Cụ thể, theo mạng tin CNA, trong bản báo cáo được công bố vào cuối ngày 26/1, WHO đánh giá rằng những rủi ro từ bệnh viêm phổi do chủng virus corona mới là “rất cao ở Trung Quốc, cao ở cấp độ khu vực và cao ở cấp độ toàn cầu”.

Trong ghi chú cuối thông báo, Tổ chức Y tế Thế giới giải thích đã đánh giá “sai” trong báo cáo được đưa ra trước đó vào các ngày 23, 24 và 25/1 khi cho rằng nguy cơ toàn cầu của virus corona chỉ ở mức “vừa phải”.

{keywords}
Nguy cơ toàn cầu từ dịch virus Vũ Hán “ở mức cao”. Ảnh: CNA

Phát ngôn viên WHO Fadela Chaib cho biết, đây chỉ là “sai sót về từ ngữ”. Khi được hỏi về việc phân loại nguy cơ, WHO cho hay đây là bản "đánh giá nguy cơ toàn cầu, tính đến mức độ nghiêm trọng, sự lây lan và khả năng ứng phó”.

WHO hôm 23/1 nhận định rằng, dịch viêm phổi Vũ Hán là "tình trạng khẩn cấp ở Trung Quốc" nhưng không phải là "tình trạng khẩn cấp toàn cầu", thuật ngữ chỉ được sử dụng cho các dịch bệnh nghiêm trọng đòi hỏi nhiều hành động phối hợp quốc tế.

Trong một diễn biến khác có liên quan, nhà chức trách Trung Quốc hôm nay (28/1) xác nhận đã có tới 106 người thiệt mạng bởi loại virus mới đang lan rộng ở quốc gia này, tăng mạnh từ con số 81 người đưa ra trước đó.

Trong một tuyên bố, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho hay, tổng số người nhiễm bệnh ở Trung Quốc đã lên đến 4.515 trường hợp. Con số đưa ra một ngày trước là 2.835 ca. Ngoài ra, có thêm gần 7.000 ca nghi mắc viêm phổi Vũ Hán đang chờ xác nhận.

Hôm 27/1, Trung Quốc đã kéo dài kỳ nghỉ Tết âm lịch để kiểm soát dịch bệnh. Kỳ học sau lễ ở tất cả các trường cũng sẽ được hoãn lại. Bộ Giáo dục Trung Quốc khuyến cáo học sinh, sinh viên không ra ngoài, tụ tập đông người, tham gia các hoạt động tập thể...

Trên thế giới, một loạt nước gồm Đức, Sri Lanka, và Canada đã lên tiếng xác nhận về các trường hợp đầu tiên bị bệnh viêm phổi Vũ Hán. Tính đến nay, những bệnh nhân mắc phải chứng bệnh mới đã được phát hiện ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Dương Lâm