Người Hoa cũng ăn Tết năm mới như người Việt nên ngày Tết ở khu chợ này thường bày bán đủ loại thực phẩm, hàng hóa, nhất là những món đồ đặc biệt “cả năm dùng một lần” dành riêng cho những ngày Tết và chỉ có thể tìm mua được ở đây.
Nhiều người Việt đến khu chợ này để tìm không khí Tết và mua những món đồ trang trí nhà cửa. |
Nằm ngay gần trung tâm thành phố Jakarta và ở giữa khu phố cổ Kota Tua, khu chợ người Hoa là một trong những bến đỗ của xe buýt Transjakart tuyến Blok M-Kota nối từ phía Nam đến trung tâm. Khu chợ được bắt đầu bằng một tòa nhà khá bề thế với khu vực đỗ xe riêng và khu buôn bán riêng, bên trong gồm 4 tầng bố trí các gian hàng. Tuy nhiên, nơi đông vui tấp nập hơn cả lại là dọc con đường dẫn vào khu bán thực phẩm.
Ngược dòng lịch sử, người Trung Quốc nhập cư đến Indonesia hầu như đều thuộc các nhóm người Hoa tại Phúc Kiến và Quảng Đông, là các tỉnh vốn nổi tiếng bởi tính đa dạng khu vực. Nhóm người Hoa đầu tiên định cư với số lượng lớn tại Indonesia có nguồn gốc từ phía Nam tỉnh Phúc Kiến và chiếm đa số trong các nhóm di dân cho đến giữa thế kỷ 19. Họ cũng mang theo văn hóa thương thuyền hàng hải để bắt đầu buôn bán và ổn định cuộc sống lâu dài tại Indonesia.
Có lẽ, cộng đồng người Hoa cư trú tại khu vực Kota Tua này ở Jakarta bắt nguồn từ khi đó và khu chợ cũng được hình thành như một tất yếu của đời sống. Hầu hết những người tìm đến chợ là người Hoa và người Indonesia gốc Hoa, nên tại khu chợ này cũng có thể dùng tiếng Trung để trao đổi mua bán.
Những ngày gần Tết, nhiều kiot bán hàng được dựng thêm dọc đường vào chợ. |
Theo quan niệm của người Hoa, màu đỏ và màu vàng tượng trưng cho sự may mắn nên hầu hết hàng hóa được bày bán ở đây đều mang hai sắc màu đó. Sắc đỏ chủ đạo của hàng hóa tràn ngập con đường, từ những phong bao mừng tuổi, đồ trang trí nhà cửa, bàn thờ hay trang phục cho ngày Tết đều chủ yếu mang một màu đỏ rực kết hợp với màu vàng nổi bật.
Những ngày chợ Tết, dòng người xe tấp nập suốt dọc đường và cảnh ùn tắc tất nhiên là khó tránh khỏi. Dòng người tấp nập vào ra chợ, mua bán, chuyển hàng hóa… không khác mấy so với cảnh chợ Tết ở Việt Nam.
Chị Nguyễn Tú Phương, một người Việt tại Jakarta cho biết: “Tôi sống ở đây được 3 năm rồi, năm nào tôi cũng đi chợ này vào dịp Tết dù tôi sống ở phía Nam thành phố và khá xa khu vực này. Nhưng muốn có không khí Tết thì phải đến đây. Chợ này không khác mấy ở Việt Nam, mọi thứ như đồ tươi, hoa, quần áo... tất nhiên là rất đắt so với ở Việt Nam”.
Dịp Tết Nguyên đán cũng là dịp làm ăn bận rộn của những người buôn bán ở đây, nhiều quầy hàng đã được dựng lên và cho thuê trong dịp cao điểm này.
Khu vực bán thực phẩm bên trong chợ. |
Anh Irpan Husaeni, người Indonesia, chủ một gian hàng đã 3 năm thuê ở đây để bán hàng vào dịp Tết, cho biết giá thuê cửa hàng 1 tháng Tết năm nay là 5 triệu rupiah (tương đương khoảng 9-10 triệu VND). Thời gian này rất đông khách nên mỗi ngày cửa hàng của anh thường bán được khoảng 2-3 triệu rupiah tiền hàng, ngày cuối tuần thì có thể được 5 - 6 triệu rupiah. Hàng hoá bày bán ở đây chủ yếu được nhập từ Trung Quốc.
Ở khu chợ này có thể tìm mua được nhiều thứ nguyên liệu và gia vị cho các món ăn Việt Nam như hoa hồi, quế, măng tươi… Đây cũng là nơi thịt lợn được bày bán trên các sạp nhiều nhất ở đất nước Hồi giáo Indonesia.
Trong dịp Tết Nguyên đán, rất nhiều người Việt tại Jakarta đã đến khu chợ này để mong tìm được chút không khí gần giống với không khí Tết tại quê nhà và tìm mua những thực phẩm hay những món đồ trang trí nhà cửa trong ngày Tết của gia đình.
Theo Baotintuc