Thị trường các thiết bị đeo thông minh (wearable) đang bùng nổ mạnh mẽ thời gian gần đây. Thiết bị đeo thông minh hiểu đơn giản là các món đồ phụ kiện công nghệ đeo trên người như đồng hồ, nhẫn, vòng tay, kính thông minh, hoặc các thiết bị được gắn lên quần áo...
Theo số liệu của Hãng nghiên cứu Gartner, chi tiêu của người dùng toàn cầu cho các thiết bị đeo thông minh đạt 81,5 tỷ USD trong năm 2021. Quy mô của thị trường này đã gia tăng liên tục kể từ năm 2019. Tuy nhiên, đến năm 2022, thị trường thiết bị đeo thông minh trên toàn cầu đã lần đầu chứng kiến sự sụt giảm do những khó khăn chung về kinh tế.
Bên lề sự kiện ra mắt mẫu đồng hồ Approach S70 được tổ chức sáng 28/6, trả lời câu hỏi của PV VietNamNet về xu hướng phát triển thị trường thiết bị đeo thông minh, ông Đào Công Thành, Giám đốc Kinh doanh Garmin Việt Nam cho hay, trong 2 quý đầu năm nay, nhu cầu về các thiết bị điện tử, di động của người dùng Việt Nam đang chững lại.
“Tuy nhiên, ở mảng thiết bị đeo, các báo cáo vẫn ghi nhận sự tăng trưởng. Dữ liệu của IDC cho thấy, tốc độ tăng trưởng hàng năm của thị trường thiết bị đeo thông minh tại Việt Nam đạt khoảng 30%”, ông Thành nói.
Theo vị chuyên gia này, phân khúc thiết bị đeo thông minh được người Việt Nam ưa chuộng nhất chủ yếu nằm trong tầm giá từ 5-10 triệu đồng. Trong đó, đáng chú ý là xu hướng dịch chuyển từ thói quen sử dụng đồng hồ truyền thống sang smartwatch (đồng hồ thông minh).
Với các thiết bị đeo thông minh, trên thị trường đang tồn tại 3 nhóm nhu cầu sử dụng chính. Đầu tiên là những người cần một thiết bị cung cấp khả năng theo dõi về sức khỏe, ví dụ như đo nhịp tim, đếm bước chân, đo nồng độ oxy trong máu,...
Nhóm người dùng thứ 2 quan tâm tới các tính năng liên quan đến những bộ môn thể thao như chạy, xe đạp, bơi lội, đánh golf... Với nhóm thứ 3, họ muốn sở hữu thiết bị đeo có các tính năng thông minh như nghe, gọi, nhắn tin, thanh toán không tiếp xúc...
Trao đổi với PV VietNamNet, đại diện Garmin cho biết, ở Việt Nam, người dùng các thiết bị đeo thông minh chủ yếu quan tâm tới khả năng theo dõi sức khỏe và những tính năng thông minh của sản phẩm. Tuy vậy, dù chiếm số lượng ít hơn, nhu cầu đối với các thiết bị có tính năng hỗ trợ tập luyện thể thao đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh qua từng năm.
“Nhiều vận động viên và những người chơi nghiệp dư có sự quan tâm nghiêm túc đến thể thao. Họ có xu hướng sử dụng các thiết bị đeo thông minh để phục vụ cho việc tập luyện của mình”, Giám đốc Kinh doanh Garmin Việt Nam chia sẻ.
Trong đại dịch Covid-19, người dùng quan tâm nhiều hơn tới các thiết bị đeo thông minh phục vụ cho việc tập luyện tại nhà. Khi dịch Covid-19 qua đi, họ đang có xu hướng chuyển dịch sang các thiết bị phù hợp với những hoạt động thể thao ngoài trời.
Khi được PV VietNamNet đề nghị đưa ra dự đoán về sự phát triển của thị trường Việt Nam, ông Đào Công Thành cho rằng, trong con mắt của các nhà sản xuất thiết bị đeo thông minh trên thế giới, Việt Nam được đánh giá là một thị trường giàu tiềm năng.
So với các nước khác trong khu vực, mảng thị trường thiết bị đeo thông minh tại Việt Nam chỉ mới phát triển vài năm gần đây. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng qua mỗi năm của thị trường Việt Nam hiện tốt hơn so với mặt bằng chung của các nước Đông Nam Á. Theo ông Thành, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, thị trường thiết bị đeo sẽ có xu hướng đi lên kể từ Quý 4 năm nay.