Lời tòa soạn: 

Việt Nam đã trải qua nhiều lần sắp xếp đơn vị hành chính, chia tách và sáp nhập tỉnh, thành nhằm đáp ứng quá trình phát triển và quản lý điều hành trong từng giai đoạn lịch sử.  

Lần này, theo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các địa phương sẽ thực hiện cuộc sắp xếp đơn vị hành chính với quy mô toàn diện, sâu rộng ở cả cấp tỉnh, huyện, xã. Trong đó, sẽ sáp nhập một số tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp lại cấp xã để xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (tỉnh và cơ sở). 

Nhìn lại quá khứ sẽ có nhiều bài học kinh nghiệm cần thiết cho quá trình sắp xếp đơn vị hành chính trong thời gian tới.

VietNamNet thực hiện loạt bài "Sáp nhập tỉnh, nhìn lại quá khứ, vươn tới tương lai” nhằm chia sẻ một số góc nhìn cũng như kinh nghiệm hay, cách làm quý của những người đã có trải nghiệm qua những lần thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trước đây.

 

Sáng tháng 3, phố biển Nha Trang đón cơn mưa trái mùa dịu mát. Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Phạm Văn Chi nhấp ngụm trà nóng, tràn đầy nhiệt huyết khi nói về chủ trương sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp lại cấp xã. Ông tin đây là bước đi quan trọng, mở ra cơ hội bứt phá, hướng đến giai đoạn phát triển mạnh mẽ hơn của đất nước nói chung và Khánh Hoà nói riêng - mảnh đất ông gắn bó và thương yêu như máu thịt. 

Theo nguyên Chủ tịch tỉnh Khánh Hoà, sáp nhập tỉnh, thành không phải là chủ trương mới. Sau khi đất nước thống nhất, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, cuối tháng 9/1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 245 về việc bỏ cấp khu và hợp nhất một số tỉnh miền Nam. Theo đó, tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa hợp thành tỉnh Phú Khánh. Đến năm 1989, Quốc hội quyết định chia tách, tạo lại hai tỉnh như hiện nay.

Ông Chi nhắc lại, thời điểm cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990, Internet vẫn là điều chưa ai nghĩ đến. Nhà cửa của người dân còn lụp xụp, chưa định hình cao ốc, siêu thị. Hạ tầng giao thông, đường sá còn đơn sơ, phương tiện hạn chế. 

Thời điểm tách tỉnh Phú Khánh, cán bộ được luân chuyển công tác theo đặc thù công việc. "Có người ở lại Khánh Hòa, có trường hợp ra Phú Yên. Dù hai tỉnh có điều kiện tự nhiên khá tương đồng, nhưng sau khi tách, mỗi địa phương phát triển theo hướng riêng và sự liên kết chưa chặt chẽ", ông Chi nói.

Từng giữ cương vị Chủ tịch UBND tỉnh, Phó bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, ông Chi chia sẻ, có những lúc thấy áp lực khủng khiếp, nhất là vào năm 2004. “Với người đứng đầu chính quyền, không có quyết định nào là nhỏ, nhất là những quyết định tác động đến xã hội, người dân. Điều tôi trăn trở là muốn phát triển kinh tế phải liên thông, liên kết vùng mới tạo được sự giao thoa vùng miền, đặc biệt là hệ thống giao thông”, ông nói.

Vào thời điểm đó, Khánh Hòa chưa có sân bay dân sự. “Mỗi lần đi công tác Hà Nội, TPHCM, cán bộ di chuyển rất vất vả, tốn nhiều thời gian. Trong khi đó, sân bay Cam Ranh đã có nhà ga cũ do Bộ Quốc phòng quản lý. Tại sao chúng ta không tận dụng để khai thác dân dụng?”, ông Chi đặt câu hỏi.

Sau nhiều lần bàn bạc, đề xuất cải tạo sân bay được thông qua. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là cần có tuyến đường kết nối từ TP Nha Trang đến sân bay, thay vì phải di chuyển vòng qua quốc lộ 1. 

“Chúng tôi quyết định chọn tuyến đường ven biển, xuyên qua đèo, núi Cù Hin. Đây là một thách thức lớn, bởi tất cả đều mới mẻ”, ông Chi nhớ lại.

Sau những lần lấy ý kiến cộng đồng, chuyên gia, tuyến đường dài chừng 35km mang tên Nguyễn Tất Thành được hoàn thiện, đưa vào hoạt động dịp 30/4/2004. 

Ngày 19/5/2004, máy bay A320 chở 138 hành khách từ Hà Nội đến sân bay Cam Ranh, mở ra triển vọng phát triển kinh tế - xã hội cho Khánh Hòa nói riêng, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nói chung. 

Khánh Hòa bằng thực tiễn của mình cũng đề xuất làm đường kết nối Nha Trang - Đà Lạt. Hai địa phương chưa có tuyến đường đi lại mà phải qua Ninh Thuận. Việc trao đổi hàng hóa, du lịch cũng như các mặt khác bị hạn chế.

Sau khi cân nhắc nhiều mặt, lên phương án, đường Nha Trang - Đà Lạt trên quốc lộ 27C, xuyên qua đèo Khánh Lê, dài hơn 30km được khởi công năm 2004. Sau 3 năm thi công, tuyến đường được đưa vào khai thác. 

Trong nhiệm kỳ của mình, ông Chi đã để lại dấu ấn với việc cải thiện hạ tầng giao thông tại Khánh Hòa. Là người từng kinh qua các chức vụ quan trọng tại tỉnh, ông đánh giá, hiện nay, hạ tầng giao thông, kỹ thuật, công nghệ thông tin đã phát triển vượt bậc. Hệ thống cao tốc Bắc - Nam dần hoàn thiện, đường sá, sân bay, cảng biển, đường sắt... được đầu tư bài bản. Việc tổ chức, quản lý nhà nước cũng thuận tiện hơn nhiều so với hàng chục năm trước.

"Đây là thời cơ, thời điểm vàng để thực hiện chủ trương sáp nhập tỉnh, một cuộc cách mạng mạnh mẽ", ông Chi nhấn mạnh.

Ông phân tích, việc sáp nhập sẽ giảm bớt đầu mối hành chính, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng vùng để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra động lực phát triển mới.

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, ông Chi chia sẻ: “Việc sáp nhập các tỉnh, thành cần được xem xét kỹ lưỡng, đặc biệt là tiềm năng nội tại của mỗi địa phương và khả năng liên kết vùng. Các đô thị ven biển hay vùng núi đều cần được khai thác tối đa lợi thế để phát triển, đồng thời chú trọng đầu tư hệ thống giao thông, hạ tầng xã hội”.

Ông đưa ra giả thiết, nếu Khánh Hòa sáp nhập Phú Yên sẽ còn mở ra cơ hội phát triển toàn diện cho khu vực.

"Hai địa phương từng có lịch sử sáp nhập rồi tách ra nên có nhiều điểm tương đồng để cùng phát triển", ông nhận định.

Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận, nếu sáp nhập Khánh Hòa và Ninh Thuận sẽ mang đến những đặc thù riêng. Khánh Hòa có lợi thế về hạ tầng giao thông, kinh tế biển, trong khi Ninh Thuận lại là trung tâm năng lượng tái tạo.

Cụ thể, Khánh Hòa tăng trưởng tốt, có hệ thống sân bay quốc tế và sở hữu thế mạnh khi có các vịnh Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh với cảng biển nước sâu. Địa phương được định hướng trở thành khu đô thị du lịch - logistics và trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế biển.

Ninh Thuận nằm ở phía Nam của Khánh Hòa, có chung lợi thế đường ven biển kéo dài, được xây dựng đầu tư bài bản. Đây cũng là tỉnh được xem là “thủ phủ” của năng lượng tái tạo, đặc biệt vừa qua, 2 nhà máy điện hạt nhân được tái khởi động. 

Về văn hóa, 2 địa phương có nhiều công trình, kiến trúc tháp Chăm cổ, có người Chăm sinh sống trải đều. Nếu 2 tỉnh nhập lại sẽ thuận lợi, là khu vực có tiềm năng phát triển trên nguyên tắc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị cảnh quan đặc trưng, hệ sinh thái biển, rừng tại địa phương. 

Bên cạnh đó, văn hóa địa phương, vùng miền đã hình thành từ xa xưa, là vốn quý của dân tộc. Mỗi địa phương đều có yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa, nên việc sắp xếp phải được lấy ý kiến rộng rãi, nghiên cứu kỹ và giải trình khoa học.

Đồng thời, ông Chi gợi mở các địa phương có lợi thế “rừng vàng, biển bạc”, với đường bờ biển dài, cần tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có để mở rộng không gian hướng ra biển, giúp tối ưu các nguồn lực hiện có để thúc đẩy phát triển.

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh cũng góp ý, quá trình sáp nhập cần lưu tâm một cách thấu đáo đến việc đặt trung tâm hành chính tại khu vực có sức sống kinh tế mạnh mẽ, nơi có thể tạo ra nguồn động lực phát triển toàn tỉnh và khu vực. 

Dù quá trình thực hiện sẽ còn nhiều khó khăn, ông Chi cho rằng những thành tựu về quản lý đất nước, sự trưởng thành của xã hội là những kết quả lớn của chủ trương này.

"Mọi nguồn lực cần hướng đến mục tiêu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Với nhận thức này, đường lối phát triển sẽ rõ ràng hơn. Khó khăn là không tránh khỏi, nhưng chúng ta không thể vì sợ mà bỏ qua thời cơ lớn", ông Chi chia sẻ.

Khánh Hòa là một trong 52 tỉnh, thành phố được đề xuất sáp nhập

Khánh Hòa là một trong 52 tỉnh, thành phố được đề xuất sáp nhập để giảm số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh xuống còn 34. Đề xuất này nằm trong chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Theo thông tin từ Bộ Nội Vụ, trong quá trình sáp nhập các tỉnh thành, ưu tiên sắp xếp các đơn vị hành chính miền núi, đồng bằng với các đơn vị hành chính có biển để kết hợp hài hòa, hợp lý các tỉnh, thành có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế.

Về vị trí địa lý, Khánh Hòa nằm ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, phía bắc giáp tỉnh Phú Yên, phía tây giáp Đắk Lắk và Lâm Đồng, phía nam giáp Ninh Thuận, phía đông giáp biển Đông.

Trong lịch sử, Khánh Hòa và Phú Yên từng sáp nhập thành tỉnh Phú Khánh vào tháng 10/1975. Đến năm 1989, Quốc hội quyết định tách tỉnh, tái lập hai tỉnh như hiện nay.

Khánh Hòa có diện tích tự nhiên 5.137km², bao gồm 9 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 2 thành phố trực thuộc tỉnh, 1 thị xã và 6 huyện. Dân số toàn tỉnh là trên 1,2 triệu người.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 ước đạt hơn 64.875 tỷ đồng, tăng 10,16% so năm 2023. Với kết quả này, Khánh Hòa là tỉnh có tốc độ tăng GRDP xếp vị thứ 7/63 tỉnh, thành của cả nước.