5 năm trôi qua, bà Chi (TP.HCM) vẫn miệt mài đi chợ để nấu những bữa cơm chay miễn phí cho hàng trăm đứa trẻ nhập cư.

Hơn 5 năm nay, ông Đoàn Minh Hùng (60 tuổi) thành lập lớp học đặc biệt ở gần xóm lao động nghèo thuộc quận Tân Phú (TP.HCM). Đây là nơi đón hàng trăm đứa trẻ nhập cư đến tìm kiếm con chữ.

Ít ai biết rằng, đằng sau lớp học chữ hoàn toàn miễn phí này của ông luôn có một người vợ tần tảo hỗ trợ chồng. Hơn 30 năm chung sống, tình yêu giữa họ vẫn bền chặt theo năm tháng.

Bà Nguyễn Thị Kim Chi (vợ ông Hùng) quê ở Bến Tre nhưng sau đó gia đình chuyển lên TP.HCM để mưu sinh. Giữa Sài Gòn đông đúc và bộn bề, bà Chi và ông Hùng gặp nhau, nên duyên vợ chồng.

Vợ chồng bà thuê phòng trọ nhỏ để làm nơi ở. Cuộc sống của họ hết sức khó khăn. Một lần, ông bán rau cho một cậu bé có thân hình cao lớn nhưng lại khá lúng túng khi ông trả lại tiền thừa. Ông hỏi chuyện mới biết cậu chưa từng được đi học. Điều này khiến ông suy nghĩ rất nhiều.

Sau đó, ông chia sẻ với bà Chi về những trăn trở của mình. Lúc yêu, bà biết ông từng mong muốn trở thành một thầy giáo nhưng vì nhiều lý do khác nhau, ông chưa thực hiện được điều này. Vì vậy khi nghe ông mong muốn dạy học cho những đứa trẻ nhỏ, bà không mảy may suy nghĩ mà đồng ý ngay lập tức.

Từ đó, ông quyết định mở lớp học dành cho những đứa trẻ nhập cư với mong muốn những đứa trẻ biết chữ sẽ có tương lai tốt đẹp hơn.

{keywords}
Cứ khoảng 5 giờ chiều, căn nhà của vợ chồng bà lại rộn rã tiếng nói cười.

Tiếng lành đồn xa, lớp học miễn phí của ông Hùng ngày càng được nhiều người biết đến. Đám trẻ kéo nhau đi học đông dần. 

Vì vậy ông bàn bạc với vợ về việc thuê một căn nhà rộng rãi hơn để có thể dạy chữ cho những đứa trẻ nhập cư. Dù cuộc sống vẫn khá khó khăn nhưng họ chưa từng từ chối bất kỳ trường hợp, hoàn cảnh nào.

Bà Chi chia sẻ, trước đây, vợ chồng bà bán cơm chay nhưng sau này vì nhiều công việc nên họ chuyển sang bán cà phê. Theo đó, việc dạy học cho đám trẻ diễn ra vào buổi tối. Bên cạnh việc dạy chữ, vợ chồng bà Chi cũng chuẩn bị thêm một bữa cơm chay miễn phí cho những đứa trẻ vào buổi chiều.

Bữa cơm cho gần gần 80 đứa trẻ và nhiều thầy cô khác tốn khá nhiều thời gian và công sức. Thế nhưng, người phụ nữ 60 tuổi này hạnh phúc chia sẻ, ông luôn phụ bà trong việc nấu cơm nước hằng ngày. 

Với kinh nghiệm nấu đồ ăn chay gần 20 năm, bà Chi nấu nướng thường vừa miệng và đầy đủ các món cơm, canh, mặn, ngọt.

“Một bữa như vậy tôi thường nấu 10-12kg gạo. Tôi không bao giờ sử dụng rau củ có hóa chất mà thường tìm nguồn rau sạch để bảo vệ sức khỏe cho tất cả mọi người. Tụi nó còn nhỏ phải được ăn đồ sạch sẽ, chất lượng”, bà Chi chia sẻ.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Kim Chi, vợ ông giáo Hùng.

Khi đang trò chuyện, bà vuốt ve mấy con chó đang nằm ngoan ngoãn dưới chân. Ngoài việc kiếm tiền, lo lắng bữa cơm cho bọn trẻ, bà còn kiêm luôn việc chăm sóc cho cả đàn chó hơn chục con. Bà cho rằng, những con chó này khiến cho cuộc sống và mái ấm của gia đình bà trở nên thú vị hơn.

Trong những câu chuyện về lớp học của chồng, bà Chi cho hay, khi đến với lớp học của ông bà, ngoài việc được học chữ, học đạo đức, bọn trẻ còn nhận được tình yêu thương và sự quan tâm của gia đình bà.

Bà luôn coi những đứa trẻ nhập cư này như con, cháu của mình. Các bé đều được bà cẩn thận chỉnh sửa từng bàn tay, dáng ngồi. 

Với sự ân cần, lo lắng của vợ chồng bà Chi, những đứa trẻ ở đây luôn xem ông bà như người thân thiết trong nhà mình.

{keywords}
Những em nhỏ trong lớp học.

Cứ khoảng 5 giờ chiều, căn nhà của vợ chồng ông bà lại rộn ràng tiếng nói cười. Đây là những giờ phút những đứa trẻ nhỏ được học tập và được vui chơi đúng như độ tuổi của mình mà không cần bận tâm đến về cơm áo gạo tiền, mưu sinh vất vả.

Người phụ nữ này chia sẻ rằng, hạnh phúc lớn nhất hiện tại là vợ chồng bà vẫn luôn yêu thương nhau. Hơn 30 năm hôn nhân, họ ít khi nào lớn tiếng với nhau. 

Tuy vậy, vợ chồng bà Chi vẫn mang nhiều nỗi lo trong lòng về tương lai bọn trẻ. Với bệnh tật tuổi già, ông bà không biết tương lai của lớp học sẽ được duy trì thêm mấy năm nữa.

Nghĩ con đi Mỹ sung sướng, người mẹ Sài Gòn 43 năm ân hận đi tìm

Nghĩ con đi Mỹ sung sướng, người mẹ Sài Gòn 43 năm ân hận đi tìm

Gửi con 3 tuổi theo chiến dịch Babylift, 43 năm sau người mẹ Sài Gòn mang nỗi ân hận khôn nguôi khi không thể có tin tức về con. Bà đã dành phần đời còn lại của mình chỉ mong được gặp con gái thêm một lần nữa...

Hoàng Tuân