Theo ông Hoàng Đức Thanh, kiến trúc sư vô tuyến thuộc Tổng công ty Mạng lưới Viettel, trong quá trình theo dõi hoạt động vừa qua, công ty đã nhận được phản ánh của một số khách hàng về việc trải nghiệm 5G tốc độ chậm, chỉ tương đương 4G.
Lý giải tình trạng này, chuyên gia Viettel cho biết, do 5G là dịch vụ mới được triển khai, hiện tập trung ở một số khu vực thành phố lớn, số trạm 5G cũng chưa nhiều như 4G, ngoài ra còn phải kể đến tâm lý người dùng “háo hức” vào kiểm tra tốc độ.
Cũng theo ông Thanh, tốc độ trải nghiệm dịch vụ 5G phụ thuộc vào các yếu tố như vị trí người dùng gần hay xa trạm, sóng khỏe hay yếu, máy chủ định tuyến đặt tại đâu. “Trong khung giờ thấp tải, với một thuê bao trải nghiệm thì có thể đạt được tốc độ 300-400 Mbps”, chuyên gia của Viettel cho hay. Do đó, khi có nhiều người cùng truy cập 5G cùng thời điểm, sẽ dẫn đến tình trạng có thuê bao được phân bổ nhiều tài nguyên hơn thuê bao khác.
Việc nhiều thuê bao sử dụng phần mềm để kiểm tra tốc độ mạng 5G cùng lúc cũng làm giảm hiệu suất chung của hệ thống. Tình trạng này sẽ được cải thiện trong thời gian tới khi dịch vụ được phổ cập, số lượng thuê bao vào kiểm tra giảm xuống.
Đồng tình với nhận định trên, bà Nguyễn Thị Tâm, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Mạng lưới Viettel nói rằng, hiện nay có hai phần mềm kiểm tra tốc độ phổ biến là SpeedTest và iSpeed của Bộ TT&TT. Cả hai ứng dụng này sử dụng nhiều máy chủ ngẫu nhiên để thử nghiệm, do đó trong trường hợp thuật toán đưa ra một server “không tốt” (cấu hình cũ) cũng sẽ dẫn đến giảm kết quả đo được.
Trong khi đó, năng lực của mạng lưới 5G hiện tại đủ sức cung cấp dịch vụ cho đông đảo thuê bao với những nhu cầu data hàng ngày.
“Khác với việc sử dụng phần mềm kiểm tra tốc độ vốn yêu cầu tối đa tài nguyên mạng lưới để lấy kết quả cao nhất, những tác vụ hàng ngày như xem YouTube, streaming độ phân giải FullHD chỉ cần tốc độ 5-7 Mbps”, bà Tâm cho biết.
Về việc tình trạng một số thuê bao phản ánh thiết bị nóng, hao pin hơn khi sử dụng dịch vụ 5G, ông Hoàng Đức Thanh cho hay, các công nghệ mới có tốc độ cao hơn đòi hỏi năng lực xử lý của thiết bị cao hơn (về kỹ thuật và băng thông rộng hơn), dẫn đến mức độ tiêu thụ điện năng trên máy cao hơn. Chẳng hạn, băng thông phát sóng 5G là 100 MHz, gấp 5 lần so với công nghệ 4G, từ đó cũng yêu cầu thiết bị phải xử lý đầu cuối phức tạp hơn.
Đại diện nhà mạng Viettel đánh giá, công nghệ 5G sẽ khiến thiết bị tiêu hao pin nhiều hơn khoảng 5-10% so với 4G.
Ngoài ra, nhà mạng Viettel cũng nhận được phản hồi về một số thuê bao không thể truy cập sử dụng dịch vụ 5G. Theo chia sẻ, hiện nay số thiết bị không thể truy cập mạng 5G của Viettel là các điện thoại xách tay, bản khóa (locked) cho từng thị trường riêng không hỗ trợ sim, trong khi đó các smartphone xách tay bản quốc tế vẫn có thể sử dụng dịch vụ bình thường.
Nhằm giải quyết những vấn đề như nóng máy hay pin tụt nhanh, đại diện Viettel thông tin, người dùng trước mắt có thể sử dụng các chế độ cấu hình có sẵn trên thiết bị như 5G On (luôn bật 5G) hoặc chỉ bật 5G khi có nhu cầu tải dữ liệu lớn, các ứng dụng chạy nền chỉ cần 4G là đáp ứng đủ nhu cầu. Ngoài ra, khi đăng ký sử dụng dịch vụ 5G có thể yêu cầu nhân viên hỗ trợ xem thiết bị có tương thích hay không.
Thời gian tới, nhà mạng này sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà sản xuất đầu cuối sử dụng bộ tham chiếu thống nhất để tối ưu hóa hiệu suất cho người dùng.
Qua theo dõi hệ thống, đại diện Viettel cho biết, lưu lượng trên mạng 5G tăng nhanh trong hơn mười ngày vừa qua. Tính trên toàn quốc, lưu lượng 5G chỉ bằng 5% so với 4G, song nếu xét riêng tại các khu vực thành thị đã triển khai dịch vụ mới, lưu lượng 5G đã gần đạt 15%.