Vừa qua, Hội Sở hữu Trí Tuệ Việt Nam (VIPA), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI phối hợp với Liên minh Phần mềm BSA tổ chức hội thảo hội thảo "Cơ hội tìm hiểu cách thức sử dụng phần mềm hợp pháp và hiệu quả cho doanh nghiệp”.
Ông Mai Hà, Chủ tịch VIPA chia sẻ, Việt Nam đang quyết tâm hội nhập quốc tế mạnh mẽ và một trong những yêu cầu quan trọng là phải tuân thủ luật quốc tế. Đối với doanh nghiệp càng phải tuân thủ luật, cạnh tranh lành mạnh để hướng tới những lợi ích bền vững. “Tôi cho rằng tại hội thảo này, các chuyên gia của các công ty phần mềm chia sẻ cho các doanh nghiệp về chính sách đối với việc sử dụng phần mềm hợp pháp là một trong những bước đi rất tốt và vững chắc cho doanh nghiệp. Chúng tôi hy vọng qua hội thảo này quý vị có thể trao đổi được kết quả tốt để hiểu hơn chính sách nói chung của các cty phần mềm, hiểu hơn chính sách của Việt Nam nói chung”, ông Mai Hà nhấn mạnh.
Trước tình trạng tấn công an ninh mạng hướng tới các tổ chức, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam ngày càng gia tăng nguy hiểm, ông Gary Gan, Giám đốc Chương trình tuân thủ Khu vực Châu Á -Thái Bình Dương, Liên minh phần mềm BSA cho hay, giữa việc sử dụng phần mềm bất hợp pháp hay phần mềm không bản quyền và các cuộc tấn công mã độc hay tấn công mạng có mối liên hệ chặt chẽ. Vì thế, lời khuyên đầu tiên đối với doanh nghiệp Việt Nam là nên sử dụng phần mềm có bản quyền. Có như vậy, các bạn mới có được những bản vá mới nhất từ các công ty phần mềm, dù bạn đang sử dụng phần mềm của công ty nào như Microsoft, Adobe hay Autodesk… Theo đó, các bạn sẽ có thể nhanh chóng phát hiện hành động tấn công mạng để có biện pháp xử lý hiệu quả.
Việc sử dụng phần mềm có bản quyền không chỉ giúp doanh nghiệp tránh được những rủi ro đối mặt với pháp luật mà còn gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo an toàn thông tin cho mình.
Khi tải về các phần mềm lậu, vi phạm bản quyền từ các mạng hoặc các trang web không đáng tin cậy, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ bảo mật. Các phần mềm luôn chứa file thực thi (.exe), và khi chạy bất kì file thực thi nào, bạn cũng cần phải được đảm bảo rằng file thực thi này không bị nhiễm mã độc. Các trang web phân phối phần mềm vi phạm bản quyền sẽ không đưa ra đảm bảo này với bạn. Ngay cả các nhóm hacker chuyên “crack” phần mềm cũng có thể cài mã độc lên các phần mềm vi phạm bản quyền.
Trong nửa đầu năm nay, số vụ tấn công của ransomware tại khu vực APAC đã nhiều hơn rất nhiều so với các khu vực khác trên thế giới. Tính từ tháng 1 đến tháng 6/2017, Trend Micro đã ngăn chặn hơn 1,2 tỷ cuộc tấn công của ransomware trên toàn cầu. Trong đó, 33,7% số vụ rơi vào những người dùng ở khu vực APAC. Cùng kỳ năm ngoái, khu vực này chỉ chiếm 17,6% trong tất cả các cuộc tấn công ransomware. Ấn Độ và Việt Nam dẫn đầu trong các quốc gia phát hiện ra nhiều ransomware nhất trong khu vực APAC.
Ông Dhanya Thakkar, Giám đốc Điều hành Trend Micro khu vực APAC nhận định, khu vực APAC bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công mạng với số lượng tăng vọt trong nửa đầu năm nay đã chứng tỏ vẫn còn một khoảng trống chưa được khỏa lấp giữa nhận thức về an ninh mạng và hành động ứng phó của khu vực này.
Các chuyên gia Trend Micro cho rằng, việc phòng vệ tốt nhất đối với ransomware là ngăn chặn chúng ngay từ đầu thông qua các giải pháp bảo mật cổng truy cập web hoặc email. Cơ chế trí tuệ nhân tạo máy học (Machine learning) được ứng dụng trong thế hệ sản phẩm mới XGen được thiết kế để phát hiện các hiểm hoạc ransomware bằng cách lọc chúng thông qua nhiều phương pháp phòng thủ để phát hiện hiệu quả và toàn diện ngay cả với các biến thể ransomware mới vừa được tạo ra, thậm chí chưa từng thấy trước đó.