Cựu giám đốc CIA R. Hillenkoter giai đoạn 1947-1950 từng cho biết, 80% thông tin tình báo nhận được từ những nguồn thông thường như sách, báo, tạp chí, bưu ảnh, số liệu phân tích tình hình buôn bán, các chương trình phát thanh...
Công việc của các nhà báo chuyên nghiệp có rất nhiều điểm gần với công việc của các cơ quan đặc biệt. Có thể coi một nhà báo thường xuyên viết về những vấn đề cùng chủ đề nào đó là một chuyên gia trong lĩnh vực này hay lĩnh vực khác.
Ảnh minh họa |
Ngoài ra, báo chí cho ta thấy được toàn cảnh tình hình bằng thứ ngôn ngữ dễ hiểu, chứ không chỉ là những con số thuần tuý. Ban đầu, đó có thể là ngôn ngữ ở cấp độ tin đồn, chuyện thêu dệt và những cảm xúc, nó cho phép liên kết với các yếu tố và con số thành một bức tranh tổng thể về một vấn đề nào đó.
Kết quả những phân tích của FBI về các bức điện đã được giải mã của nhà tình báo Xô-viết huyền thoại Rudolf Abel cho thấy: Nội dung chủ yếu trong những tin tình báo nguyên tử mà ông gửi về Moscow được lấy từ các ấn phẩm New York Times và Scientific American, đương nhiên được bổ sung bằng thông tin điệp báo.
Thậm chí, việc biến mất những thông tin vẫn thường được đăng trên báo chí về một chủ đề nào đó cũng có thể cho tình báo biết nhiều điều.
Ví dụ, sau khi Mỹ thành lập ủy ban tư vấn về uranium có nhiệm vụ theo dõi các vụ thử hạt nhân, chế độ kiểm duyệt gắt gao đối với các bài viết khoa học trong lĩnh vực này đã được ban hành. Công trình công khai cuối cùng là của nhà bác học Mỹ Mc Milan, được in trong tạp chí Vật lý số ra ngày 15/6/1940.
Người đứng đầu Cục Tình báo Khoa học - Kỹ thuật của Liên Xô lúc đó là Thiếu tướng Leonid Kvashnikov đã chú ý ngay tới sự kiện này. Ông cho rằng, việc kiểm duyệt liên quan tới những bí mật quân sự. Ngay lập tức, ông đề nghị cấp trên ra lệnh cho một loạt tổ điệp báo ở Mỹ, Pháp, Anh và Đức phát hiện các trung tâm nghiên cứu uranium ở những quốc gia này.
Chẳng bao lâu sau đó, Tổ trưởng điệp báo của Liên Xô ở New York là Ovakimyan đã gửi những tin đầu tiên, qua đó giúp kết luận người Mỹ đã thực sự nghiêm túc bắt tay nghiên cứu vũ khí hạt nhân. Kết luận sơ bộ này sau đó đã được các tin điệp báo khẳng định.
Tháng 8/1987, CIA trình lên Tổng thống Mỹ bản báo cáo SOV S87-10043 có tiêu đề “Kỹ thuật vi tính trong các doanh nghiệp của nền kinh tế quốc dân Liên Xô” (Enterprise level computing in Soviet economy). Một lãnh đạo CIA cho biết: “Khi soạn thảo báo cáo, chúng tôi sử dụng 347 nguồn thông tin công khai, trong đó 295 nguồn thông tin của chính Liên Xô”.
Từ đầu những năm 1980, việc nghiên cứu kỹ lưỡng những dòng thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng của Liên Xô – đặc biệt trong thời kỳ Cải tổ của Gorbachov đã cho phép CIA và chính quyền Mỹ “thay đổi cách đánh giá về tình hình Liên Xô và các nước Đông Âu”, qua đó thúc đẩy các biện pháp tiến tới làm tan rã Nhà nước Xô-viết.
Ngày nay, các nước công nghiệp phát triển rất quan tâm khai thác các thông tin công khai phục vụ hoạt động tình báo chính trị - quân sự và tình báo kinh tế - khoa học công nghệ.
Các loại sách, báo, tạp chí, tập san nghiên cứu, sách tra cứu, các loại tờ rơi quảng cáo, truyền hình, đài phát thanh trung ương và địa phương, internet... là nguồn thông tin vô tận, quan trọng đối với các cơ quan tình báo trong việc nghiên cứu nắm bắt tình hình địa bàn, nhân vật, xu hướng phát triển của các lĩnh vực, thậm chí là cả ý đồ và dự định của một quốc gia.
Để thu thập và khai thác có hiệu quả nguồn tin này, cơ quan tình báo nhiều nước đều tổ chức lực lượng chuyên trách khai thác, nghiên cứu báo chí công khai và phương tiện thông tin đại chúng. Lực lượng này được cung cấp các ấn phẩm từ nước ngoài, được huấn luyện kỹ thuật khai thác, xử lý và nghiên cứu, được trang bị phương tiện kỹ thuật và phần mềm chuyên dụng.
Vai trò của thông tin công khai là cực kỳ quan trọng đối với tình báo. Điều này cũng đặt ra cho các cơ quan báo chí, người làm báo những yêu cầu nghiêm ngặt trong việc lựa chọn thông tin và đưa tin.
Nguyên Phong
Tình báo Mỹ trong chiến tranh công nghệ cao
Trong chiến tranh công nghệ cao, CIA sử dụng lực lượng tác chiến đặc biệt để thu thập tin tức ở các mục tiêu bí mật của đối phương.
Sự trở lại của đội quân ngầm CIA
Đội tác chiến đặc biệt (SOG) là đội quân bí mật từng được Cục Tình báo trung ương (CIA) sử dụng rộng rãi trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.