Vào ngày 17/2/2016, Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định số 476/QĐ-BNN-TY và tổ chức thực hiện “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2016 – 2020” tiêm vacxin lở mồm long móng cho gia súc từ nguồn kinh phí trung ương, địa phương, các doanh nghiệp và cá nhân chăn nuôi gia súc.

Tuy nhiên, hai năm liền tỉnh Quảng Ngãi đều bùng phát dịch lở mồm long móng.

{keywords}
 

Chi cục Chăn nuôi và Thú ý tỉnh Quảng Ngãi thông tin, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 400 con bò mắc bệnh lở mồm long móng. Trong đó 29 con chết.

Số gia súc mắc bệnh tập trung chủ yếu ở huyện Tư Nghĩa và thị xã Đức Phổ.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp, tỉnh Quảng Ngãi bùng phát dịch bệnh lở mồm long móng vào sau Tết.

Tháng 2/2020, dịch bệnh cũng bùng phát trên nhiều địa phương của tỉnh với số lượng trâu bò mắc bệnh lên đến 2.500 con. Những ổ dịch lớn tập trung ở 2 địa phương vào thời điểm đó là huyện Bình Sơn và thị xã Đức Phổ.

Ông Ngô Hữu Hạ - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh Quảng Ngãi có tổng đàn gia súc khoảng 280.000 con.

Tỉnh Quảng Ngãi vẫn tổ chức tiêm phòng dịch bệnh lở mồm long móng vào 2 đợt là tháng 4, tháng 5 và tháng 10, tháng 11. Kinh phí chia ra làm 2 nguồn gồm nguồn: 50% của tỉnh và 50 % của địa phương.

Trong năm 2020, tỉnh đã tiêm được khoảng 80% tổng đàn theo kế hoạch đã đặt ra.

Về vấn đề dịch vẫn bùng phát trong tỉnh dù đã được tiêm vaccine, ông cho rằng, có nhiều nguyên nhân.

“Quảng Ngãi có đặc điểm là nuôi bò lấy thịt. Đầu năm người dân mua bò ở các tỉnh thành khác, vỗ béo rồi cuối năm bán.

Nếu mua bán trong tỉnh, sẽ không phải kiểm dịch. Trong khi đó, lượng bò mua từ các tỉnh thành khác chưa được kiểm soát hết.

Ngoài ra, người dân Quảng Ngãi có quan niệm, bò đang chửa hay vừa đẻ không được tiêm vaccine, vì sợ ảnh hưởng đến bò. Từ đó, khiến gia súc dễ bị mắc bệnh.

Một số hộ chăn nuôi lại có tư tưởng,khi nào bùng phát dịch mới tiêm. Nhiều trường hợp gia súc nhiễm bệnh nặng, lúc này tiêm cũng không tác dụng gì”, ông nói.

Như trường hợp hộ chăn nuôi của chị Bùi Thị Kim Sơn (thôn Thanh Bình, xã Phổ Thuận) cũng có 4 con bò bị mắc bệnh lở mồm long móng. Khi phát hiện đàn gia súc bị nhiễm, chị đã gọi thú y dịch vụ đến tiêm phòng với giá 180.000 đồng/1 lần tiêm (mỗi con bị nhiễm tiêm từ 2 – 3 lần).

Những con chưa bị nhiễm tiêm phòng với giá 30.000 đồng/1 lần tiêm. Tổng chi phí cho toàn bộ đợt tiêm là 2 triệu đồng nhưng 1 con bê vẫn bị chết.

Gia đình anh Nguyễn Văn Hiệu, thôn Thanh Bình, xã Phổ Thuận (thị xã Đức Phổ) vừa qua có 3 con bò bị mắc bệnh lở mồm long móng.

Hai con trong số đó được anh bán đi với giá rẻ hơn gấp nhiều lần so với giá thị trường. Dịch bệnh vừa qua đã khiến cho gia đình anh thiệt hại khoảng 50 triệu đồng.

Những năm qua, đàn gia súc của gia đình anh không được tiêm vacxin phòng dịch lở mồm long móng dẫn đến dịch bệnh bùng phát. Chỉ đến khi phát hiện bò bị mắc bệnh, chính quyền địa phương mới tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng. Tuy nhiên, do gia súc đã bị nhiễm nên không có tác dụng gì.

Thực tế cho thấy, không chỉ Quảng Ngãi và một số địa phương trên cả nước cũng thường xuyên để bùng phát dịch lở mồm long móng định kỳ hàng năm mà không thể xử lí được dứt điểm dù đã có đề án hỗ trợ miễn phí vacxin từ ngân sách nhà nước.

Do đó, cơ quan thú ý trung ương và địa phương cần tổ chức tiến hành lấy mẫu thường xuyên sau tiêm trên diện rộng, đặc biệt là những vùng năm nào cũng để bùng phát dịch lở mồm long móng để tiến hành đánh giá hiệu quả, hiệu lực và bảo hộ của vacxin sau tiêm cũng như quy trình kỹ thuật để tìm ra nguyên nhân nhằm xử lí và thanh toán dứt điểm bệnh lở mồm long móng, mở đường cho việc xuất khẩu sản phẩm thịt của Việt Nam sang các thị trường khác trên thế giới.

Văn Điệp