Những năm gần đây, thế giới phải đương đầu với nguy cơ xuất hiện và lan truyền của các bệnh truyền nhiễm mới nổi hoặc tái bùng phát ở người, vật nuôi và động vật hoang dã. Dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người là mối đe dọa thường trực gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi, kinh tế và xã hội. Các bệnh truyền nhiễm mới nổi đã ghi nhận ở Việt Nam trong thời gian gần đây như hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), cúm gia cầm A/H5N1, A/H1N1… với tỷ lệ gây tử vong trên người cao.
Mặc dù từ tháng 2 tháng 2014 đến nay, Việt Nam không phát hiện thêm ca nhiễm cúm gia cầm A/H5N1 nào trên người, nhưng nguy cơ lây nhiễm bệnh này từ gia cầm sang người vẫn luôn hiện hữu do dịch cúm trên gia cầm vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước và thói quen tiếp xúc gần gũi giữa con người và vật nuôi.
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) từ đầu năm 2021 đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 103 xã của 74 huyện thuộc 31 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 402.314 con gia cầm. Đồng thời, trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8 gia tăng là rất cao.
Trong công tác phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế đã có nhiều chương trình hợp tác. Đặc biệt, hiện Cục Thú y có 5/8 phòng thử nghiệm đã xét nghiệm trên 1 triệu mẫu SARS-CoV-2 (Covid-19) trên người tại hơn 20 tỉnh, thành phố. Năng lực của Cục Thú y có thể hỗ trợ ngành Y tế xét nghiệm virus SARS-CoV-2 khoảng 7.600 mẫu/ngày. 2 bộ tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, hạn chế các dịch bệnh lây từ động vật qua ngươi trong năm 2022.
Hiện nay ngành thú y đang kiện toàn lại hệ thống. Từ thực tiễn thực hiện việc sáp nhập các tổ chức cơ quan thú ý thời gian qua, nhiều địa phương và chuyên gia đều kỳ vọng, trong Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thú y của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ đưa ra được đánh giá khách quan, công tâm và bao quát về những vấn đề đang đặt ra, trong đó có tổ chức hệ thống cơ quan thú y. Đồng thời, có kiến nghị, đề xuất cụ thể các giải pháp nhằm tăng cường năng lực hệ thống cơ quan này.
Trong Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội có nêu yêu cầu Chính phủ cần sớm ban hành Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021 - 2030. Để thực hiện yêu cầu này, chắc chắn Chính phủ sẽ phải đưa ra đánh giá chính xác và khách quan về mô hình tổ chức, hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan thú y. Từ đó, có quyết định rõ ràng về tổ chức hệ thống cơ quan này, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước với lĩnh vực thú ý, bảo đảm chất lượng, hiệu quả thực sự của công tác phòng, chống, kiểm soát các loại dịch bệnh từ động vật, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.
Mạnh Hưng