Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao CNTT Việt Nam ASOCIO 2014 (Vietnam ASOCIO ICT Summit 2014) diễn ra hồi cuối tháng 10/2014, theo đề xuất của đoàn đại biểu Bangladesh do Chủ tịch Hiệp hội Máy tính Bangladesh Abdullah H. Kafi làm trưởng đoàn, Biên bản ghi nhớ hợp tác cùng thúc đẩy và phát triển ngành CNTT của Việt Nam và Bangladesh đã được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Hiệp hội Máy tính Bangladesh (BCS) chính thức ký kết ngày 30/10/2014.
Theo Biên bản ghi nhớ hợp tác này, cùng với việc chia sẻ kiến thức, dữ liệu và hỗ trợ nhau trong nghiên cứu thị trường CNTT, VINASA và BCS cũng dự định sẽ triển khai các hoạt động kết nối hợp tác giữa các công ty CNTT của Việt Nam và Bangladesh; đồng thời tiến hành trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ thông qua việc tổ chức các chuyến thăm hỏi, làm việc thực tế cho các đoàn đại biểu doanh nghiệp của hai quốc gia; quảng bá và tạo điều kiện cho các hoạt động trao đổi thương mại cho ngành CNTT qua các sự kiện, hội nghị, hội thảo, triển lãm.
Vào trung tuần tháng 1/2015 vừa qua, ông Abdullah H. Kafi, Chủ tịch Hiệp hội máy tính Bangladesh Hiệp hội Máy tính Banglasesh (BCS), nguyên Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) đã có bài viết đăng trên tờ “The Daily Kaler Kontho”, một trong những tờ báo lớn nhất ở Bangladesh. Trong bài viết được xuất bản bằng ngôn ngữ Bangla này, ông Kafi đã giới thiệu, nhắc tới Việt Nam như là một ví dụ điển hình về việc ứng dụng thành công CNTT, góp phần quan trọng đưa đến sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế xã hội đất nước.
Bài viết này đã được đại diện BCS chia sẻ với VINASA. Được sự đồng ý của của VINASA, ICTnews xin trích đăng bài viết của ông Abdullah H. Kafi:
Hàng năm, Liên minh Viễn thông quốc tế ITU đều công bố Chỉ số phát triển CNTT-VT (IDI) với mục đích xếp hạng các quốc gia trên thế giới dựa trên mức độ tiến bộ trong lĩnh vực CNTT-VT. IDI năm 2013 xếp hạng 161 nước, trong đó Việt Nam đứng thứ 81. So với các nước Đông Nam Á khác, Việt Nam xếp thứ 4; và xếp hạng 12/27 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi đó, Bangladesh xếp thứ 145 trong bảng xếp hạng IDI do ITU công bố.
Một điểm thú vị là năm 1975 khi Việt Nam giành độc lập, đây vẫn là nước kém phát triển nhất trên thế giới với thu nhập bình quân là 40 USD, bằng một nửa so với Bangladesh. Như vậy, mọi thứ đã thay đổi mạnh mẽ chỉ trong 35 năm. CNTT đóng góp vai trò không nhỏ trong sự thay da đổi thịt của Việt Nam. 10% GDP Việt Nam đến từ CNTT. Quy mô thị trường trong nước có giá trị 40 tỷ USD với hơn 1 triệu lao động. Năm 2014, Việt Nam thu về 3 tỷ USD từ xuất khẩu CNTT. Ngành công nghiệp di động chứng kiến doanh thu 13 tỷ USD trong năm 2013. Việt Nam còn là một trong các nhà cung cấp nội dung số và phần mềm hàng đầu thế giới. Theo số liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế, năm 2013 xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam đạt 38,4 tỷ USD.
Nhờ vào chính sách và sáng kiến của chính phủ, Việt Nam đã gặt hái được thành tựu đáng khen ngợi. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau khi nhậm chức năm 2006 đã quyết định đưa Việt Nam thành nền kinh tế CNTT năm 2020. Với mục tiêu này, ông thành lập các chính sách và tiến hành vô số dự án, đầu tư cần thiết. Kết quả đạt được khá rõ ràng: chỉ trong một thập kỷ, Việt Nam đã trở thành một trong các nước CNTT hàng đầu khu vực châu Á.
Từ năm 2010 đến 2012, Bộ TT&TT đã đầu tư 8,5 tỷ USD vào các mảng sản xuất phần mềm, đào tạo CNTT, phát triển nguồn nhân lực và quảng bá. Nhờ đó, tăng trưởng CNTT của Việt Nam đạt 25-30%/năm. Các biện pháp thúc đẩy CNTT của chính phủ bao gồm ban hành nghị định quy định hỗ trợ ngành công nghiệp phần mềm năm 2007, xây dựng các chính sách phát triển CNTT-VT giai đoạn từ năm 2007 đến 2010, cấp giấy phép sử dụng chữ ký số năm 2009, hoàn thiện Kế hoạch phát triển tổng thể cho CNTT-VT năm 2010, hình thành tầm nhìn năm 2012 để CNTT là một phần quan trọng trong cơ sở hạ tầng quốc gia, thành lập “Ủy ban Quốc gia về Ứng dụng CNTT” (do Thủ tướng đứng đầu) năm 2014. Bên cạnh đó, kể từ năm 2007, chính phủ cũng tập trung vào việc Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giúp Việt Nam thoát khỏi danh sách các nước vi phạm bản quyền phần mềm cao nhất thế giới.
Nhờ các biện pháp kể trên, ngành CNTT-VT Việt Nam đã đạt tăng trưởng thần tốc chỉ trong 6-7 năm. Doanh thu từ phần mềm tăng 10 lần, từ 250 triệu USD lên 2,68 tỷ USD trong khi doanh thu từ phần cứng tăng 24 lần, từ 1,6 tỷ USD lên 37 tỷ USD. Một hãng tư vấn nổi tiếng, A T Kearney, đã đưa Việt Nam vào danh sách điểm đến hấp dẫn nhất cho gia công phần mềm. Năm 2005, Việt Nam xếp hạng 26 và đến năm 2011 vươn lên hạng 8. Có thể thấy rõ, CNTT-VT đang là lĩnh vực phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Mỗi năm, có tới 50.000 nhân lực mới gia nhập ngành này.
Chính phủ Việt Nam cũng đã tập trung phát triển cơ sở hạ tầng CNTT-VT. Thủ đô Hà Nội hiện có 2 sân bay, trong đó sân bay Nội Bài đạt chuẩn quốc tế, với đội ngũ nhân viên thân thiện, hiếu khách và tác phong làm việc chuyên nghiệp. Chỉ trong vòng một năm, 12 khách sạn quốc tế 5 sao và nhiều trung tâm hội nghị đẳng cấp quốc tế được xây dựng. Tất cả đã biến Hà Nội thành một điểm đến lý tưởng đối với người nước ngoài.
Nhờ sự phát triển đó, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam. Nhiều công ty Nhật Bản đã rót tiền vào nước này. Với họ, Việt Nam là phương án thay thế phù hợp cho Trung Quốc. Canon, một thương hiệu điện tử nổi tiếng, mở nhà máy sản xuất đầu tiên tại Việt Nam 15 năm trước. Cho đến nay, Canon đã có 4 nhà máy, trong đó nhà máy tại Khu công nghiệp Thăng Long tuyển dụng 23.000 nhân viên, với 90% là phụ nữ. Nhà máy này đang sản xuất khoảng 7,3 triệu máy in mỗi năm.
Tại Diễn đàn cấp cao CNTT Việt Nam ASOCIO 2014, nhiều doanh nghiệp lớn từ Nhật Bản đã đến Hà Nội, bao gồm đại diện của những tên tuổi hàng đầu như Fujitsu. Họ tới để tìm hiểu thêm về cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và các quan chức cấp cao đã rất nỗ lực để thu hút đầu tư hơn nữa từ nước ngoài. Ngài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp gặp gỡ các nhà đầu tư, trong khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đến tham dự lễ khai mạc Diễn đàn. Trong suốt quá trình làm việc, các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn nhấn mạnh về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam và luôn sẵn sàng làm tất cả trong khả năng của mình để thúc đẩy các khoản đầu tư này.
Dù chúng ta (Bangladesh) nói rất nhiều về CNTT, một thực tế khắc nghiệt là ngành CNTT của chúng ta thậm chí không thể so sánh được với Sri Lanka hay Ấn Độ, hai nước có nhiều điểm tương đồng với chúng ta.
Cả Việt Nam và Bangladesh đều chịu tổn thất nặng nề từ chiến tranh và gặp khó khăn trong những năm 70. Nông nghiệp là nguồn thu nhập chính của hai nước. Sau nông nghiệp, hàng may mặc là nguồn thu ngoại tệ cho Bangladesh và Việt Nam. Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam lại làm nhiều hơn để phổ biến CNTT trên cả nước, từ đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài. Chúng ta phải học hỏi nhiều từ thành công của họ.
Các nhà hoạch định chính sách của chúng ta hứa hẹn nhiều nhưng chỉ làm rất ít. Thói quen này nên thay đổi. Đúng là chúng ta có nhiều vấn đề và không thể giải quyết cùng lúc. Sẽ tốt hơn nếu không có bạo loạn chính trị hay đình công tại nước ta. Để thu hút đầu tư nước ngoài trong ngành may mặc và CNTT, trước tiên chúng ta phải đảm bảo sự an toàn và an ninh dành cho người nước ngoài tới Bangladesh.
Thứ hai, chúng ta phải cải thiện cơ sở hạ tầng. Chúng ta cần xây dựng những sân bay đẳng cấp thế giới, tuyển dụng lao động kỹ thuật cao và xây các tuyến đường bộ cùng đường cao tốc tốt hơn. Cần có nhiều khách sạn cung cấp chỗ ở cho người nước ngoài với giá cả phải chăng. Hiện khách nước ngoài có thể ở khách sạn 5 sao tại Việt Nam với giá chỉ 100 USD, còn tại Bangladesh họ phải mất tới 200 USD. Trong nhiều năm, chúng ta đã nghe nhiều về những Công viên CNTT song chưa có công trình nào hoạt động. Ngược lại, Việt Nam có các khu Công viên CNTT, vườn ươm CNTT và làng CNTT được trang bị tốt. Ngay cả tại Myanmar cũng có đến 6 Công viên CNTT.
Thứ ba, chúng ta cần phải trang bị nguồn nhân lực có tay nghề cao để thu hút đầu tư nước ngoài. Chúng ta không có lí do gì để bối rối khi nhìn vào câu chuyện của Việt Nam. Bangladesh có tiềm năng lớn, người dân nước ta làm việc chăm chỉ, chúng ta tự cung ứng thực phẩm, ngành may mặc kiếm được 20 - 22 tỷ USD. Nếu kết hợp được những nỗ lực này, ngành CNTT của nước ta sẽ có thể thành công hơn cả Việt Nam trong tương lai.