Liên quan đến các vụ cướp biển gần đây xảy ra với tàu biển Việt Nam, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Nhật - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Thưa ông, cướp biển là chuyện không mới trên thế giới nhưng vì sao thời gian gần đây lại xảy ra trên vùng biển Đông Nam Á, đặc biệt với tàu Việt Nam?

- Cướp biển là chuyện thường xuyên xảy ra trên thế giới, từ xưa đã xảy ra chuyện này. Ở vùng biển Đông Nam Á thì mới xảy ra trong năm nay thôi. Tuy nhiên, những vụ cướp thường xảy ra trên vùng biển quốc tế, chứ không thuộc một nước nào cả. Các tàu phải tính toán làm sao, không nên đi qua vùng biển quốc tế vào ban đêm. Thực tế, hai vụ cướp tàu vừa qua đều xảy ra vào ban đêm.

Nguyên nhân thực sự thì chưa thể xác định được tại sao cướp biển lại hoành hành trên vùng Biển Đông, nhưng về nguyên nhân cụ thể, sở dĩ tàu của chúng ta bị cướp vì di chuyển qua vùng biển quốc tế vào ban đêm, khi các lực lượng bảo vệ an toàn trên biển bị hạn chế. Đặc biệt, do tàu của chúng ta nhỏ nên bọn cướp dễ đột nhập và khống chế.

Sở dĩ tàu Việt Nam bị cướp mà tàu các nước khác lại không, vì tàu của chúng ta loại nhỏ, bọn cướp biển dễ lên, dễ khống chế. Tàu các nước đi qua vùng biển quốc tế thường 200.000 – 300.000 tấn, trong khi tàu của chúng ta chỉ hơn 2.000 tấn.

{keywords}

Ông Nguyễn Nhật - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Cả hai vụ cướp biển xảy ra gần đây, bọn cướp đều thực hiện được trót lọt, phải chăng chúng ta chưa tập huấn đầy đủ cho thuyền trưởng, thuỷ thủ để đối phó với những tình huống này?

- Cục Hàng hải và các lực lượng khác như hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư… thường xuyên tổ chức tập huấn các tình huống phòng, chống cướp biển cho các tàu biển hay đi qua các vùng biển quốc tế. Cục cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp với hiệp hội chủ tàu, hiệp hội các hãng tàu, thông báo với thuyền trường… Nhưng thực tế, những vụ cướp biển xảy ra trên vùng biển quá xa nên khó kiểm soát, khó phối hợp các lực lượng giải cứu kịp thời...

Theo ông, khi xảy ra tình huống tàu bị cướp biển tấn công, hành động của thuỷ thủ đoàn như thế nào là phù hợp?

- Khó mà nói cần phải xử lý thế nào, vì mỗi trường hợp có các tình huống khác nhau, thuyền trưởng và các thuyền viên phải biết phòng, chống, đối phó với cướp biển. Nhưng theo tôi, trong những tình huống đối mặt với cướp biển sự nóng vội, manh động không phải là cách xử lý tốt, bởi lẽ bọn cướp luôn ở thế chủ động tấn công còn tàu bị cướp ở thế thụ động.

Theo quy định hàng hải quốc tế, tàu chở hàng không được mang theo vũ khí, trong khi đó bọn cướp có đầy đủ vũ khí và sẵn sàng nổ súng, do đó, các thuỷ thủ, thuyền trưởng cần có cách đối xử khôn khéo, tìm cách thông tin về đất liền nhanh nhất để huy động lực lượng hỗ trợ truy tìm bọn cướp, và sau đó các nhà chức trách sẽ có cách xử lý. Sự việc xảy ra ở vùng biển nước nào, nước đó phải có trách nhiệm.

Thực tế vụ cướp tàu Asphalt 2 vừa qua, các quốc gia liên quan đã phản ứng như thế nào?

- Trong vụ việc xảy ra với tàu chở dầu Sunrise 689 và tàu Asphalt 2, ngay khi nhận được tin báo, tôi đã gọi điện cho phía Singapore, họ điều tàu và các lực lượng hỗ trợ ra ngay vùng biển xảy ra sự việc, liên tục lùng sục nhiều giờ truy tìm bọn cướp biển.

Về mặt quản lý nhà nước, liệu có phải chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề bảo vệ an toàn hàng hải, đặc biệt đối với các tàu thường xuyên vận chuyển trên tuyến biển quốc tế?

- Đối với Nhà nước, năm nào Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đi họp với bộ trưởng các nước ASEAN bàn về chuyện phòng, chống cướp biển. Các nước đều thống nhất, cam kết hỗ trợ chống cướp biển. Tổ chức Hàng hải thế giới có đại diện nằm ở Malaysia và thường xuyên khuyến cáo về nạn cướp biển. Việt Nam và các nước ven biển như Singapore, Malaysia, Indonesia,… đều có tổ chức phòng, chống cướp biển nhằm đảm bảo cho tàu bè hoạt động trên vùng biển của mình an toàn.

Thực tế, việc phối hợp giữa các cơ quan này trong khu vực thực hiện khá tốt. Nếu sự việc xảy ra với tàu nước họ trên vùng biển nước mình, mình xử lý ngay, ngược lại, các nước bạn cũng phản ứng rất nhanh. Hằng năm đều có sự trao đổi, rút kinh nghiệm giữa các nước ven biển trong khu vực. Về mặt quản lý nhà nước, chúng ta đã làm hết sức, hết cỡ rồi.

Đã làm hết sức, hết cỡ nhưng nạn cướp biển đã diễn ra với tàu của chúng ta trên chính vùng Biển Đông và không ai dám chắc sẽ không còn diễn ra, chẳng lẽ chúng ta bó tay ngồi nhìn?

- Quả là, chúng tôi cũng đang đau đầu suy nghĩ xem có cách thức nào đó, chứ để xảy ra chuyện như thế này nữa cũng đau đầu. Mới đây, Việt Nam đã chủ động đề xuất một chương trình phối hợp với các nước trong khu vực nhằm chống cướp biển. Thực tế, việc chống cướp biển giữa biển khơi rất khó, nó chực mình chứ mình đâu có chực được nó, rất khó. Việc chuyển đổi hướng đi tránh vùng biển quốc tế là khó, trước mắt, các tàu của chúng ta nên tính toán, tránh đi qua vùng biển này vào ban đêm.

Xin cảm ơn ông!

(Theo Lao Động)