Anh Phùng Sành Khuân người dân tộc Dao sống tại xã Văn Thanh, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng đã chuyển diện tích trồng dong riềng sang trồng cây đương quy và cát cánh. Quá trình trồng và chăm sóc anh được cán bộ của hợp tác xã Nguyên Bình hỗ trợ. Sau khi thu hái củ dược liệu, người dân mang tới HTX thu mua, vận chuyển về nhá máy. Với mức giá từ 25-30 nghìn đồng/kg, thu nhập từ cây dược liệu cao gấp 2-3 lần cây dong riềng, ngô, sắn.
Tại xã của anh Khuân, nhiều hộ dân đã tập trung phát triển cây dược liệu. Đây được xem là hướng đi mới trong công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Theo ông Mã Văn Vịnh – Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nguyên Bình, trên địa bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, Tày… giao thông đi lại khó khăn nên việc phát triển kinh tế, xã hội chậm hơn các địa phương khác. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, hệ thống hạ tầng nông thôn còn thiếu, điều kiện sinh hoạt, sản xuất, học tập của nhân dân chưa đảm bảo, các nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới còn hạn chế.
Tìm hiểu, mời gọi, liên doanh, liên kết trồng, sản xuất
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt Chương trình MTQG 1719), tỉnh Cao Bằng chọn huyện Nguyên Bình là vùng phát triển trồng cây dược liệu.
Trong giai đoạn năm 2022-2023, Viện dược liệu (Bộ Y tế) đã hỗ trợ nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và xây dựng phương án phát triển vùng trồng dược liệu quý tại đây. Theo đó, vùng trồng dược liệu quý tại 6 xã với tổng diện tích là 1.347,7 ha; trong đó: Xã Vũ Minh 481,3 ha; xã Minh Tâm 514,7 ha; xã Tam Kim 243,15 ha; xã Hoa Thám 20,81 ha; xã Thịnh Vượng 37,74 ha; xã Thành Công: 50 ha.
Dự kiến, địa điểm triển khai nhà xưởng sơ chế, chế biến dược liệu đặt tại 2 điểm xã Vũ Minh và xã Thịnh Vượng, với tổng diện tích là 79 ha.
Theo ông Mã Văn Vịnh, triển khai thực hiện nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý trên địa bàn huyện Nguyên Bình thuộc nhiệm vụ giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Tiểu dự án 2 của Dự án 3 Chương trình MTQG 1719 - Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Huyện đã có chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình thực hiện trồng dược liệu dưới tán rừng theo Nghị quyết số 48/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh; nguồn vốn sự nghiệp các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Năm 2024, Nguyên Bình phấn đấu phát triển thực hiện trồng quế 170 ha. Địa phương tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan triển khai, tổ chức hướng dẫn quy trình, kỹ thuật chăm sóc cây quế và dược liệu dưới tán rừng theo quy định. Đồng thời, UBND huyện tiếp tục tìm hiểu, mời gọi, liên doanh, liên kết trồng, sản xuất với các công ty, doanh nghiệp, HTX... để xây dựng các kế hoạch liên kết trồng cây dược liệu.
Với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh và huyện, thông qua các chương trình, dự án, nhiều loại cây dược liệu đã được trồng và ngày càng được nhân rộng. Đến hết năm 2023, toàn huyện đã trồng được 318,95 ha cây quế, đạt 151,8% kế hoạch so với kế hoạch giao (220 ha); nâng tổng diện tích cây quế trên địa bàn huyện hiện có lên 1.915,55 ha. Cây hồi trồng 62,2 ha, cát sâm được trồng thử nghiệm 5 ha, cây âu tàu 5,6 ha, cây gừng hơn 9 ha, cây đương quy 0,62 ha, cây cát cánh 2,05 ha.
Theo thống kê của UBND huyện, tổng số hộ nghèo toàn huyện là 4.120/9.275 hộ, chiếm trên 44%. Năm 2023 có 576 hộ thoát nghèo, đạt 6,58%; còn 1.892 hộ cận nghèo, chiếm trên 20%.