- Trao đổi tại buổi họp báo về công tác tuyển sinh chiều 8/7, ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, năm nay với diễn biến mặt bằng điểm cao thì ngưỡng điểm nhận hồ sơ của trường sẽ tăng lên.

Cụ thể, nhóm thí sinh mà Trường ĐH Bách khoa Hà Nội quan tâm năm nay không phải là nhóm điểm từ 15-20 điểm, thậm chí là 21 điểm.

Vào năm ngoái, các ngành/nhóm ngành KT11 (kỹ thuật cơ điện tử), KT21 (Kỹ thuật điện tử - truyền thông), KT22 (gồm các ngành Kỹ thuật máy tính, Truyền thông và mạng máy tính, Khoa học máy tính, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Công nghệ thông tin) và KT24 (Kỹ thuật Điện-Điện tử, Kỹ thuật Điều khiển và tự động hóa) có mức điểm nhận hồ sơ cao nhất là 7,5 (tương đương điểm 3 môn là 22,5).

Tuy nhiên, năm nay với mặt bằng điểm cao hơn thì những ngành này điểm nhận hồ sơ có thể lên tới 23, thậm chí là 24 điểm thí sinh mới được nộp hồ sơ.

{keywords}
Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ngày 8/7. Ảnh: Thanh Hùng.

Theo dự kiến, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ vào khoảng ngày 13 hoặc 14/7, trước thời điểm thí sinh bắt đầu thay đổi nguyện vọng xét tuyển.

Điểm chuẩn sẽ cao hơn

Về mức điểm chuẩn, ông Tớp cho rằng, mặt bằng điểm thi THPT quốc gia năm nay cao hơn nên về nguyên tắc, điểm chuẩn sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, điều này cũng có thể tạo ra tâm lý lo ngại, sợ nhiều thí sinh điểm cao thì không đỗ nên nhiều thí sinh sẽ thay đổi nguyện vọng sang những ngành, trường khác thì có thể dẫn tới điểm của ngành đó lại tụt xuống.

"Điểm chuẩn năm nay sẽ phụ thuộc rất nhiều vào phổ điểm cũng như việc thí sinh đăng ký nguyện vọng như thế nào trong đợt thay đổi nguyện vọng sắp tới nên rất khó dự đoán trước được" - ông Tớp phân tích.

Ông Tớp nêu ví dụ, năm ngoái ngành hot nhất của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nếu lấy theo đúng chỉ tiêu thì mức điểm chuẩn (trung bình 3 môn) lên tới 9,5.

Tuy nhiên, với mức điểm này tỉ lệ ảo rất lớn. Do đó, năm ngoái, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã phải gọi tới 150% chỉ tiêu nhưng cuối cùng số nhập học vẫn chưa được 100%.

Chuẩn bị sẵn tiêu chí phụ

Theo ông Tớp, phân tích số liệu của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho thấy, mức điểm từ 26 điểm trở lên có khá đông thí sinh. Các mức điểm 26,5, 27 điểm cũng có tới hàng ngàn thí sinh cùng mức điểm này. Vì vậy, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đã tính đến việc sử dụng tiêu chí phụ trong quá trình xét tuyển.

Năm nay, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ sử dụng tiêu chí phụ là tổng điểm 3 môn không nhân hệ số, không tính điểm ưu tiên.

Tiêu chí phụ này của ĐH Bách khoa HN khác với năm ngoái khi năm ngoái tiêu chí phụ thường là điểm môn Toán.

"Năm nay môn Toán thi trắc nghiệm, không thi tự luận nữa, song, nhà tường đánh giá môn Toán quan trọng nên vẫn coi đây là môn chính. Nhưng để đảm bảo công bằng, ĐH Bách khoa Hà Nội sử dụng tiêu chí phụ là tổng điểm 3 môn không nhân hệ số, không tính ưu tiên bởi vì nếu cộng điểm ưu tiên thì có lợi cho những người có điểm ưu tiên" - ông Tớp giải thích.

Ngoài ra, theo ông Tớp còn có 1 "tiêu chí phụ" nữa là theo quy chế. Thí sinh có cùng một mức điểm nhưng thí sinh nào có nguyện vọng ở vị trí ưu tiên cao hơn thì sẽ trúng tuyển.

Nhóm xét tuyển miền Bắc gồm 56 trường ĐH, CĐ

Trao đổi về hoạt động của nhóm xét tuyển miền Bắc, ông Trần Văn Tớp cho biết, hiện nhóm đã "chốt" lại 56 trường ĐH, CĐ toàn miền Bắc (tính từ Hà Tĩnh trở ra). Phần mềm xét tuyển của nhóm cũng đã hoàn thiện và đã chạy thử nhiều lần. Tài khoản cho các trường để cập nhật dữ liệu xét tuyển của trường mình qua mạng Internet cũng đã được cấp đến các trường. Hiện tại nhóm đang xin dữ liệu thật từ Bộ trước khi thí sinh thay đổi nguyện vọng để tiến hành chạy thử.

Ngoài ra, ông Tớp cũng cho biết, sau khi có kết quả, 56 trường dự kiến sẽ công bố kết quả trúng tuyển của thí sinh trên cả 56 trang tin điện tử của các trường trong nhóm. Nghĩa là thí sinh chỉ cần vào trang web của 1 trường là có thể biết mình trúng tuyển hoặc không trúng tuyển vào trường nào trong số 56 trường thuộc nhóm.

Lê Văn