Ngày 9/5/2014, trang Securitydaily dẫn lại nguồn techz.vn cho biết theo thống kê không chính thức, đã có hàng chục website của các tổ chức, doanh nghiệp Trung Quốc bị tấn công bởi các hacker tự nhận đến từ Việt Nam. Hình thức tấn công chủ yếu là DDoS (tấn công từ chối dịch vụ DDos). Bên cạnh những website có nguồn gốc đến từ Trung Quốc, một số website của các cá nhân, tổ chức với tên miền đến từ Đài Loan (.tw) cũng trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công phá hoại này. Theo các chuyên gia, hành động này không chỉ làm căng thẳng thêm tình hình mà còn rất dễ bị đẩy lên thành một cuộc chiến tranh mạng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Và nếu chiến tranh mạng xảy ra, các doanh nghiệp và người dùng internet Việt Nam mới là những người phải chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Trên thực tế, ngày 11/5/2014, cũng trên Securitydaily, tác giả Hoàng Cường, đang làm việc tại Trung tâm CNTT thuộc Học viện Kỹ thuật quân sự đã có bài viết nêu đích danh 102 website Việt Nam bị hacker Trung Quốc tấn công (trên thực tế số lượng website bị tấn công còn có thể cao hơn nhiều).
Nếu xảy ra chiến tranh mạng, các bên tham chiến đều có nguy cơ thiệt hại. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Tác giả khẳng định hiện tại, số website này đã “chết” (bị kiểm soát bởi các hacker đến từ Trung Quốc) gần hết. Đây chính là hậu quả do một số nhóm hacker Việt Nam hành động một cách thiếu hiểu biết, khiêu khích và thực hiện tấn công các website của Trung Quốc.
Tác giả đề nghị các nhóm hacker này nên tự đứng ra nhận trách nhiệm về mình, nhìn nhận lại và hãy có những hành động thực sự hữu ích hơn. Đồng thời kêu gọi các hacker, những người làm bảo mật hãy chấm dứt hành động tấn công, khiêu khích Trung Quốc vì việc làm này không phải thể hiện lòng yêu nước. Cần giữ “một trái tim thật nóng và cái đầu thật lạnh” để hành động vì đất nước và vì chính cuộc sống của chúng ta.
Với các website Việt Nam đang là nạn nhân của hacker Trung Quốc, tác giả cho biết sẽ sẵn sàng hỗ trợ để có thể khắc phục sự cố một cách nhanh nhất.
Theo quan sát của ICTnews, những website trong “danh sách đen” bị hacker Trung Quốc tấn công đều là của những cá nhân, doanh nghiệp nhỏ nên có thể chưa chú trọng đúng mức tới việc trang bị các giải pháp an toàn bảo mật, và dễ dàng bị hacker Trung Quốc kiểm soát. Tuy nhiên, không ai dám chắc là với những website, cổng thông tin của các cơ quan, tổ chức lớn, quan trọng hơn, thì hacker Trung Quốc sẽ “bó tay”. Bởi vậy, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần thường xuyên rà soát lại hệ thống của mình và đầu tư đúng mức hơn tới hoạt động đảm bảo an toàn an ninh thông tin.
Trong sáng nay, 11/5/2014, ICTnews đã liên hệ với một số chuyên gia bảo mật của Việt Nam để tìm hiểu thêm về vấn đề liệu có nguy cơ xảy ra chiến tranh mạng giữa Việt Nam với Trung Quốc hay không. Các chuyên gia đều không phủ nhận khả năng có xung đột trên môi trường mạng, và khuyến cáo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam cần nâng cao hơn nữa ý thức cũng như tăng cường hoạt động đầu tư cho việc đảm bảo an toàn an ninh thông tin để tránh thiệt hại có thể xảy ra. Bởi vì khi có chiến tranh mạng thì các bên sẽ đều có thiệt hại.
Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng Bkav:
Trên một số diễn đàn có nhiều ý kiến cho rằng hacker Việt Nam không nên hành động để tránh nguy cơ xảy ra chiến tranh mạng. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận một cách khách quan rằng trên thế giới đang có xu hướng khi có xung đột thực địa giữa các quốc gia đối đầu thì thường đi kèm với chiến tranh mạng. Nhiều cơ quan, Chính phủ trên thế giới đã thành lập đội quân mạng để ứng phó trước tình huống này. Với các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, cần phải chuẩn bị để có thể ứng phó kịp thời. Cần lưu ý là chiến đấu ngoài thực địa có thể thấy rõ đối thủ là ai, còn trên mạng ẩn danh hoàn toàn.
TS. Vũ Quốc Thành, Tổng Thư ký Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA):
Một trong những tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của người làm an toàn thông tin là không tấn công bất hợp pháp vào các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác. Trong dự thảo Luật An toàn thông tin mà Bộ TT&TT đã soạn thảo và qua nhiều vòng lấy ý kiến, cũng đã đề cập tới có nội dung không được sử dụng các hình thức, công cụ CNTT để tấn công lẫn nhau một cách bất hợp pháp, không gây xung đột thông tin giữa các nước.
VNISA cũng đang có kế hoạch xây dựng bộ tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của người làm an toàn thông tin, sắp tới sẽ đưa lên diễn đàn của Hiệp hội để lấy ý kiến của giới làm về an toàn thông tin. Dự kiến cuối năm nay, trong ngày ATTT sẽ đưa ra bộ tiêu chuẩn quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm an toàn thông tin.