-Thôn quê bây giờ đã có internet. Nhà nhà đọc mạng cập nhật tin tức không chỉ để hiểu tình hình thế sự mà còn biết về  khoa học nhà nông. Có lẽ giống nhiều gia tộc khác, ngày nay mọi người, mọi nhà đều muốn “ra biển lớn” bằng những con thuyền nỗ lực tự thân.  

Trước một ngày “ông Công ông Táo” về giời, người trong gia tộc chúng tôi từ khắp nơi đổ về tập trung tại nhà thờ Tổ ở Đan Phượng. Những người còn công việc từ Pháp, từ Mỹ không về được, qua facebook gửi lời hỏi thăm, trên hình nhìn thấy cả nước mắt nhớ nhà, hẹn sẽ về trong dịp thanh minh. Còn những cặp vợ chồng trẻ rủ nhau sẽ cùng đi du lịch mấy ngày tết vào Đất Mũi.

Đầu giờ sáng, việc đầu tiên là thăm mồ mả tổ tiên của gia tộc tại nghĩa trang xã với hoa quả, xôi, gà, giò, nem…và tiền vàng âm phủ. Không nhiều như mọi năm, năm nay chỉ “gọi là” cho có “mầu sắc dân gian”. Một người nói đùa: Vừa là “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” vừa để cái nghề vàng mã còn tồn tại. Cũng như nghề trồng hoa, nếu giản đơn tiết kiệm in ít trong mọi dịp vui buồn thì các làng hoa tan nát mất à?

Gần trăm người, trong đó không ít người đã chu du Tây, Tàu đủ cả mà vẫn coi viếng mồ mả tổ tiên là việc quan trọng nhất của năm.

{keywords}
Mâm cỗ cúng ông Táo của một gia đình Hà Nội. Ảnh: Hạnh Thúy

Nhìn quanh, khắp nghĩa trang, hầu như ngôi mộ nào cũng có người làm cỏ, thắp hương, khấn vái… Một bà, bên mộ hàng xóm, từ Canada về còn bảo: Xa mấy cũng phải về, khổ mấy cũng phải nhớ, giàu sang đến đâu mà cuối năm không làm những việc này thì làm gì, tiền của có đấy mà lo ngay ngáy. Không chỉ là thỏa nguyện tâm linh, đây còn  là dịp để họ tộc, anh em, họ hàng, làng nước gặp nhau. Bản sắc văn hóa Á đông chính là ở điều này, chứ đâu xa nữa- bà nói.

Xong việc ngoài nghĩa trang chúng tôi kéo nhau về nhà thờ Tổ. Từ ngày kinh tế cả nước khá lên, những gia tộc lớn xây nhà thờ Tổ như nhà tôi nhiều lắm. Bên chén trà chờ bữa cơm cuối năm, câu chuyện đầu tiên của chúng tôi xoay quanh chủ đề “là con dân đất Việt nên làm gì trong tình hình mới”.

“Tình hình mới” rất nhiều…vấn đề. Nào chuyện tranh chấp tại biển Đông khiến Philippines đưa ra tòa trọng tài của Liên Hiệp Quốc kiện Trung Quốc, nào là giàn khoan Hải Dương 981 thăm dò rồi rút đi ở biển Việt Nam, nào là Trung Quốc mở rộng đảo đá…

Không như ngày xưa, cuối năm gặp gỡ, sau viếng mộ chỉ quanh quẩn mấy chuyện cỗ bàn, cưới gả, dựng nhà, tậu trâu. Bây giờ gặp nhau, người nhỏ tuổi trong dòng họ cũng góp ý kiến quanh câu chuyện chủ quyền. Ai cũng góp ý kiến. Mỗi ý kiến được ông trưởng tộc ghi lại.

Câu chuyện tiếp theo là cách làm giàu. Ông con thứ của ba mẹ tôi nói về tiến trình phát triển của một mẫu rau sạch mà ông đầu tư. Ông rể thứ nói về cây Thạch hộc tía. Loại lan đất có tác dụng giải độc cực mạnh. Ông bảo đã thu hoạch một vụ, giá tới ba triệu đồng một cân lá tươi.

Ăn cơm xong, chúng tôi ra thăm khu vườn rộng có mái che, với những nhà nông đang miệt mài, chăm chút từng hộc đất.

Đây là loại cây hứa hẹn mang lại no ấm, thậm chí giàu có cho người nông dân, (do nguyên phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn khởi lên kế hoạch và hy vọng là kỳ tích của nông nghiệp). Gia tộc chúng tôi không ít người bôn ba khắp nơi, cũng không ít người vẫn giữ đất làm nông nghiệp. Khoai, bắp, bưởi, táo là loại hợp đất vẫn trồng duy trì. Rau sạch đang được chuộng, giá cao thì đầu tư mới. Kể cả hoa hồng, hoa cúc, hoa đào cũng có nhà thử nghiệm…

{keywords}
Ảnh: Tuấn Kiệt

Thôn quê bây giờ cũng có internet, điện thoại di động, mạng 3G. Nhà nhà đọc mạng, nghe đài, xem tivi cập nhật tin tức trong và ngoài nước không chỉ để hiểu tình hình thế sự mà còn biết về  khoa học nhà nông. Có lẽ giống nhiều gia tộc khác, ngày nay mọi người, mọi nhà đều muốn “ra biển lớn” bằng những con thuyền nỗ lực tự thân.  

Cuối cùng mới là câu chuyện ẩm thực, thời trang… lan man đến chuyện đám cưới của đứa cháu nội sắp tới. Những người sống lâu ở Tây về thì  phản đối chuyện ở Việt Nam, nhà đám làm hàng trăm mâm cỗ, thừa thãi ê hề, rồi người đến ăn méo mặt vì góp phong bì, nhà đám thì khổ vì các khoản tiêu tốn kém. Cô dâu chú rể không còn đủ sức lực thời gian để tận hưởng hạnh phúc đêm tân hôn. Những người còn lại hầu hết hưởng ứng ý kiến, vẫn làm đám cưới, nhưng trên thiếp mời ghi rõ số điện thoại để liên hệ lại, cỗ bàn cho chuẩn, không thừa thiếu... Cưới xong, cô dâu chú rể đi hưởng ngay tuần trăng mật.

Ngày xuân, chuyện xưa - nay, mới-cũ, hủ tục hay đổi mới, luôn là chuyện hấp dẫn của mọi nhà. Cũng chính là câu chuyện của tiếp biến văn hóa. Giống như câu chuyện gìn giữ các di sản văn hóa của UNESCO, cái gì đặc sắc luôn được chú trọng bảo tồn nhưng con người vẫn phải tiến về phía trước, bảo tồn để phát huy. Phát huy rồi thời gian sẽ thanh lọc để làm giàu lên cái vốn văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi gia đình và từng cá nhân.

Trần Thị Trường