Không ít những người Việt tài năng đã đảm nhiệm vị trí giám đốc điều hành (CEO) ở các tập đoàn nước ngoài lớn và gặt hái được nhiều thành công.
Gương mặt mới
2015 được xem là một năm thành đạt của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ô tô tại Việt Nam. Đây cũng là một năm có nhiều gương mặt CEO Việt mới xuất hiện ở vị trí lãnh đạo các hãng xe danh tiếng nước ngoài.
Tháng 7/2015, hãng xe Mỹ Ford phát đi thông báo bổ nhiệm ông Phạm Văn Dũng vào vị trí Tổng giám đốc (CEO) mới của Ford Việt Nam, thay thế cho cựu CEO Jesus Metelo Arias, người được cử sang Thượng Hải, Trung Quốc trong vai trò Giám đốc tiếp thị và bán hàng dịch vụ của Ford Châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Dũng được bổ nhiệm vào vị trí cao nhất của liên doanh xe Mỹ tại Việt Nam khi đang đảm nhiệm chức vụ Giám đốc tài chính. CEO mới của Ford Việt Nam có bằng cử nhân, bằng thạc sĩ kinh tế tại trường Đại học Thương mại Việt Nam và bằng thạc sĩ tài chính tại trường Đại học Công nghệ Swinburn, Australia.
Nhiều gương mặt trẻ người Việt nắm giữ các vị trí quan trọng tại các tập đoàn nước ngoài. |
Ông Dũng bắt đầu làm việc tại Ford Việt Nam từ năm 1998 với vị trí kế toán doanh nghiệp. Ông là người Việt đầu tiên ngồi lên chiếc ghế nóng tại đây và cũng là lãnh đạo trẻ nhất của Ford Việt Nam.
Sau khi đảm nhận chức TGĐ, ông Phạm Văn Dũng đã đưa Ford Việt Nam lên đỉnh cao mới. Tháng 9/2015, lần đầu tiên trong lịch sử hình thành Ford VN có được kết quả bán hàng tốt nhất trong một tháng. Trong năm 2015, Ford trở thành một trong những thương hiệu ô tô phát triển nhanh nhất Việt Nam.
Bên cạnh vị trí CEO, ông Dũng cũng đảm nhận nhiệm vụ Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) và là thành viên của Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ AmCham.
Gần đây, phản ứng với các diễn biến bất thường trên thị trường tài chính trong và ngoài nước, HSBC Việt Nam có những báo cáo đánh giá khá nhanh và chính xác. Tất cả đều được ký với cái tên Phạm Hồng Hải.
Ông Hải là người Việt đầu tiên được bổ nhiệm làm CEO HSBC Việt Nam. Ông là một người khá trẻ, sinh năm 1974 và được xem là người buôn tiền hàng đầu Việt Nam, người có tinh thần thép và có tới 20 năm làm việc tại tập đoàn nước ngoài này.
Ông Hải gia nhập HSBC vào năm 1995 và sau đó trở thành người mang quốc tịch Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm vị trí Giám đốc Phòng Kinh doanh Vốn và Ngoại hối tại ngân hàng HSBC Việt Nam vào năm 2004 và Giám đốc Khối Dịch vụ tài chính toàn cầu, Thị trường vốn và Ngoại hối (GB&M) vào năm 2012.
Trước ông Hải, giới ngân hàng đều nhắc đến bà Đàm Bích Thủy. Bà Thủy là nữ Tổng Giám đốc duy nhất trong số các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, đã nắm vai trò đứng đầu Ngân hàng ANZ Việt Nam từ năm 2005. Dưới thời bà Thủy, ANZ trở thành một trong những ngân hàng 100% vốn nước ngoài đầu tiên được phép kinh doanh toàn diện tại Việt Nam và đạt mức tăng trưởng doanh số lên tới 70% ngay trong năm đầu tiên có được giấy phép.
Sau đó, khi không còn làm Tổng giám đốc ANZ Việt Nam, bà Thủy đã chuyển sang nắm giữ vai trò Phó Chủ tịch của ANZ tại khu vực Đông Dương trước khi chuyển qua lĩnh vực thử thách khác.
Ghi dấu CEO nước ngoài
Không chỉ các doanh nhân gốc Việt thành đạt ở nước ngoài, trước đó, không ít CEO Việt đã được các tập đoàn đa quốc gia chọn mặt gửi vàng với những thế hệ doanh nhân tài năng đầu tiên như ông Phạm Phú Ngọc Trai tại Pepsico hay ông Thân Trọng Phúc tại Intel VN.
Người Việt đang dần thay thế các vị trí CEO tập đoàn ngoại |
Ông Phạm Phú Ngọc Trai được biết đến là Chủ tịch kiêm TGĐ PepsiCo Đông Nam Á. Ông là người Việt đầu tiên chức vụ lãnh đạo khu vực tại một tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới. Trong hơn 20 năm làm việc với PepsiCo, ông Trai đã có 4 lần liên tiếp đưa PepsiCo Việt Nam giành giải thưởng cao quý nhất của hệ thống PepsiCo toàn cầu.
Ông Trai sau đó đã thành lập Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (Global Integration Business Consultants - GIBC) để tiếp tục giấc mơ đào tạo đội ngũ kế thừa người Việt.
Ông Thân Trọng Phúc là người có công lớn đưa nhà máy trị giá 1 tỉ USD của Tập đoàn Intel vào Việt Nam. Ông có tới 9 năm làm CEO Intel VN, dài hơn bất cứ CEO Intel nào ở các ngước ngoài Mỹ. Ông Phúc phụ trách lĩnh vực kinh doanh và marketing. Trong 5 năm đầu vào VN, Intel có doanh thu tăng gấp 5 lần, thuộc hàng cao nhất châu Á.
Nhiều gương mặt còn khá trẻ nhưng đã có kinh nghiệm lãnh đạo nhiều năm tại các tập đoàn nước ngoài lớn tại VN.
2015 cũng là năm ghi dấu sự chuyển mình của Microsoft với nhiều công nghệ và giải pháp đột phá. Năm 2012, ông Vũ Minh Trí (1973) được bổ nhiệm là CEO Microsoft Việt Nam. Trước đó, ông Trí đã từng là CEO Sony Ericsson Việt Nam, CEO Yahoo Việt Nam và CEO Qualcomm phụ trách khu vực Đông Dương và Thái Lan. Ông Trí là người góp phần không nhỏ đưa thương hiệu Yahoo! vào Việt Nam.
Sau lớp đàn anh đi trước, nhiều vị trí CEO tại các tập đoàn nước ngoài tiếp tục được trao cho người Việt như trường hợp Trần Đức Trung tại Intel Việt Nam, Thiều Phương Nam ở Qualcomm Đông Dương.
Gần đây, một số vị trí quan trọng tại các tập đoàn nước ngoài cũng đã được các nữ doanh nhân Việt nắm giữ. Giữa năm 2015, bà Nguyễn Phương Anh làm giám đốc tiếp thị cho thị trường Việt Nam, thuộc Google Châu Á Thái Bình Dương, thay thế Sophie Tran giám sát và quản lý những hoạt động tiếp thị của Google trên tất cả sản phẩm cũng như chiến dịch thương hiệu.
Trước đó, bà Nguyễn Mai Phương đã trở thành giám đốc thương hiệu trẻ nhất của Tập đoàn Unilever khi mới ở tuổi 24 sau khi tham gia diễn đàn sáng kiến tài năng lãnh đạo trẻ Hitachi lần thứ 9 tại Indonesia năm 2008.
H. Tú