Những món khoái khẩu vừa hít hà, phà khói đầy mũi miệng như bánh, snack, kem tỏa khói nghi ngút… khiến giới trẻ Sài thành thích thú khi thưởng thức. Tuy nhiên, đằng sau những món độc, lạ này tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe.

Mọc lên khắp nơi

Gần đây, giới trẻ truyền tai nhau quán “kem mây, snack khói” trên đường Khánh Hội, Q.4. “Quán” chỉ là một chiếc xe đẩy với vài bộ bàn ghế nhựa di động, đặt trên vỉa hè nhưng hút khách nhờ có các món kem, snack lạnh đến… tỏa khói. Người bán hàng giới thiệu đây là món kem ni-tơ rất đặc biệt khi chúng tôi ghé ăn. Kêu một cốc “kem mây, snack khói”, người bán hàng cho kem tươi vào một cái tô lớn rồi xịt một chất vào mà họ gọi là ni-tơ lỏng, sau đó đảo nhanh tay để kem tươi đông cứng cấp kỳ. Chưa đầy 30 giây, một ly kem ni-tơ ra lò. Khách muốn có mùi hương, người bán hàng chỉ cần cho thêm hương dâu, kiwi vào là xong.

{keywords}

Nhân viên chế biến món ăn có ni-tơ lỏng với khói bốc nghi ngút.

“Muốn thưởng thức cách sành điệu, phải ăn nhanh khi món ăn còn nghi ngút khói. Vừa ăn kem, vừa phà khói đầy mũi, miệng như hút thuốc nên mấy cô cậu trẻ rất hào hứng”, người bán nói. Giá các món ăn này khá mềm, chỉ từ 25.000 đồng – 30.000 đồng/ly.

“Để đảm bảo an toàn sức khỏe, đối với những món ăn tỏa khói bắt mắt như kem khói, snack khói, người dùng nên hạn chế khi sử dụng và chỉ nên ăn khi ni-tơ lỏng được thêm vào sau khi đã bốc hơi hoàn toàn”, TS Phan Thế Đồng

Trào lưu “kem mây, snach khói” nở rộ, có mặt ở nhiều quán kem lớn đến quán vỉa hè. Lân la bắt chuyện với Thành - pha chế kem mây trên đường Nguyễn Kim (Q.5), chúng tôi để ý thấy từng bịch kem tươi đựng trong bọc nhựa, từng bịch snack và các chai hương liệu tạo mùi không có bao bì, nhãn mác. Thành cười nói: “Tất cả đều do mình tự làm nên đảm bảo an toàn”. Hỏi Thành có học qua làm kem ni-tơ ở đâu không, Thành thật thà: “Em coi trên các trang mạng của nước ngoài rồi hỏi thêm bạn bè, sau đó tự mua khí ni-tơ lỏng về thử nghiệm. Thấy mọi người ăn khen ngon, lạ và gợi ý mở quán nên mình thử sức chứ cũng không qua trường lớp gì. Còn về liều lượng kem, ni-tơ lỏng dùng như thế nào thì mình “nhắm nhắm” chứ cũng không có công thức gì”.

Coi chừng ôm họa

Cũng mê khám phá món mới, bạn Thanh Phương (SV trường ĐH Kinh tế TPHCM) ăn nhanh món kem mây để có thể phà khói cho sành điệu, chụp hình tự sướng khoe Facebook. Nhưng qua ngày hôm sau, Phương cho biết cổ họng đau rát, răng 9 đau buốt, lưỡi có cảm giác như nứt từng mảnh, ăn uống không còn cảm giác gì.

{keywords}

Kem mây, snack khói từ ni-tơ lỏng.

Ở các nước Tây Âu, ni-tơ lỏng được sử dụng để pha chế một số loại cocktail cầu kỳ. Người ta có thể dùng dạng khí hóa lỏng này làm chất đông kết nhanh, và một số quán dùng nó để làm lạnh ly cốc hoặc đông lạnh các thành phần, tạo làn khói xám mờ huyền ảo.

Gần đây, ni-tơ lỏng được sử dụng phổ biến tại Việt Nam trong lĩnh vực bảo quản, chế biến thực phẩm. TS Phan Thế Đồng - Trưởng khoa Khoa học cơ bản trường ĐH Hoa Sen cho biết: “Ni-tơ lỏng có nhiệt độ rất thấp nên khi ra khỏi bình chứa nó sẽ bay hơi và tạo khói ngay. Khí này thường được ứng dụng trong việc bảo quản mẫu. Mặc dù ni-tơ không phải là khí độc nhưng có thể gây ra việc bỏng lạnh hoặc hoại tử da khi tiếp xúc nhiều, ở mức độ lớn, bởi vì nó thật sự rất lạnh”.

Theo các chuyên gia hóa học, nhiệt độ của ni-tơ lỏng là khoảng âm 196 độ C và có thể gây bỏng lạnh nếu tiếp xúc trực tiếp. Nguy hiểm hơn khi hít phải khí ni-tơ nồng độ cao vào máu, não bộ sẽ phát một tín hiệu cho haemoglobin (đây là một protein phức tạp chứa phần tử sắt có khả năng thu nhập, lưu trữ và phóng thích oxy trong cơ thể) ngừng vận chuyển oxy làm tim ngừng đập. Ni-tơ lỏng có thể được ứng dụng phổ biến trong việc chế biến thực phẩm nhưng nó không phải chất an toàn nên phải cẩn thận.

“Ni-tơ lỏng khi được thêm vào các món ăn sẽ làm lạnh nhanh trong khi bay hơi và tạo ra một làn khói mây rất bắt mắt, khi tan hết hơi sẽ không còn nguy hại và có thể sử dụng bình thường. Nếu ni-tơ lỏng được thêm vào đồ uống như kem, nó sẽ làm đồ uống lạnh nhanh, nếu người sử dụng luôn trong khi khí ni-tơ vẫn còn chưa tan hết sẽ để lại những nguy hiểm cho cơ thể nếu như tiếp xúc với một lượng lớn và lâu dài”- TS Đồng khuyến cáo. Theo ông chất này có thể gây bỏng lạnh nghiêm trọng nếu sử dụng không đúng cách. Nếu để trẻ em dùng sẽ dễ dẫn đến bệnh viêm hô hấp trên, hư răng, nguy cơ gây rụng răng.

(Theo Tiền Phong)