Xây dựng bến cảng sợ mất ngư trường

Nhiều ngày qua hàng trăm hộ dân ở xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn tụ tập đông người cản trở thi công ở bến số 3, cảng container Long Sơn và kéo lên UBND xã Hải Hà phản đối khiến giao thông hỗn loạn, ách tắc kéo dài.

Liên quan tới vụ việc trên, công an thị xã Nghi Sơn đã khởi tố vụ án hình sự “Gây rối trật tự công cộng” tại xã Hải Hà.

Theo ghi nhận của PV VietNamNet, chiều 24/10, vẫn có hàng trăm người dân tụ tập ở bến số 3 cản trở đơn vị thi công.

W-z4814208021909-6221384e4e131ea6346997661992e949-1.jpg
Toàn cảnh khu vực xây dựng bến số 3, cảng container Long Sơn

Bà Đổng Thị Nên (63 tuổi), thôn Hòa Phú cho biết, hàng trăm người dân đã ra phản đối việc thi công xây dựng bến số 3 khoảng một tuần nay. Theo bà Nên, khi triển khai thi công chính quyền địa phương không thông báo cho dân biết, khiến người dân mất nơi neo đậu tàu thuyền và ảnh hưởng tới ngư trường khai thác.

“Người dân chúng tôi bao đời nay làm nghề đi bể, nay tự dưng xây dựng bến cảng sẽ mất đi nơi neo đậu tàu thuyền và mất đi vùng ngư trường đánh bắt. Như thế người dân chúng tôi lấy gì mà sống”, bà Nên bức xúc nói.

Cũng như bà Nên lo sợ mất ngư trường, bà Trương Thị Trình (SN 1956), thôn Hà Nam còn cho rằng, cần xây dựng khu tái định cư và chuyển đổi nghề nghiệp cho dân…

Được biết, trên địa bàn xã Hải Hà hiện có 415 phương tiện khai thác hải sản trên 410 hộ dân; trong đó có 1 tàu cá có chiều dài trên 15m; 13 tàu cá chiều dài từ 12m đến dưới 15m; 362 tàu cá có chiều dài từ 6-12m và 39 tàu cá có chiều dài dưới 6m), với khoảng 1.042 lao động.

W-z4814205153165-5f1f2106adc7f569a05cb03eb8cfb98b-1.jpg
Bà Trương Thị Trình bức xúc vì sợ mất ngư trường

Cơ cấu nghề khai thác ở địa phương tùy thuộc vào thời điểm, mùa vụ làm các nghề như: lưới kéo tôm, lưới kéo moi, lưới rê, câu tay, vớt sứa; ngư trường hoạt động thường xuyên ở vùng biển Thanh Hóa đến Nghệ An, một số phương tiện hoạt động ở vùng biển tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Ninh.

Có 33 hộ đang làm nghề khai thác thủy sản thủ công, với tổng số 123 lao động. Trong đó, có 9 hộ làm nghề lưới rùng khai thác không thường xuyên ở ven biển xã Hải Hà, có nguồn thu nhập phụ từ nghề này; 24 hộ làm nghề lưới rê, xăm moi, cào ngao, dắt hoạt động không thường xuyên ở vùng biển ven bờ, chỉ khai thác theo thời điểm, mùa vụ, có thêm nguồn thu nhập.

Sẽ di dân toàn bộ xã

W-z4814209247102-259fa03ca7b5315a623eb4e0627b60a3-1.jpg
Người dân cản trở xe ô tô chở vật liệu thi công

Trao đổi với VietNamNet, ông Mai Sỹ Lân - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn cho biết, Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) là một trong 8 khu kinh tế trọng điểm ven biển của cả nước, được Chính phủ lựa chọn để tập trung đầu tư phát triển, với mục tiêu xây dựng nơi đây thành một khu vực phát triển năng động, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của cả tỉnh. Trong đó, dự án Cảng container Long Sơn do Công ty TNHH Long Sơn đầu tư là dự án thuộc danh mục các dự án đầu tư lớn, trọng điểm của tỉnh.

Các thủ tục pháp lý được triển khai đầy đủ theo quy định của pháp luật. Đây là công trình hạ tầng biển quan trọng không chỉ đối với KKTNS mà còn đối với tỉnh Thanh Hóa và cả khu vực Bắc Trung bộ. Việc triển khai đầu tư xây dựng dự án thời điểm này là rất cần thiết nhằm hình thành, phát triển khu vực cảng container chuyên dụng đầu tiên tại Cảng Nghi Sơn.

W-z4814211967967-63783937821546960acace093158263f-1.jpg
Người dân vẫn tụ tập đông người để phản đối (chiều ngày 24/10)

Theo ông Lân, trước khi triển khai dự án, các ngành chức năng của tỉnh cũng đã đánh giá, khẳng định về ngư trường sau khi hình thành bến số 3 sẽ tạo thành đê chắn sóng, chắn gió cho nhân dân xã Hải Hà. Đồng thời, tạo thành vùng nước với diện tích khoảng trên 10ha phục vụ cho ngư dân neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn. Các ngư dân vẫn có ngư trường khai thác ven bờ rộng lớn.

“Khu vực xây dựng bến số 3 không có phần đất ở của nhân dân, do đó chúng tôi rất mong nhân dân tạo điều kiện để triển khai dự án. Tỉnh cũng đã có dự án di dân toàn bộ xã Hải Hà. Hiện địa phương đang xây dựng khu tái định cư, dự kiến cuối năm 2024 sẽ di chuyển dân”, ông Lân cho biết.