Trung Quốc cung cấp gần 80% đất hiếm sử dụng trong nhiều sản phẩm công nghệ bao gồm cả điện thoại thông minh, động cơ xe hybrid, xe điện và cả tên lửa, máy bay.
Những nguyên liệu như neodymium và dysprosium được sử dụng trong nam châm đều rất quan trọng: neodymium củng cố từ trường nhưng hoạt động suy yếu dưới nhiệt độ cao. Vì các động cơ sẽ tỏa nhiệt cao khi hoạt động nên dysprosium được thêm vào để giúp neodymium chống nóng.
Đất hiếm đang là cuộc tranh chấp mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Gót Achilles của Mỹ
Theo SCMP, Mỹ coi sự phụ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc như một "gót chân Achilles" của mình, và đã bắt đầu những nỗ lực để giảm bớt phụ thuộc.
Nghị sĩ Ted Cruz của bang Texas gần đây đã đề xuất dự luật tăng khai thác đất hiếm tại Mỹ vì lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng các nguyên liệu này làm quân cờ trong các đàm phán.
"Nếu Trung Quốc thực sự muốn giảm xuất khẩu, chúng ta sẽ gặp khó trong vài năm tới", Martijn Rasser, nhà nghiên cứu tại Centre for a New American Security nhận xét.
"Vấn đề đất hiếm rất quan trọng, bởi nó liên quan tới nguy cơ về an ninh quốc gia", Paul Haenle, cựu giám đốc về chiến lược Trung Quốc tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ chia sẻ.
Mỏ đất hiếm Mountain Pass, California từng là mỏ khai thác lớn nhất thế giới. Ảnh: MP Materials. |
Vài tháng qua, Uỷ ban Năng lượng và Thiên nhiên tái tạo của Quốc hội Mỹ đã tổ chức nhiều phiên thảo luận về các vấn đề luật liên quan tới các nguyên liệu hiếm, bao gồm cả việc hợp tác với các quốc gia khác và cân nhắc cho phép khai thác trong các công viên quốc gia của Mỹ hay các hành tinh khác.
"Chúng ta phải tìm một thông điệp kinh tế để đáp lại Trung Quốc. Đất hiếm là một thành phần quan trọng của thông điệp đó", SCMP dẫn lời một nghị sĩ tại phiên thảo luận.
Còn nhiều vấn đề
Lầu Năm Góc, lo ngại sự phụ thuộc nguồn cung đất hiếm của Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng tới sản xuất vũ khí, đã đề xuất kế hoạch 4 bước để tăng chuỗi cung ứng khoáng sản tại Mỹ. Một số nhà phân tích cho rằng việc Tổng thống Donald Trump đề xuất mua lại Greenland năm 2019 liên quan tới trữ lượng đất hiếm tại hòn đảo này.
Đất hiếm thực chất không "hiếm" như cái tên. Tên gọi này dùng chung cho 17 nguyên tố như gadolinium hay praseodymium, với nguồn cung không nhiều bởi rất khó khai thác.
Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng trong rất nhiều sản phẩm công nghệ, bao gồm cả những chiếc iPhone. Ảnh: Lovefone. |
Nhiều nhà phê bình cho rằng chính Mỹ đã mở cửa cho Trung Quốc áp đảo về nguồn cung đất hiếm. Tới những năm 1980, Mỹ vẫn là quốc gia số 1 về đất hiếm với mỏ Mountain Pass tại California. Tuy nhiên, khi mỏ này phá sản vào năm 2015, Mỹ lại mở cửa cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Năm 2017, mỏ này được bán lại cho MP Materials, công ty đầu tư với cổ phần của Shenghe Rare Earth Shareholding Company, một công ty khai khoáng nhà nước của Trung Quốc.
"Đúng ra mọi hồi chuông báo động phải được vang lên ở Washington. Chính quyền của ông Trump đã phạm sai lầm", Thomas Kruemmer, Giám đốc công ty Ginger International Trade & Investment chia sẻ.
Trung Quốc cung cấp khoảng 78% sản lượng đất hiếm cho Mỹ. Quốc gia này cũng đứng đầu thế giới về xử lý đất hiếm. Quy trình xử lý đất hiếm được đánh giá là nguy hiểm và sản phẩm phụ là những chất thải gây ung thư, nhiễm xạ.
"Mọi người cảm thấy thoải mái khi Trung Quốc làm những công việc xử lý gây hại. Tuy nhiên, đến giờ Trung Quốc đã chiếm lĩnh thị trường", ông Martijn Rasser nhận xét.
Nhu cầu đất hiếm toàn cầu sẽ tăng mạnh trong vài năm tới, khi các thiết bị như xe điện tăng trưởng.
Các chuyên gia nhận định Bắc Kinh có vẻ sẽ không sử dụng tới những biện pháp đáp trả “hung hăng” như trước đây để tránh căng thẳng cực độ với Mỹ.
Trung Quốc đã từng ra sắc lệnh hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản năm 2010. Tuy nhiên, để đối phó với tình hình khan hàng và tăng giá đất hiếm, các công ty Nhật Bản ngay lập tức cắt giảm lượng tiêu thụ và thực hiện tái chế.
Theo Zing
Apple sắp ra mắt liên tiếp 2 mẫu iPhone giá rẻ
iPhone SE 2 Plus và iPhone SE 3 sẽ là 2 mẫu iPhone giá rẻ Apple chuẩn bị ra mắt trong thời gian tới.