FAO cho biết, ngày 1/6 được chọn vì nhiều quốc gia đã kỷ niệm ngày sữa quốc gia của họ vào khoảng thời gian này trong năm.
Ban đầu, một ngày vào cuối tháng 5 được đề xuất, song một số quốc gia như Trung Quốc có nhiều sự kiện diễn ra vào thời điểm này. Cuối cùng, ngày 1/6 được ấn định, trang Business Standard cho biết.
Lịch sử của sữa bò bắt nguồn từ 10.000 năm trước Công nguyên, khi các bộ lạc du mục quyết định định cư và bắt đầu trồng trọt, thuần hóa động vật. Ở Ai Cập cổ đại, người ta tin sữa chỉ để dành cho hoàng gia, linh mục và những người giàu có. Thực tế, tới thế kỷ 17, sữa còn không phổ biến bằng bia.
Tới thế kỷ 19, sữa bắt đầu phổ biến ở châu Âu và Mỹ nhưng chỉ dành cho trẻ em. Mãi cho tới khi Louis Pasteur phát minh ra phương pháp thanh trùng, sữa mới trở thành đồ uống an toàn cho nhiều đối tượng khác nhau và dần trở nên nổi tiếng.
Theo một bài báo trên tạp chí Smithsonian, năm 1908, bác sĩ thời đó của Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt đã công bố một báo cáo dài 600 trang, quy kết rằng hầu hết các trường hợp tử vong ở trẻ em là do sữa không tinh khiết và thanh trùng là cách tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng.
FAO cho biết, một cốc sữa 250ml có thể cung cấp cho trẻ em 5 - 6 tuổi khoảng 48% nhu cầu protein, 9% lượng calo và các khoáng chất chủ chốt như calci, magne, selen và vitamin B.
Ấn Độ hiện là nhà sản xuất sữa lớn nhất thế giới, chiếm 22% sản lượng sữa toàn cầu. Các nước tiếp theo là Mỹ, Trung Quốc, Pakistan và Brazil. Theo Statista, trong năm tài chính 2019, các bang Uttar Pradesh, Rajasthan, Madhya Pradesh và Andhra Pradesh là những nơi sản xuất sữa hàng đầu ở Ấn Độ.
Ra đời năm 1940 như một giải pháp để đối phó với nạn suy dinh dưỡng trong đại đa số dân nghèo nhập cư ở Hong Kong, Vitaysoy đã gây dựng và mở rộng sức mạnh, trở thành một thương hiệu nhận diện lớn của hòn đảo.