Theo báo chí nước ngoài, những bức ảnh này do hãng công nghệ Maxar Technologies (Mỹ) phát hành, trên cơ sở ứng dụng phần mềm bản đồ điện tử Google Earth. Những bức ảnh điện tử kiểu này đã nhiều lần gây tranh cãi về tác dụng và tính pháp lý của nó.
Tháng 12/2005, Học viện Khoa học Ấn Độ tại Balalaer bị đánh bom. Do phần mềm Google Earth có thể cung cấp hình ảnh rõ nét về tình hình kiến trúc chủ yếu trong cơ sở này, nên các điều tra viên Ấn Độ cho rằng các phần tử khủng bố đã lợi dụng dịch vụ ảnh vệ tinh để tiến hành vụ đánh bom.
Cuối năm 2006, doanh trại quân đội Anh tại Basra, Iraq hầu như ngày nào cũng bị pháo và tên lửa tập kích. Qua điều tra, phía Anh nghi ngờ các phần tử vũ trang Iraq có được thông tin tình báo chính xác về địa điểm của quân Anh thông qua Google Earth.
Tại Trung Quốc, những mục tiêu mà người dân trong nước khó có thể biết, như các căn cứ hải, lục, không quân, đập Tam Hiệp, nhà máy điện hạt nhân... nay có thể tìm thấy trên trang Google Earth. Các chuyên gia quân sự có thể phân biệt được các loại tàu trong quân cảng và các loại máy bay chiến đấu trên sân bay quân sự.
Tại thủ đô Bắc Kinh, với độ phân giải 1m, qua Google Earth có thể nhìn rõ các công trình xây dựng như Cố Cung, Thiên An Môn, Trung Nam Hải, sân bay quốc tế… Tháng 7/2007, một nhân viên phân tích chính sách Mỹ đã phát hiện ra tàu ngầm hạt nhân lớp mới của Trung Quốc thông qua sự trợ giúp của ảnh vệ tinh thương mại trên trang Google Earth.
Ngày 10/8/2007, một công dân Mỹ tên là Sac Dohase đã tìm thấy trên Google Earth hình ảnh rõ nét tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo đang tiến hành sửa chữa trên cạn. Bộ phận lái hình xoắn ốc dạng nghiêng là một trong những thiết bị cơ mật của tàu ngầm này được phơi bày rõ nét. Đây là lần đầu tiên hệ thống đẩy của tàu ngầm hạt nhân được phơi bày ra công chúng mà không hề có sự che chắn. Quân đội Mỹ đã lên tiếng chỉ trích “hành động tiết lộ cơ mật quốc gia” này.
Nguồn cung cấp hình ảnh cho Maxar Technologies
Đối với các vụ việc như trên, giới phân tích Cơ quan An ninh Liên bang Nga cho rằng, cả vệ tinh trinh sát quân sự và vệ tinh thương mại đều có thể chụp ảnh mặt đất với độ nét và phân giải rất cao. Và cho dù Maxar Technologies không tiết lộ nguồn gốc các bức ảnh, nhưng có thể khẳng định đại đa số đều do các công ty vệ tinh thương mại của Mỹ cung cấp.
Như, vệ tinh Iknoos-2 của Công ty Quan sát vũ trụ hoạt động trên quỹ đạo bằng pin mặt trời, cách Trái đất 675km, góc nghiêng 98,20, có thể chụp ảnh đen trắng các vật thể có đường kính 0,8m và chụp ảnh màu vật thể có đường kính 3,28m, độ phân giải hơn cả vệ tinh trinh sát và quan sát quang học Hellios-1A. Vệ tinh Iknoos-2 trong vòng 140 ngày bay 2.049 vòng xung quanh Trái đất (mỗi ngày bay 15 vòng), 3 ngày có thể chụp một lần bất cứ khu vực nào trên mặt đất với độ phân giải 0,8m.
Vệ tinh Orbit-3 của Công ty Nghiên cứu quỹ đạo có thể chụp ảnh đen trắng vật thể có đường kính 1m và chụp màu các vật thể có đường kính 4m. Vệ tinh của Công ty Địa cầu số, bằng phương pháp hạ thấp quỹ đạo có thể chụp ảnh đen trắng vật thể cao 0,61m, ảnh màu vật thể cao 2,5m, có thể chụp đồng thời ảnh đen trắng và màu, có thể cung cấp hình ảnh kết hợp màu sắc tự nhiên và hồng ngoại. Mỗi lần qua đỉnh, vệ tinh có thể chụp được 10 ảnh, mỗi năm có thể chụp được 7 x 170km2.
Maxar Technologies chủ yếu sử dụng hình ảnh của Công ty Địa cầu số và từ vệ tinh Iknoos-2. Hình ảnh các vệ tinh này cung cấp có thể dùng trong trắc họa vẽ bản đồ, quy hoạch thành phố, thăm dò và quản lí rừng, đánh giá thiệt hại thiên tai… Việc có khả năng trinh sát quân sự hay không được quyết định bởi độ phân giải mặt đất.
Tuy các vệ tinh trên không thể bằng các vệ tinh trinh sát quân sự, nhưng qua hình ảnh vệ tinh có độ phân giải 30m vẫn có thể phát hiện các mục tiêu lớn như hải cảng, sân bay, cầu, đường hoặc tàu chiến trên mặt nước…; độ phân giải từ 3-7m có thể phát hiện các mục tiêu nhỏ như trạm radar, trận địa tên lửa, sở chỉ huy... Do vậy, ngoài việc phục vụ dân dụng, các hình ảnh vệ tinh hoàn toàn có thể sử dụng cho mục đích quân sự.
Chính vì vậy mà trước đây, lấy lý do “chống các phần tử khủng bố lợi dụng hình ảnh vệ tinh để tiến công”, Mỹ đã lệnh cho Maxar Technologies làm mờ các mục tiêu trọng yếu ở nước này.
Trong bối cảnh rất nhiều loại vệ tinh đang hoạt động trên không gian vũ trụ và thế giới mạng ngày càng mở rộng, thì đảm bảo bí mật quân sự, bí mật quốc gia là vấn đề nan giải mà nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt.
Nguyên Phong