Bà Theresa May từng giữ chức Bộ trưởng Nội vụ Anh hồi 2013 cho biết, ‘thật khó tin’ khi tình trạng lao động nô lệ đang diễn ra tại Anh, và “nhiều người di cư dễ bị tổn thương từ khắp nơi trên thế giới hàng ngày vẫn được vận chuyển tới Anh… Phần lớn trong số họ trở thành nô lệ thời hiện đại, không được trả lương, không có quyền lợi và cũng chẳng có hy vọng”.

Nạn buôn người đã và đang ám ảnh nước Anh. Giới truyền thông và chính phủ ‘xứ sở sương mù’ đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về vấn đề này. Tháng 3/2015, Chính phủ Anh đã thông qua Luật Nạn nô lệ hiện đại, nhằm ngăn nhiều công ty thuê lao động bất hợp pháp và bảo vệ các nạn nhân. Cụ thể, đạo luật này quy định tội phạm liên quan tới việc buôn người và nô lệ hiện đại sẽ phải đối mặt với án chung thân.

{keywords}
Ảnh: Fujifilm

Tuy nhiên, trên thực tế thì số nô lệ hiện đại tới Anh vẫn tăng cao trong vài năm qua. Theo dữ liệu của tổ chức Walk Free Foundation, có tới 136.000 nô lệ ở Anh trong 2018, nhiều hơn 6.000 người so với ước tính năm 2013. “Có tới 7.000 nạn nhân của nạn buôn bán người được phát hiện năm 2018, nhiều hơn 1/3 so với 2017”, hãng tin Reuters cho biết.

Tờ Global Times đã đưa ra một số nguyên nhân để lý giải cho hiện tượng "kỳ lạ" này.

Thứ nhất, thị trường việc làm tại Anh khá rộng mở, đặc biệt là những công việc bị chê ‘chân lấm tay bùn’, nên rất thu hút người lao động nước ngoài. Tuy nhiên, điều đáng buồn là, khi bị những kẻ buôn người đưa tới Anh, nhiều người lao động nước ngoài bị mất tự do, bị đối xử như nô lệ.

“Có hàng ngàn nạn nhân được đưa tới Anh làm nô lệ, phải làm việc cả tuần mà không được trả lương như ở các tiệm làm móng, tiệm rửa xe, công trình xây dựng... Nhiều nạn nhân bị ép phải làm việc tại nhà thổ, trang trại cần sa trá hình...”, báo cáo từ tờ Guardian và Al Jazeera cho biết.

{keywords}
Nhiều người nhập cư bị ép làm việc tại các trang trại trồng cần sa. Ảnh: SCMP

Thứ hai, việc buôn người tới Anh thu được rất nhiều lợi nhuận. Giá nhân công ở Anh cao hơn nhiều nước khác. Nhưng 'nhờ' tuyển dụng lao động bất hợp pháp, một số doanh nghiệp sẽ kiếm được nhiều lợi hơn. Nhiều nạn nhân buộc phải làm việc trong môi trường ‘không thể chịu nổi’ suốt nhiều tiếng đồng hồ mà chỉ được trả ít tiền hoặc bị quỵt lương.

Nạn nhân cũng khó có thể trốn đi, do giấy tờ tùy thân của họ đã bị bọn buôn người tước đi. Những kẻ buôn người còn có những biện pháp trừng phạt khiến người nhập cư phải chùn chân. Dĩ nhiên, người nhập cư cũng không dám tố cáo với các cơ quan chức năng nước sở tại.

Thứ ba, luật Nạn nô lệ hiện đại hiện chưa phát huy hiệu quả. Reuters dẫn lời một luật sư Anh cho rằng, “đã tới lúc chính phủ cần mạnh tay hơn, nhằm đảm bảo các doanh nghiệp nghiêm túc loại trừ nạn nô lệ hiện đại trong dây chuyền sản xuất của họ”.

Tuấn Trần