Ông Rohit Dadwal, Giám đốc Hiệp hội Tiếp thị Di động Châu Á Thái Bình Dương cho biết: Big data đã trở thành một từ thông dụng phổ biến với các nhà tiếp thị vào giữa những năm 2000. Tuy nhiên, một điều quan trọng đã thay đổi là số lượng dữ liệu. Các nhà tiếp thị hiện nắm giữ một lượng dữ liệu khổng lồ và dự báo đến năm 2025 sẽ có hơn 150 nghìn tỷ gigabyte dữ liệu cần phân tích. Trước đây, loại dữ liệu người dùng mà các nhà tiếp thị thu thập được đến từ các giao dịch bán hàng, email trực tiếp và coupon giảm giá.

Giờ đây, phần lớn dữ liệu đều thu được online, chẳng hạn như mua hàng trực tuyến, tỷ lệ nhấp chuột, hành vi search (tìm kiếm), thói quen dùng mạng xã hội và vị trí địa lý. Các doanh nghiệp sử dụng big data để quan sát hành vi của khách hàng, các mô hình và xu hướng liên quan. Bằng những tìm hiểu về hành vi của người dùng mà các doanh nghiệp thực hiện các chiến lược giữ chân khách hàng. 

“Theo báo cáo hệ sinh thái di động Việt Nam của Hiệp hội Tiếp thị Di động (MMA) và GroupM thực hiện, thị trường Việt Nam đang đi từ ưu tiên về di động sang ưu tiên về smartphone. Vì người tiêu dùng sử dụng smartphone của họ cho nhiều hoạt động như mua sắm, chơi game và phát video trực tuyến, tôi nhận thấy có nhiều cơ hội cho các nhà tiếp thị để tận dụng dữ liệu từ các kênh này và tiếp cận với người dùng smartphone cả nước”, ông Rohit Dadwal nhấn mạnh.

Giám đốc Hiệp hội Tiếp thị Di động Châu Á Thái Bình Dương cũng chia sẻ rằng: để giúp các nhà tiếp thị vượt qua những hạn chế về chia sẻ dữ liệu, MMA đã đưa ra danh sách bao quát đầu tiên các chính sách chia sẻ dữ liệu cho nhiều nền tảng truyền thông kỹ thuật số/di động lớn nhất. Đồng thời, MMA đã phát hành “MTA (Multi-Touch Attribution Solutions) Data Strategy Guide" hướng dẫn giúp tìm hiểu về các loại tài sản dạng data, những hệ thống có liên quan và quy trình lập kế hoạch data MTA.

Trả lời câu hỏi làm sao khai thác dữ liệu hiệu quả cho các chiến dịch tiếp thị nhưng vẫn đảm bảo quyền riêng tư của người dùng, ông Rohit Dadwal cho rằng: các công ty tiếp thị nên tiếp cận vấn đề một cách có ý thức, tăng tính minh bạch và đảm bảo rằng việc sử dụng thông tin nhạy cảm được kiểm soát. Những người thu thập dữ liệu nhạy cảm như theo dõi vị trí nên chia sẻ thẳng thắn với người tiêu dùng bằng cách truyền đạt rõ ràng những gì đang được thu thập, khi nào và cho mục đích gì. Đặc biệt, họ có thể áp dụng các biện pháp bảo vệ dữ liệu, chẳng hạn như kiểm soát quyền truy cập dữ liệu sau khi nó được thu thập hoặc ẩn danh. Điều này bao gồm xử lý dữ liệu đã thu thập bằng cách nào mà nó không thể dẫn đến một trường dữ liệu cụ thể nếu không có thêm thông tin.

“Các công nghệ như AI và tiếp thị bằng video có thể hỗ trợ các chiến lược tiếp thị. Nhưng tôi khuyên các nhà tiếp thị nên thực tế và thử nghiệm ở quy mô nhỏ trước khi tung ra. Tuy công nghệ như AI cung cấp các khả năng phân tích cấp cao, các nhà tiếp thị cần sử dụng một cách khôn ngoan, tránh phụ thuộc quá nhiều vào các công nghệ mới nổi như vậy. Ví dụ, không nên sử dụng AI để phân tích lượng dữ liệu khổng lồ mà không ảnh hưởng gì đến đối tượng mục tiêu và các hoạt động tiếp thị, hoặc tệ hơn là không liên quan đến kinh doanh”, ông Rohit Dadwal nói.