Khi được nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Văn Bổng (nguyên chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nói: "Tôi xin đề nghị miễn hoặc giảm nhẹ hình phạt cho tôi để tôi tiếp tục cống hiến cho quê hương".

>> Làm thất thoát hơn 10 tỷ, nguyên chủ tịch huyện nói ‘vì dân’

Chiều 30-11, sau hai ngày xét xử sơ thẩm vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (thất thoát hơn 10,4 tỉ đồng khi thực hiện giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án Formosa Hà Tĩnh), đại diện VKSND tỉnh Hà Tĩnh giữ quyền công tố đã đọc bản luận tội, đề nghị mức án cho các bị cáo.

XEM CLIP: 

Đề nghị xử phạt nghiêm khắc

Theo đó, đại diện VKSND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị HĐXX sơ thẩm phạt bị cáo Nguyễn Văn Bổng (nguyên chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh kiêm chủ tịch Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) 12-13 năm tù. Phạm Huy Tường (nguyên trưởng Phòng TN&MT huyện Kỳ Anh kiêm phó chủ tịch Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh) 11-12 năm tù.

{keywords}

Bị cáo Nguyễn Văn Bổng (nguyên chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh) tại phiên tòa chiều nay

Lê Xuân Nghinh (nguyên bí thư Đảng ủy xã Kỳ Long) 10-11 năm tù. Lê Quang Hà (nguyên phó chủ tịch UBND xã Kỳ Long) 10-11 năm tù, Lê Anh Đức (nguyên cán bộ Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng thị xã Kỳ Anh) 8-9 năm tù. Lê Công Diếu (nguyên chủ tịch UBND xã Kỳ Phương) 3-4 năm tù. Hồ Xuân Cường (nguyên cán bộ Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh) 30-36 tháng tù. Các bị cáo phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.

Khi được nói lời sau cùng, bị cáo Bổng đứng trước vành móng ngựa nói lan man khiến chủ tọa phiên tòa nhắc nhở "bị cáo trình bày đề đạt, nguyện vọng thôi.

Bị cáo Bổng nói: "Nếu mà như vậy, tôi xin đề đạt nguyện vọng xem xét lại cho tôi, nghiên cứu kỹ cho tôi nguyên nhân dẫn đến tôi bị phạm tội. Ý thứ hai, xem xét lại cho tôi bản chất phạm tội của tôi vì tiền của Nhà nước, bây giờ tôi suy nghĩ hiểu và rằng tiền của Nhà nước mình không bỏ túi mà đã đưa cho dân, có lợi cho dâ,n cho địa phương và dự án. Cái thứ ba là các thành tích 40 năm học tập, cống hiến. Thứ tư, đề nghị xem xét lại báo cáo sự việc của UBND thị xã Kỳ Anh vào tháng 7-2015 và cuối cùng xem xét lại lời luật sư bào chữa cho tôi".

{keywords}

Bị cáo Bổng và các bị cáo ngồi hàng ghế đầu và hàng ghế thứ hai tại phiên tòa.

Bị cáo Bổng nói tiếp: "Qua luận tội của VKS, tôi tự xét thấy là mình có tội nhưng tội chưa đến mức phải bị truy cứu ở Điều 165 BLHS vì tôi là người đứng đầu và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Hiện nay, tôi còn một năm rưỡi nữa là đến 60 tuổi và có 40 năm học tập, công tác rồi. Hiện tại tôi là một công chức ở UBND thị xã Kỳ Anh và tôi đã thi và đạt chuyên viên cao cấp từ năm 2011...". Chủ tọa phiên tòa nhắc nhở bị cáo Bổng đi thẳng vấn đề. Bị cáo Bổng tiếp lời: "Hiện nay tôi xin đề nghị miễn hoặc giảm nhẹ hình phạt cho tôi để tôi ở ngoài xã hội tiếp tục cống hiến cho quê hương".

Đồng loạt bị cáo xin miễn hình phạt tù giam

Các bị cáo còn lại khi được nói lời sau cùng đều thể hiện ăn năn, hối cải và xin được giảm án và xin miễn hình phạt tù giam.

Như đã đưa tin, theo cáo trạng truy tố từ năm 2008 đến 2009, trong quá trình thực hiện chủ trương bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương (Tập đoàn Formosa làm chủ đầu tư), Bổng và cấp dưới biết rõ một số diện tích đất công do UBND hai xã Kỳ Long và Kỳ Phương quản lý không thuộc diện được Nhà nước bồi thường.

{keywords}

Bị cáo Phạm Huy Tường đứng trước vành móng ngựa.

Tuy nhiên, Bổng và các bị can nêu trên đã cố ý làm trái các quy định của Nhà Nước, của Chính phủ, của UBND tỉnh Hà Tĩnh để hợp thức hóa 72,78 ha đất công do UBND hai xã Kỳ Long (hơn 61 ha) và Kỳ Phương (hơn 11 ha) quản lý không thuộc diện đất được bồi thường thành “đất tranh chấp” và quy chủ cho các hộ dân đứng tên trong hồ sơ bồi thường để hưởng 100% tiền bồi thường đất nông nghiệp trái quy định của Nhà nước. Hành vi của Bổng và các bị can nêu trên đã gây thất thoát hơn 10,4 tỉ đồng (trong đó tại xã Kỳ Long hơn 9,6 tỉ đồng, tại xã Kỳ Phương hơn 840 triệu đồng).

UBND xã Kỳ Phương đã nộp tại Kho bạc Nhà nước huyện Kỳ Anh số tiền hơn 270 triệu đồng để khắc phục hậu quả. Sau khi vụ án xảy ra, đại diện nguyên đơn dân sự là Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng đã có văn bản yêu cầu các bị can liên đới chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra.

Theo PLO