Đậu thủ khoa cũng chẳng có gì đáng nói nếu như nó là kết quả trung thực của quá trình học tập tốt. Điều trớ trêu là quá trình học tập của con vị này hết sức bình thường.
Tinh thần thượng võ
Trong mỗi cuộc tranh tài, tinh thần thượng võ luôn được đề cao. Đó là sự thể hiện tài nghệ một cách trung thực, không cay cú được- thua, và biết chấp nhận làm người thua vui vẻ chúc mừng người chiến thắng. Vì vậy mà trước mỗi trận thi đấu bóng đá, hai đội đều giương cao lá cờ “fair play”.
Song, cũng chính khát khao có huy chương, giải thưởng đôi khi khiến những người có máu ăn- thua chỉ muốn ăn người nghĩ ra cách gian lận nên đã đánh mất tinh thần cao thượng đó. Trong thể thao, đô-ping (doping) là hành vi gian dối sử dụng chất kích thich để nâng cao thành tích thi đấu. Trong lĩnh vực này, người ta đã chứng kiến vô vàn vụ doping mà người nhận giải bị truất danh hiệu hoặc chịu án phạt như Lance Armstrong, tay đua người Mĩ trong giải đua xe đạp Tour de France, là một ví dụ.
Song, điều thú vị hơn quanh chuyện này là anh bị chính cơ quan chống doping của quốc gia mình là Mĩ phát hiện và đòi xử lí nghiêm. Nếu ở nước khác không phải là nước Mĩ, chắc Lance Armstrong vẫn lẳng lặng nhâm nhi vinh quang và báo chí lại thi nhau ca tụng? Thái độ minh bạch đàng hoàng đó cũng chính là sự tôn trọng tinh thần thượng võ.
Gian lận không bao giờ mang về vinh quang chân chính.
Bị xui khiến bởi máu hiếu thắng
Ấy là nói về doping trong thể thao.
Trong giáo dục có doping không? Có thể nói ngay rằng ở nơi khác thì không biết, còn ở xứ Việt gần như là chuyện mặc nhiên tựa cơm ăn nước uống.
Doping trong giáo dục cũng có muôn vàn hình thù, từ học trước, mua điểm, luyện thi hàng năm trời theo lối ”luyện gà chọi” , … cho những kì thi Olympic quốc gia, quốc tế mà chính các nhà giáo dục và xã hội Việt Nam nói chung đã nói đến phát chán rồi. Chính vì thế, mỗi khi đoàn Việt Nam được giải quốc tế (thường là nhiều so với các đội khác), trong ngành giáo dục người vui thì ít mà người dửng dưng thì nhiều.
Doping trong giáo dục cũng có muôn vàn hình thù. Ảnh minh họa |
Nạn thiếu trung thực này khiến tôi liên tưởng đến một trường hợp hoàn toàn có thật.
Một lần, một cán bộ đương chức của một trường ĐH vì muốn đảm bảo con mình được giữ lại làm cán bộ, đã bằng nhiều cách “nhờ” giáo viên các môn can thiệp điểm. Thật không may, phải nói là không may, là con vị này đậu thủ khoa trong kì thi tốt nghiệp. Đậu thủ khoa cũng chẳng có gì đáng nói nếu như nó là kết quả trung thực của quá trình học tập tốt. Điều trớ trêu là quá trình học tập của con vị này hết sức bình thường.
Và tất nhiên trường này đã có thêm một cán bộ giảng dạy bất đắc dĩ.
Chỉ vì muốn “chắc ăn” nên vị cán bộ này “nhờ” tất cả ai có thể, và ai trong số những người “được nhờ” đều cố nâng kết quả lên, nên điều trớ trêu đã xảy ra.
Sau sự việc đó, những người chứng kiến đều cười thầm. Vị cán bộ bố không biết có thấy xấu hổ không, còn đứa con luôn thấy mặc cảm mỗi khi ai đó nhắc về kết quả mà nó hoàn toàn biết đạt được bằng dối trá chồng lên dối trá.
Viết đến đây, tôi chợt nghĩ đến thành tích PISA của Việt Nam vừa qua. Theo báo cáo của OECD, Việt Nam đứng thứ 12 trong số trên 70 nước tham gia. Thành tích này không được tuyên truyền rùm beng như mọi lần khác.
Với những sự chuẩn bị bằng cách học trước, nhồi nhét… như nói trên, kết quả đó của học sinh Việt Nam không làm ai ngạc nhiên. Học sinh lớp 03 đã làm những bài toán đến cả tiến sĩ còn thấy khó, thì chuyện PISA là chuyện cỏn con.
Dù vậy, Việt Nam vẫn chỉ có nhiều thợ giải toán mà ít nhà toán học. Với nhiều huy chương vàng quốc tế như vậy, lẽ ra Việt Nam đã phải có nhiều phát minh trong toán học và khoa học cho thế giới?
Theo quan sát của người viết, PISA là một bài thi tốt dành cho học sinh tuổi 15 (lứa tuổi sắp kết thúc chương trình giáo dục bắt buộc ở các nước thuộc OECD). Khác với xếp hạng giáo dục đại học như của THE hay của Shanghai ranking, PISA chỉ đánh giá học sinh về đọc, toán, và khoa học ở mức cơ bản (reading, mathematical, and scientific literacy). Với 03 mức nhận thức, PISA đòi hỏi học sinh các thao tác từ dễ đến phức tạp. PISA hướng đến đo lường "khả năng vận dụng kiến thức, kĩ năng học được vào đời sống thực tế".
Song, vẫn là NẾU, học sinh THCS Việt Nam đạt được thành tích ấy một cách sòng phẳng thì đó quả là điều đáng mừng.
Đạt thành tích cao mà chỉ bấm bụng cười thì còn đau hơn thất bại – chẳng khác gì áo gấm đi đêm. Tôi mang nhận xét này nói với một người quen là giáo viên từng tham gia luyện đội PISA, chị lắc đầu ngao ngán: “Tất cả nghiện và say mất rồi anh ạ!”
Số là trong một cuộc hội thảo về đổi mới đánh giá giáo dục tại trường đại học, một giảng viên dạy toán một trường chuyên muốn bảo vệ mớ giáo trình cũ của ông, cự tuyệt việc cải tiến phương pháp biên soạn câu hỏi, đánh giá, liền khoe: “Khi xem bộ đề toán của chúng tôi, khách nước ngoài đều ‘vồ lấy’ và tấm tắc khen là ‘interesting’ và bảo ‘thế này thì các bạn còn cần cải tiến làm gì nữa!” Sau này, thày dạy toán của chính trường chuyên đó nói: “Hầu hết các bài tập đó đều được cóp nhặt và dịch từ tiếng nước ngoài. Khen “đểu” đấy, chứ họ thừa biết những thứ ấy là cái gì và lấy ở đâu. Ông ấy không hiểu hàm ý của họ khi họ nói ‘interesting’ đâu.”
Khi đã trở thành căn bệnh thâm căn cố đế, máu hiếu thắng và bệnh thành tích không dễ cắt bỏ, nhất là khi cả hệ thống bị “nghiện”. Lãnh đạo ngành giáo dục cho rằng tham gia PISA là một bước tiến tích cực trong việc hội nhập quốc tế, không chỉ giúp ta so sánh mặt bằng chung với các nước mà còn nhận định được những điểm mạnh, điểm yếu của nền giáo dục nước nhà .
Tuy nhiên, để sự so sánh mang lại thông tin có giá trị và cho thấy bức tranh tả chân thực trạng nền giáo dục nước nhà, sự trung thực là vô cùng cần thiết, tựa như màn thi … áo tắm trong các cuộc thi hoa hậu.
Nguyễn Phương