Ý kiến của độc giả Tony Hoàng trên VnE, rằng mỗi năm sẽ có một ngày riêng gọi là - "Ngày trả nợ" được nhiều người ủng hộ:
Người Việt chúng ta vốn sống cuộc sống nặng về tình cảm, các nguyên tắc ứng xử xã hội còn phức tạp và chưa thống nhất. Vì thế mà trong đời sống hàng ngày, trong các mối quan hệ người - người, vẫn còn rất nhiều phát sinh, dẫn đến mâu thuẫn xung đột. Nhiều câu chuyện cho bạn bè, người thân vay, sau đó biến thành nợ khó đòi xảy ra như... cơm bữa.
Người cho vay thường cũng vì tin tưởng sẽ được trả nợ, cho vay còn là vì quý mến mà chia sẻ, giúp đỡ. Thế nhưng, như kinh nghiệm cuộc sống cho thấy, cho vay rồi thì hoặc mất tiền, hoặc mất tình cảm, hoặc mất cả hai.
Khi chủ nợ muốn lấy lại tiền mà con nợ chưa thể hoặc chưa muốn trả tiền, tình cảnh rất bế tắc. Không xét đến những trường hợp cho vay nặng lãi hay có tính toán lợi ích, thông thường chủ nợ cũng chẳng phải là dư dả hay xem rẻ đồng tiền khi "dễ dãi" cho người khác vay.
Cái đau khổ là khi bạn cần mình thì mình hết lòng giúp bạn. Nhưng tới lượt mình khó khăn, muốn lấy lại số tiền để chi dùng thì lại không được trả.
Cuộc vay trả thường rất bất công, uất ức. Đã vậy, cách cư xử của nhiều người vay rất kém. Nhiều người đã không trả nợ đúng hạn lại còn im lặng như muốn lờ đi, tệ hơn là trốn tránh. Họ viện hết lý do này đến lý do nọ để không phải trả lại tiền.
Thậm chí thời gian dài, họ còn không có ý thức gom góp tiền để gửi lại gọi là an ủi ân nhân của mình. Chủ nợ tốt thì không đành lòng thúc ép nhưng trong ruột cũng nóng như lửa, tinh thần rất ức chế.
Chủ nợ cứng tay thì đe nạt, giục giã... rồi tình cảm hai bên cũng sứt mẻ. Thật là khi động đến quyền lợi, tiền bạc thì những cái xấu của con người lộ ra.
Tôi thấy chúng ta nên cùng nhau chọn một ngày nào đó trong năm để nhắc nhở những người đang vay nợ hãy nhớ đến nghĩa vụ trả nợ của mình cho đúng với lương tâm. Hay gọi nôm na là một Ngày - Trả - Nợ để những người đang nợ nên thu xếp công việc, tài chính trả cho "khổ chủ".
Chúng ta chẳng phải rất hồ hởi với bao nhiêu thứ lễ lạt xa lạ của nước ngoài đó sao? Vậy mà những ngày có ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống thì lại còn thiếu vắng lắm. Đồng thời, cộng đồng cũng nên nhắc nhở nhau nhiều hơn về việc ứng xử trong câu chuyện đi vay và cho vay này. Ít nhất là như vậy. Đó là một kỹ năng, một đạo lý, một văn hóa cơ bản trong cuộc sống nhân văn.
Theo VNExpess