Mỗi năm vào dịp đầu tháng 11, người tiêu dùng thường bàn tán về hàng loạt dịp mua sắm, giảm giá từ những trang thương mại điện tử lớn trên thế giới. Cuối tuần này, mùa mua sắm cuối năm mở đầu với sự kiện giảm giá Ngày độc thân (11/11) tại Trung Quốc. Ngoài các mặt hàng gia dụng, sản phẩm công nghệ như smartphone, máy tính, phụ kiện điện tử... cũng giảm giá mạnh.
Ngày hội mua sắm lớn nhất thế giới
Black Friday, ngày thứ Sáu đầu tiên sau lễ Tạ ơn là dịp mua sắm lớn nhất của Mỹ. Amazon và nhiều nhà bán lẻ khác đã thành công khi mang ngày lễ mua sắm này lên mạng. Tuy nhiên nếu so sánh về quy mô, Black Friday còn thua kém xa so với Single Day (Ngày độc thân) của Trung Quốc.
Năm 2017, tổng doanh thu từ các trang bán lẻ trực tuyến tại Mỹ trong hai dịp là Black Friday và Cyber Monday đạt khoảng 4 tỷ USD. Nếu cộng thêm Prime Day, ngày hội mua sắm riêng của Amazon, con số này đạt gần 7 tỷ USD.
Trong khi đó, doanh thu của riêng Alibaba trong Ngày độc thân năm 2017 lên tới 25 tỷ USD. Nếu tính toàn bộ thị trường Trung Quốc, con số là trên 38 tỷ USD.
Ngày độc thân 11/11 là một dịp lễ không chính thức tại Trung Quốc, bắt đầu từ năm 1993. 4 số 1 đứng cạnh nhau biểu tượng cho những người cô đơn, không có người yêu. Năm 2009, tỷ phú Jack Ma đưa ra ý tưởng về một ngày lễ mua sắm của riêng Trung Quốc có thể cạnh tranh về quy mô với Black Friday, và ông đã chọn ngày 11/11.
Mặc dù ban đầu hướng tới những người độc thân, ngày mua sắm 11/11 nhanh chóng trở thành một dịp để mọi người tìm cho mình những món đồ giá hời. Sau khi Alibaba khởi xướng, nhiều nhà bán lẻ khác cũng tham gia dịp lễ này, đưa ra rất nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi cho người mua.
Doanh thu của Alibaba trong ngày 11/11 đã tăng chóng mặt chỉ trong 9 năm qua. Năm 2009, công ty này thu về vỏn vẹn 100 triệu USD nhưng con số này đã tăng lên 25 tỷ USD vào năm ngoái. Năm nay, chỉ trong 12 giờ đầu tiên họ đã thu về 21 tỷ USD.
Ngày mua sắm giá hời của người Việt
Ngay từ đầu, tầm nhìn của Alibaba đã không dừng lại ở thị trường Trung Quốc. Công ty này đã thiết lập hệ thống nhiều trang mua sắm bằng tiếng Anh, nhắm đến người nước ngoài như AliExpress. Alibaba còn sở hữu Lazada, một sàn giao dịch điện tử hoạt động ở rất nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên không cần đến những trang web tiếng Anh, người Việt Nam vốn có thể mua hàng dễ dàng trực tiếp từ Alibaba và những trang web mua sắm khác của Trung Quốc. Dạo một vòng quanh các group mua sắm và chia sẻ kinh nghiệm mua hàng online, có thể dễ dàng tìm được những “shipper” nhận mua hàng hộ từ Trung Quốc.
Do có biên giới với Việt Nam, hàng hoá từ Trung Quốc về Việt Nam rất nhanh, thông thường chỉ mất khoảng 1 tuần từ khi đặt hàng là bạn đã có thể nhận hàng tại nhà. Mức phí vận chuyển các món đồ cũng rất rẻ, có khi chưa đến 100.000 đồng cho mỗi món.
Một số dịch vụ hiện tại đã mở rộng tới mức ‘tự động hoá’. Người mua không cần phải chat hay nhắn tin với một nhân viên để hỏi giá vận chuyển, mà chỉ cần cài một tiện ích (extension) trên trình duyệt Chrome. Khi truy cập trang sản phẩm trên Tmall (trang bán lẻ của Alibaba), tiện ích này sẽ hiển thị giá sản phẩm bằng VNĐ, bao gồm cả tiền vận chuyển về đến Việt Nam.
Mua sắm thuận lợi như vậy nên rất nhiều người Việt háo hức chờ đợi ngày 11/11 để tìm mua những sản phẩm giá hời.
Trên trang thương mại điện tử Tmall, nhiều thương hiệu có trang riêng để người mua tiện tìm kiếm. Dạo một vòng qua các ưu đãi, có thể bắt gặp một chiếc laptop Asus với cấu hình mạnh, CPU Core i7 có giá gần 17 triệu, hay smartphone giảm đến vài triệu so với giá niêm yết.
Mặt hàng phụ kiện cho smartphone, máy tính hay smarthome trên trang web này cũng rất phong phú, có đủ các thương hiệu nổi tiếng. Nhiều mặt hàng có giá sốc, giảm tới hơn 1 nửa so với giá thông thường nhưng chỉ bán số lượng rất ít. Dù vậy, với mức giá giảm thông thường thêm cả phí vận chuyển về Việt Nam, giá sản phẩm vẫn ở mức tốt.
Anh Tuấn Hưng, hiện làm việc tại Hà Nội cho hay hàng năm anh vẫn thường đặt mua cả chục sản phẩm công nghệ cho cả bản thân và bạn bè. Anh cho biết bạn bè thường nhắm sẵn những sản phẩm muốn mua, đồng thời khảo giá từ các trang web trước ngày 11/11 để nhờ mình mua hàng. Các mặt hàng được quan tâm thường là đồ điện tử, đồ gia dụng thông minh chưa bán chính thức ở Việt Nam.
Nói với Zing.vn, anh Thành Công, một người chuyên đặt mua hàng từ Trung Quốc đang sống ở Hà Nội, cho biết mấy ngày qua anh bận đến mức không thể thống kê nổi đã đặt mua bao nhiêu đơn hàng. Anh Công cũng cho biết chủ yếu các đơn hàng anh đã đặt là mặt hàng giày dép.
Các trang web mua sắm trong nước hoà cùng cuộc chơi
Năm nay, các hệ thống bán lẻ trực tuyến trong nước đã bắt kịp trào lưu khi đưa ra nhiều chương trình mua sắm lớn trong ngày 11/11. Phần lớn trang web mua sắm lớn đều triển khai những chương trình khuyến mãi, bán giá tốt trong ngày hôm nay. Những mặt hàng giảm giá rất đa dạng, bao gồm cả sản phẩm công nghệ, đồ gia dụng, sách…
Chẳng hạn, một mẫu ổ cứng SSD gắn rời 500 GB của Samsung có giá ngày thường tầm 5 triệu đồng, nay chỉ còn 3,3 triệu đồng. Nhiều mẫu smartphone tầm trung giảm 500.000 đồng - 1,5 triệu đồng. Những mặt hàng gia dụng cũng có mức giảm giá mạnh, ví dụ như tủ lạnh 208L có giá 4,6 triệu đồng, hay máy giặt có chức năng AddWash giá chỉ 11,2 triệu. Đồ công nghệ còn được liệt kê theo thương hiệu để người dùng dễ dàng tìm kiếm.
Ngày mua sắm cũng là dịp các chủ cửa hàng, đơn vị kinh doanh trên mạng đẩy mạnh số lượng bán. Chị H.Thu, kinh doanh mỹ phẩm cho biết gian hàng của chị hôm nay trên Shopee bán rất tốt, tăng 5,6 lần so với ngày thường dù chưa hết ngày.
Chị cho biết sàn thương mại điện tử này đã chạy các chương trình từ đầu tháng, và ngày giảm giá cho mỹ phẩm đầu tuần này doanh thu của gian hàng cũng rất cao. Chồng chị làm tại một hệ thống bán lẻ thiết bị máy tính cho biết đến chiều đã bán được tới hàng trăm đơn hàng online.
Trong số hàng ngàn sản phẩm được đăng tải với mức giá tốt, vẫn có nhiều sản phẩm mà người dùng phản ánh là khuyến mãi “ảo”. Anh T.Tùng, ngụ tại TP. HCM, đăng lên trang cá nhân về một sản phẩm đồ gia dụng giảm giá 20 triệu, nhưng hết hàng chỉ sau… 5 giây mở bán. Nhiều người bạn của anh cũng bình luận các ưu đãi này khó tin, canh khuyến mãi chỉ mất thời gian.
Từ năm 2014, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số của Bộ Công Thương đã tổ chức ngày mua sắm trực tuyến thường niên Online Friday. Tuy có sự tham gia của nhiều đơn vị, nhà bán lẻ nổi tiếng, sức hút của Online Friday có phần thua kém so với các chương trình do những trang thương mại điện tử tự tổ chức.
Năm 2016, sau những phản ánh về các chương trình khuyến mãi “ảo”, tự tăng giá trước khi giảm giá, Bộ Công Thương đã có hành động chấn chỉnh các đơn vị tham gia Online Friday. Ban tổ chức cho biết đã loại hơn 40.000 trong tổng số 280.000 sản phẩm đăng ký tham gia Online Friday năm 2016 vì được báo giá cao hơn thường ngày, không thể đưa vào chương trình khuyến mãi.
Theo Zing