Áp lực bán vẫn khá mạnh bởi rủi ro khi thị trường ở trên đỉnh cao là hiện hữu. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu vẫn đang ngược dòng ngoạn mục nhờ tham vọng và đẳng cấp của người lãnh đạo như MWG của Nguyễn Đức Tài, ACB nhà Trần Mộng Hùng.

Sau một chuỗi ngày tăng giá, trong vài ngày qua, thị trường chứng khoán đang giằng co trong vùng 765-770 điểm và chưa xác định xu hướng rõ ràng. Sự thận trọng của giới đầu tư trước rủi ro thị trường điều chỉnh trong ngắn hạn đã khiến giao dịch không sôi động.

Áp lực bán khiến số lượng cổ phiếu giảm áp đảo. Phần lớn các cổ phiếu lớn như VNM, VCB, PVD, BID, VPB, HPG… đều đang giằng co và có xu hướng giảm nhẹ. Cổ phiếu VPB của Ngân hàng VPBank của ông Ngô Chí Dũng có 2 phiên giảm liên tiếp và chưa thể vượt qua được mức giá tham chiếu ngày chào sàn là 39.000 đồng/cp.

Trên thực tế, lợi thế đang thuộc về nhà đầu tư giữ vị thế tiền mặt.Tuy nhiên, dòng tiền chưa có dấu hiệu rút ra khỏi thị trường, chỉ chuyển từ nhóm cổ phiếu này sang nhóm cổ phiếu khác và một phần đang chờ cơ hội.

{keywords}
Nhiều cổ phiếu vẫn đang ngược dòng.

Thị trường vẫn chứng kiến nhiều cổ phiếu ngược dòng, trong đó có các cổ phiếu chủ chốt giúp đã giảm giá chậm lại, mức độ giảm giá khá ít.

Nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng vẫn rập rình tăng giá với lực hút dòng tiền khá mạnh. Một số cổ phiếu như CTD, LDG, CEO, PHC… tăng nhẹ. Một số cổ phiếu nóng như HAI, ART tiếp tục bùng nổ và tăng nóng sau vài phiên giảm trong tuần trước.

Bộ đôi cổ phiếu HAG và HNG của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức tăng giá trở lại sau khi Bầu Đức đón tin vui. Hai cổ phiếu này được đưa ra diện cảnh báo từ 22/8 nhờ báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2017 đều báo lãi lớn cả ngàn tỷ đồng sau khi bán bán mảng mía đường cho phía Thành Thành Công. Trước đó, từ giữa tháng 5, cả HAG và HNG đã bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế năm 2016 âm.

Một số cổ phiếu trụ cột như Ngân hàng Á châu (ACB), VietJetAir (VJC), Sabeco (SAB), Petrolimex (PLX), GAS, PVD… tăng trở lại giúp cân bằng thị trường trước sức ép đi xuống trên diện rộng.

Cổ phiếu ACB khởi sắc nhờ vào những kết quả kinh doanh khá tốt và quy mô tăng khá mạnh trở lại dưới thời nhà ông Trần Mộng Hùng trở lại “cai trị”. Đây cũng là khoảng thời gian đúng 5 năm sau khi ông trùm ngân hàng Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) bị bắt làm rúng động thị trường tài chính.

Sau sự cố, gia đình ông Trần Mộng Hùng đã quay trở lại nắm giữ điều hành tại ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu này. Ông Trần Hùng Huy (con trai ông Trần Mộng Hùng) giữ chức vụ chủ tịch HĐQT, trong khi đó ông Hùng và bà Đặng Thu Thủy (mẹ ông Huy) là thành viên HĐQT.

Cho tới thời điểm này, sau nhiều sóng gió, ACB đã ổn định trở lại, cho vay, huy động, lợi nhuận tăng trưởng tích cực. Nợ xấu được xử lý khá tốt. Các chỉ số an toàn đã được đáp ứng.

Thị trường cũng chứng kiến sự tăng điểm mạnh của cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài. Sau nhiều tin đồn, một thông tin chính thức đã được công bố. Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh (TAG) vừa công bố thông tin xin ý kiến cổ đông thông qua việc bán trên 25% cổ phần cho Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động và hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn HNX.

Như vậy, MWG của ông Nguyễn Đức Tài đã hoàn thành 1 mục tiêu thâu tóm và mở rộng chuỗi cửa hàng điện máy, trong kế hoạch đầu tư 2,5 ngàn tỷ đồng để tấn công vào lĩnh vực này cũng như 1 chuỗi dược phẩm. MWG hiện có chuỗi bán lẻ điện thoại di động lớn nhất cả nước. Tham vọng của ông Tài đã giúp MWG liên tục tăng giá trong nhiều năm vừa qua. Giá cổ phiếu này lại vượt ngưỡng 100 ngàn đồng cho dù đã qua nhiều lần chia tách.

Ông lớn Petrolimex (PLX) tăng điểm do được dự báo sẽ được chọn vào rổ ETF. Các cổ phiếu dầu khí khác như GAS, PVD… hấp dẫn khối ngoại và đang có triển vọng hồi phục. Sabeco (SAB) tăng do kỳ vọng thoái vốn.

Về tổng thể, theo nhiều CTCK, thị trường chứng khoán có triển vọng tốt về dài hạn do quy mô và chất lượng tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, áp lực chốt lời chưa hề giảm và sự phân hóa là không tránh khỏi. Thị trường hiện còn chịu áp lực về thông tin Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế VAT.

Các CTCK hiện khuyến nghị các nhà đầu tư chưa vội thực hiện hoạt động giải ngân mới, chờ thị trường xuất hiện tín hiệu hồi phục đáng tin cậy. Danh mục trung dài hạn tiếp tục nắm giữ với nhóm cổ phiếu cơ bản có hoạt động kinh doanh ổn định.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/8, VN-index giảm 0,188 điểm lên 768,79 điểm; HNX-Index tăng 0,34 điểm xuống 101,13 điểm. Upcom-Index giảm 0,25 điểm giảm 54,26 điểm. Thanh khoản đạt 230 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt 3,9 ngàn tỷ đồng, thấp hơn so với mức trung bình gần 4,8 ngàn tỷ đồng trước đó.

H. Tú