Nhận định này đã được Cục Công nghiệp báo cáo Bộ Công Thương ngay cuối tháng 2, đầu tháng 3.

Cục này cho hay, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại biên giới của cả Việt Nam lẫn Trung Quốc sẽ khiến việc thông quan các lô hàng nhập khẩu khó khăn hơn nhiều so với trước đây.

Trong khi đó, các nhà máy sản xuất các sản phẩm nguyên phụ liệu đầu vào cho Việt Nam tại Trung Quốc hiện nay cũng đang tạm thời ngừng sản xuất hoặc chỉ hoạt động rất ít trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng.

Do các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay chủ yếu được tổ chức theo chuỗi giá trị rất chặt chẽ, ngay cả trong vấn đề cung cấp nguyên phụ liệu và linh phụ kiện đầu vào, vì vậy việc ngay lập tức tìm được nguồn thay thế các yếu tố này trong ngắn hạn là hết sức khó khăn.

{keywords}
Ngành dệt may sẽ chịu ảnh hưởng lớn khi nguyên phụ liệu từ Trung Quốc đứt đoạn

Cục Công nghiệp phân tích, các nguyên phụ liệu cao cấp hoặc các sản phẩm linh kiện, phụ tùng rất khó có thể tìm nguồn thay thế trong ngắn hạn do đặc thù phân bổ chuỗi sản xuất toàn cầu cũng như các yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ, chất lượng riêng biệt của các công ty đa quốc gia.

Các nguyên phụ liệu cơ bản (như vải, thép cán nóng...) có thể sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm nguồn thay thế. Các sản phẩm đầu vào nhập khẩu từ các quốc gia khác thường có giá thành cao hơn so với các sản phẩm từ Trung Quốc.

Đặc biệt, trong trường hợp dịch bệnh kết thúc và phía Trung Quốc sản xuất, cung ứng trở lại nguồn đầu vào cho sản xuất trong nước thì giá thành nguyên vật liệu, linh phụ kiện nhập khẩu từ Trung Quốc có thể sẽ tăng lên so với trước đây, gây ảnh hưởng đến giá thành sản xuất sản phẩm trong nước.

Theo thống kê, năm 2019, ngành dệt may- da giày của Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc là 1,32 tỷ USD xơ sợi (57,39% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu); 7,73 tỷ USD vải (60,91%) và 2,45 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may, da giày (43,67%). Ngành lắp ráp ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc là 0,7 tỷ USD (17.54%) và ngành điện- điện tử nhập linh kiện từ Trung Quốc là 13,8 tỷ USD (chiếm 34%).

Trước tình thế này, các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam dự báo sẽ hết nguồn dự trữ linh kiện vào đầu tháng 4 và hiện đang chủ động tìm giải pháp ứng phó. Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã ban hành Chỉ thị “nóng” đưa gói giải pháp tổng thể để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời.

Thu Ngân

Nguy cơ thiếu hụt nguồn linh phụ kiện phục vụ sản xuất do dịch Covid-19

Nguy cơ thiếu hụt nguồn linh phụ kiện phục vụ sản xuất do dịch Covid-19

Dịch Covid-19 bùng nổ tại Trung Quốc đã ảnh hưởng trầm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp các ngành dệt may, da giày, điện tử, ô tô đứng trước nguy cơ thiếu hụt linh phụ kiện ngay từ tháng 3 này.