quá may mắn và hạnh phúc". Ảnh: Nguyễn Huế
Trong chiến tranh, gia đình tôi ly tán, mỗi người mỗi nơi. Chị hai Trương Mỹ Lệ bị địch bắt 2 lần và phải sinh con là bé Lê Minh Trang trong tù, còn chồng chị là anh Lê Minh Châu bị kết án tử hình.
Em Trương Minh Nhựt vào ngày giải phóng vẫn đang nằm trên băng ca vì thương tích quá nặng do bị tra tấn trong tù. Em Trương Thị Hiền được tổ chức cho dắt 2 cháu (con chị Lệ là Lê Minh Cảnh và Lê Minh Trang) vượt Trường Sơn ra Hà Nội tìm gặp ba tôi, và cũng là dự định tạo nguồn cho cách mạng.
Vậy nên, ngày thống nhất đất nước cũng có nghĩa là thời điểm gia đình tôi được đoàn tụ. Đây là một cột mốc tình cảm quan trọng mà mọi người đều mong ước. May mắn hơn nữa, mọi người trong gia đình tôi đều còn nguyên vẹn.
Tính tổng thời gian mọi người trong gia đình tôi ở tù là 48 năm. Ba thế hệ bà - mẹ - cháu bị địch giam cùng trong một nhà lao, đó là nhà lao Thủ Đức. Ngày hòa bình, gia đình tôi trở về nguyên vẹn là điều quá kỳ diệu, quá may mắn và hạnh phúc.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa và góc kỷ niệm tại phòng khách ở nhà riêng. Ảnh: Nguyễn Huế
“Thanh niên cần có khát vọng cống hiến”
Trong chặng đường dài từ ngày thống nhất đất nước tới nay, với các công việc từng đảm nhiệm, bà đánh giá công việc nào là khó khăn nhất? Công việc nào thú vị, nhiều kỷ niệm sâu đậm nhất, thưa bà?
- Trong 50 năm qua, tôi đảm nhiệm nhiều công việc, từ cơ sở đến trung ương. Tất cả những công việc tôi làm đều do Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng phân công, giao phó. Tôi không tự chọn cho mình một công việc nào mà đều chấp hành sự phân công, coi đó là vinh dự, là trách nhiệm.
Kiểm điểm lại, tôi thấy sau chiến tranh mình được đoàn tụ, trở về sống cùng gia đình thì Đảng, nhân dân cần gì tôi cũng sẵn sàng. Có những anh em, đồng đội hy sinh nơi chiến trường, chiến thắng còn chưa thấy được huống gì được Đảng và Nhà nước phân công.
Thế nên, mình không có quyền so đo. Bổn phận của tôi là phải làm, và làm cho thật tốt. Việc nào cũng có cái khó, nhưng cũng có thuận lợi. Khi gặp vấn đề khó, tôi phải nỗ lực học tập để hiểu biết, dựa vào tập thể để làm tốt hơn và phục vụ cũng tốt hơn.
Ngày trước, lúc tôi ở tù thì trước mặt là kẻ thù, trên đầu là Đảng, là Bác Hồ, cho nên phải nhìn phía trước để chiến đấu. Hòa bình rồi thì trước mặt, trên đầu mình đều là Đảng, là Bác Hồ, là nhân dân. Chính vì thế, mình càng phải cố gắng, làm hết sức mình, làm cho thật tốt.
"Tất cả những công việc tôi làm đều do Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng phân công, giao phó". Ảnh: Nguyễn Huế
Tôi chưa bao giờ cảm thấy hối hận vì lơ đãng trong công việc hay có những suy nghĩ lệch lạc. Tôi cũng chưa từng nghĩ đến việc nghỉ ngơi trong công việc.
Nhưng từ khi nghỉ hưu đến giờ, tôi được lựa chọn. Có điều, tôi không chọn nghỉ ngơi mà chọn cống hiến. Tôi vẫn tiếp tục làm mặc dù không ai phân công, tự giác thực hiện sự nghiệp “cõng chữ lên non” - mang học bổng Vừ A Dính tới các cháu dân tộc thiểu số, hay "chở chữ ra biển" với Câu lạc bộ Hoàng Sa, Trường Sa.
Những việc này là để chăm lo cho biên cương và hải đảo, đào tạo nguồn nhân lực cho Tổ quốc. Tôi cũng luôn động viên những người trẻ tuổi cùng làm để thực hiện công việc, giữ bình yên cho vùng phên dậu của Tổ quốc, biển đảo.
Có 2 câu thơ mà tôi nhớ nằm lòng và rất tâm đắc: “Hỏi tuổi, tuổi khuyên nên dừng lại/ Hỏi lòng, lòng bảo cứ xung phong”.
Từng là cán bộ vận động phong trào thanh niên, sinh viên trong kháng chiến, vậy theo bà, cần làm gì để vận động thế hệ trẻ phát huy vai trò hơn nữa cho công cuộc xây dựng đất nước?
- Năm 1954, tôi còn là một cô bé, cùng bạn bè đứng ở bờ tre làng tiễn các chú bộ đội lên đường tập kết. Ai đi ngang qua cũng xoa tay lên đầu chúng tôi và dặn dò phải học tập thật tốt, chăm ngoan, chú đi 2 năm chú về.
Nhận những lời động viên ấy, chúng tôi đã cố gắng làm theo và chờ đợi các chú trở về. Nhưng chờ mãi, các chú vẫn không về và cuối cùng, đám thiếu nhi chúng tôi ngày ấy lại theo các chú đi làm cách mạng, đánh Mỹ, lật ngụy cho đến ngày toàn thắng.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tại chương trình tặng quà của cựu tù Côn Đảo, trao học bổng cho học sinh vùng biển đảo và con em cán bộ - quân nhân chuyên nghiệp trạm ra đa 590, Vùng 2 Hải quân. Ảnh: TL
Do đó, tôi rất tin cậy vào thế hệ thanh niên Việt Nam. Bởi lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nếu không có những lực lượng kế thừa thì chắc không có được một dòng chảy cách mạng sôi sục như vậy.
Điều này đồng nghĩa với việc phải giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh niên, để các bạn trẻ hiểu về cội nguồn, lịch sử. Qua đó, truyền lửa, cho thanh niên tích cực, ham học hỏi.
Bây giờ là giai đoạn để thanh niên Việt Nam nỗ lực học tập, phát huy những giá trị vốn có của bản thân, góp phần xây dựng, bảo vệ quê hương, Tổ quốc. Bên cạnh đó, thanh niên Việt Nam cần có khát vọng cống hiến cho Tổ quốc, cho đất nước.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa chụp ảnh kỷ niệm cùng phóng viên báo VietNamNet. Ảnh: Nguyễn Huế
Nếu thấy được tầm quan trọng của việc giáo dục đào tạo và hướng đến những giá trị tốt đẹp, thanh niên sẽ làm tốt vai trò của mình trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên phát triển, giàu có, thịnh vượng cho đất nước.
Khi tôi đang là Bí thư Quận ủy Tân Bình (TPHCM), chưa làm ở cấp thành phố ngày nào thì được điều ra Hà Nội làm Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Trung ương.
Cơ duyên đưa tôi ra Hà Nội công tác là nhờ cô Nguyễn Thị Định (nguyên Phó Tư lệnh quân giải phóng miền Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước). Thời gian đó, tôi mới chỉ một vài lần được gặp cô chứ chưa trò chuyện lâu. Nhưng một hôm, cô tới gặp tôi và hỏi thăm về gia đình. Rồi cô bảo tôi ra làm ở Hội Liên hiệp phụ nữ, với cách nói hết sức giản dị nhưng tôi bị thuyết phục hoàn toàn.
Cô Định bảo: “Mình là phụ nữ thì làm ở hội phụ nữ làm đúng rồi, chứ chẳng lẽ lại để cho mấy ông nam giới làm?”.
Tôi nghĩ rằng con người ta phải đi từ suối ra sông nhỏ, sông nhỏ ra sông lớn, từ sông lớn mới chảy ra biển cả. Còn như tôi khi ra Hà Nội thì giống từ suối đã vượt luôn ra biển. Từ miền Nam ra miền Bắc đã khác từ phong tục tập quán đến văn hóa, công việc cũng mới mẻ..., muốn hiểu biết là phải thâm nhập và muốn làm được thì phải hiểu tới nơi tới chốn. Chính vì thế, tôi luôn học tập và rèn luyện trong điều kiện mới để hoàn thành tốt công việc.
“Chúng tôi làm khuôn hình ngôi sao, dặm xuống sơn đỏ rồi gắn lên trên ngực, coi đó là dấu hiệu chiến thắng. Chúng tôi là một đoàn chiến thắng” - bà Hoàng Thị Khánh hào hứng kể lại những ngày đầu tháng Năm cách đây 50 năm ở Côn Đảo.