- PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện lượng vắc xin dịch vụ cung ứng cho năm nay đang rất hạn chế do nhà sản xuất không cung cấp đủ. Việc người dân chờ đợi tiêm vắc xin dịch vụ rất nguy hiểm.

Nguồn cung ứng vắc xin hạn chế

Theo ông Trần Đắc Phu, số liệu đến hiện tại cho thấy lượng vắc xin dịch vụ cung ứng cho năm 2015 đang rất khó khăn.

"Số lượng vắc xin Infanrix Hexa (6 trong 1) năm nay rất thấp, chỉ khoảng 50.000 liều. Thủy đậu cũng đang khó khăn. Vắc xin chống dại Verorab bị thiếu nên hiện đã phải thay bằng vắc xin của Ấn Độ. Với vắc xin 5 trong 1, các công ty báo cáo đến cuối năm mới có thể đáp ứng được còn hiện vẫn đang thiếu", ông Phu thông tin.

{keywords}
Người dân chen chúc chờ tiêm dịch vụ tại điểm tiêm 70 Nguyễn Chí Thanh hồi tháng 7/2014. Ảnh: C.Quyên

Theo ông Phu, lâu nay cứ thiếu vắc xin là đổ cho các điểm tiêm không lập kế hoạch nhưng thực chất việc khan hiếm vắc xin là do phía nhà sản xuất, các công ty cung ứng không chủ động được. Họ giải thích do thay đổi địa điểm, thay đổi công nghệ, nhu cầu tăng... thêm nữa giá cả của Việt Nam cũng đang thấp hơn các nước.

"Chờ đợi tiêm vắc xin dịch vụ như ở Hà Nội và TP.HCM là rất rất nguy hiểm bởi như năm ngoái, đi kiểm tra dịch sởi, các ca mắc chủ yếu là chờ đợi tiêm. Chỉ chờ 1-2 tháng là con đã mắc bệnh rồi. Giờ đặc điểm dịch tễ của một số bệnh nó khác, như Mỹ nhiều năm đâu có sởi nhưng giờ lại có. Do đó phải tiêm đúng lịch, tiêm dịch vụ mà không đủ thì cũng không an toàn", ông Phu nói.

Ông Phu cho biết, hiện đã chỉ đạo các Sở Y tế, căn cứ vào lượng vắc xin dịch vụ hiện có để thu gọn lại một số điểm, tránh tình trạng tiêm mũi 1 nhưng lại không có mũi 2, 3 hoặc tiêm nhầm mũi.

"Tôi đang yêu cầu các công ty phải báo cáo kế hoạch 2015, lộ trình, khả năng đến 2016 như thế nào. Không thể có chuyện thiếu vắc xin xong các điểm tiêm treo một cái biển HẾT VẮC XIN được. Tôi đã chỉ đạo và có công văn rồi, cái này phải thu lại, chứ anh không thể tự động tiêm rồi lại tự động kêu hết vắc xin. Sở Y tế phải có trách nhiệm chỉ đạo việc đó", ông Phu nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cũng yêu cầu các Sở Y tế phải chỉ đạo kiểm tra các điểm tiêm vắc xin dịch vụ, phải tuyên truyền để người dân tập trung vào các điểm tiêm chủng mở rộng miễn phí cho đủ mũi.

Tiêm vét đến cùng

Theo ông Phu, chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi trên toàn quốc đến nay đã đạt trên 95% quy mô xã, phường với gần 19 triệu trẻ. Đến khoảng tháng 4 sẽ hoàn tất việc tiêm vét.

"Tôi đề nghị phải tiêm vét đến cùng, kể cả 95% vẫn vét tiếp, để cơ hội nó cao hơn. Nếu như vừa qua không có chiến dịch tiêm vét, đặc biệt là chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella thì có lẽ giờ sởi đã bùng phát", ông Phu nói.

Để giám sát chặt chẽ việc tiêm chủng, Cục Y tế Dự phòng đã yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phải có kế hoạch giám sát các tỉnh, tỉnh giám sát huyện, huyện giám sát xã và kiểm tra chéo xem có đúng tỉ lệ thật như vậy không hay là số liệu báo cáo.

Đặc biệt với những tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Vũng Tàu... những nơi có biến động dân cư lớn phải rà soát kỹ. Đối tượng nào chưa tiêm thì vận động đi tiêm, đối tượng nào bảo không tiêm thì phải lập danh sách, báo cáo UBND xã, phường để cùng vào cuộc.

Để thuận lợi cho hoạt động tiêm chủng, ông Phu cho biết, Cục Y tế Dự phòng đang phối hợp xây dựng phần mềm để mỗi trẻ có một số ID riêng. Khi đó nếu trẻ tiêm ở Hà Nội, sau về Bắc Ninh tiêm thì chỉ cần click là biết đã tiêm mũi gì, tiêm dịch vụ hay tiêm chủng mở rộng và đã tiêm những mũi nào...

Về lịch tiêm chủng dồn vào 2-3 ngày như hiện tại, ông Phu cho rằng việc này đang nảy sinh nhiều bất cập. Nhiều trẻ cứ đến đợt tiêm chủng lại bị ho, bị sốt... lại không tiêm, lại chờ thêm tháng nữa, nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.

"Do đó tôi chỉ đạo phải thêm ngày tiêm chủng. Trước chỉ ngày 25, 26 thì giờ kéo dài đến 28 hoặc tách ra thành 2 đợt tiêm mỗi tháng. Quyết liệt là phải tiêm đúng lịch", ông Phu nói.

Sốt xuất huyết, tay chân miệng giảm mạnh

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, năm qua dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng đã giảm nhiều, trong đó sốt xuất huyết giảm mạnh nhất, gần 50%.

"Quan trọng là giám sát, phát hiện nhanh, xử lý triệt để. Như ở Hà Nội, nếu không xử lý triệt để ổ dịch ở Yên Hòa nó sẽ bung ra ngay, tôi chắc chắn là như thế. Ngoài ra khi có một vài ca ở Hòa Bình, Lào Cai là chúng tôi phải tập trung quyết liệt ngay", ông Phu cho hay.

Về  tình hình ho gà, trước Tết có 18 ca điều trị tại các bệnh viện nhưng hiện chỉ còn 7 ca, rải rác ở các tỉnh.

Thúy Hạnh