Muốn biết giá Zara Việt Nam có rẻ và hàng đúng "chuẩn mùa" người dùng Việt nên đợi vài tháng nữa, đến mùa sale lớn nhất của hãng này vào thời điểm sau Noel.

Một trong những điểm cộng của Zara ở Việt Nam đó chính là giá. Mức giá 8-100 USD/sản phẩm (khoảng 180.000 - 2.200.000 đồng), khá hợp lý với mức thu nhập trung bình của người Việt Nam.

Thậm chí, có nhiều mặt hàng còn rẻ hơn so với thương hiệu Việt Nam như Việt Tiến, An Phước hay Mattana (giá trung bình 600.000 -1.600.000 đồng).

Chẳng có nhà sản xuất nào tự nhiên giảm giá

Ông Bùi Văn Tiến, Tổng giám đốc Công ty May Việt Tiến "nhắc nhỏ" người tiêu dùng cẩn trọng với lựa chọn, kẻo mua hàng tồn kho của Zara. Cần tránh tâm lý cứ thấy rẻ là mua, trong khi chưa chắc hàng Zara đã tốt hơn hàng Việt.

"Chẳng có nhà sản xuất nào tự nhiên giảm giá. Tất cả đều nằm trong tính toán, xử lý hàng tồn của họ", ông Tiến nói. Ông Tiến cho rằng cũng có thể hàng Zara đang bán tại Việt Nam là hàng hè tồn kho từ Mỹ, Tây Ban Nha vận chuyển về.

"Hàng tồn họ mang sang Việt Nam bán với giá rẻ hơn. Ví dụ sản phẩm mới giá bán là 100 USD ở Mỹ thì nay về Việt Nam bán 20 USD, vẫn lời", ông Tiến nói thêm.

{keywords}

Để mua được hàng thời trang rẻ, chất lượng, người dùng Việt cần phải hiểu đúng giá trị sản phẩm.

Chị Thảo, một đầu mối kinh doanh hàng xách tay, cho rằng thời điểm này tại Mỹ và Tây Ban Nha đã hết mùa sale nên các đầu mối chuyên nhận đặt hàng online vắng khách là điều bình thường.

Còn khách Việt xếp hàng, chen mua tại cửa hàng Việt Nam cũng không khó lý giải. Một phần do hàng sale hết mùa, nhưng lý do chính là thương hiệu này lần đầu tiên có cửa hàng tại Việt Nam.

Theo đầu mối này, khách mua hàng của Zara thường chia làm hai dạng chính. Thứ nhất là người có tiền, thích tận tay mua thì đến trực tiếp cửa hàng. Nhóm thứ 2 hiểu "quy luật" của thương hiệu thường vẫn chờ sale bên Mỹ và Tây Ban Nha để mua. Vào đúng mùa giảm giá, nhiều sản phẩm có mức giảm đến 70%.

Thực tế, nhiều khách hàng tại TP.HCM những ngày qua đến store của Zara với mục đích tận tay chạm vào sản phẩm xem mẫu mã, chất vải, sau đó về chờ... sale .

Chị Ngọc ở Thủ Đức cho rằng nhiều mẫu áo khoác có chất vải bình thường nhưng giá trên dưới 1 triệu đồng là quá đắt. Có nhiều năm kinh doanh hàng xách tay, chị ví dụ thương hiệu Mango đã có cửa hàng tại Việt Nam lâu nay nhưng phần nhiều khách vẫn đặt mua Mango Mỹ.

Lý do là tại Mỹ mẫu mã được update nhanh hơn, nhiều hơn, lại thường xuyên sale. Giá hàng sale sau khi về đến Việt Nam đa phần rẻ hơn giá bán tại các cửa hàng sau khi đã trừ chi phí order, thời gian đặt hàng cũng chỉ khoảng 3 tuần. Nhiều mẫu thu đông thường có ở nước ngoài nhưng các cửa hàng Việt Nam rất hiếm.

Tháng trước, chị vừa mua tặng bạn một chiếc quần jean tại cửa hàng ở TP.HCM đã sale có giá 1.299.000 đồng, trong khi cùng thời điểm này, giá sản phẩm cùng loại, cùng mẫu chị đặt cho khách ở Mỹ chỉ 699.000 đồng.

Anh N.Tuấn (một khách hàng ở quận 3, TP.HCM) cho rằng các sản phẩm thời trang này đắt tiền so với phần đông người Việt Nam. Mức giá 1,5 - 2 triệu đồng một chiếc áo khoác là đắt so với mặt bằng chung hàng cùng phân khúc. Phong cách của Zara cũng chưa thực sự phù hợp với khí hậu Việt Nam, điển hình là TP.HCM.

Chị Thảo nhận xét lợi thế của Zara là mẫu phong phú, nhưng khách phải biết mua thì mới chọn được đồ đẹp, giá rẻ. Quần áo nam thường chất lượng tốt còn đồ nữ có nhiều mẫu chất vải rất tệ.

Đồ trẻ em cũng tương tự, quần áo bé trai cũng đẹp hơn bé gái. Riêng túi xách thì khách mua phải cẩn thận vì chất lượng rất... hên xui.

{keywords}

Vừa đến Việt Nam, Zara nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới tín đồ hàng hiệu.

"Chưa nên đánh giá Zara tại Việt Nam rẻ vội, cần đợi đợt sale lớn nhất năm của hãng sau dịp Noel. Vào dịp này, nhiều sản phẩm có giá 129 USD chỉ còn 29,99 USD. Nếu tại Việt Nam cũng áp dụng giảm giá tương ứng cho cùng sản phẩm thì mới khẳng định được giá rẻ, hàng đúng mốt hay lỗi mùa", chị Thảo nói.

Cơ hội của doanh nghiệp nội

Ngoài Zara, nhãn hàng H&M cũng đang có kế hoạch mở hàng loạt cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam bắt đầu vào năm 2017. Đặc biệt, tới đây với các hiệp định thương mại tự do, cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp ngoại tại Việt Nam nhiều hơn. Doanh nghiệp nội buộc phải nỗ lực hơn để giữ vững và tăng thị phần.

Mặc dù khẳng định đã có phân khúc, số lượng khách hàng nhất định, song bà Nguyễn Thị Điền, Tổng giám đốc Công ty TNHH May Thêu giày An Phước cũng bày tỏ lo lắng khi Zara tấn công thị trường Việt Nam.

Phân khúc khách hàng của An Phước tập trung vào thời trang nam, độ tuổi 35-40. Sản phẩm mang đậm phong cách văn phòng, hơi hướng cổ điển, còn sản phẩm của Zara trẻ trung, phá cách.

Tuy nhiên, theo bà Điền, không thể tránh khỏi sự dịch chuyển của tâm lý khách hàng, bởi Zara là thương hiệu toàn cầu, giá cả phải chăng. Nếu trước đây người Việt muốn mua phải ra nước ngoài hay đặt hàng thì bây giờ đã có tận nơi, người tiêu dùng tất nhiên sẽ có sự so sánh giữa hai dòng sản phẩm trước khi lựa chọn mua hàng.

{keywords}

Những ngày đầu Zara mở cửa tại TP.HCM, khách phải xếp hàng dài để chờ thanh toán.

Ông Bùi Văn Tiến cho rằng để cạnh tranh cần phải có sự cố gắng của bản thân doanh nghiệp và ngoại lực, tức là sự hỗ trợ của Nhà nước. Doanh nghiệp sẽ chuẩn bị tốt nhất có thể, từ nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, gây dựng lòng tin khách hàng lâu dài đến xây dựng quảng bá thương hiệu.

Quan trọng nhất là thực hiện chiến lược chạm vào “lòng tự trọng dân tộc”. “Doanh nghiệp sẽ chuẩn bị tốt nhất có thể, còn đứng vững được hay không thì chưa nói trước được điều gì”, ông Tiến nói.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam, cho hay Zara hay H&M và các thương hiệu khác đổ vào Việt Nam là tín hiệu tích cực. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước, các nhãn hàng, công ty thời trang tự nâng tầm lên để cạnh tranh.

Ông Cẩm phân tích Zara có lợi thế thương hiệu, giá cả phải chăng, mẫu mã đẹp, phong cách đa dạng thì doanh nghiệp Việt Nam cũng có lợi thế là sản xuất tại chỗ, hiểu được tâm lý người tiêu dùng Việt Nam, nắm bắt thị hiếu từng vùng miền hay tuổi tác.

“Mình cũng có lợi thế, họ làm được thì mình cũng làm được. Doanh nghiệp, thương hiệu trong nước phải cố gắng vươn lên, có áp lực mới có cạnh tranh, nếu không có cạnh tranh thì không khá lên được”, ông Cẩm nhấn mạnh.

Theo ông Tiến, để cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại, không thể không cần sự bảo hộ của Nhà nước. "Tiềm lực kinh tế mình không có thì cần vào sự bảo hộ của Nhà nước như bảo hộ xe hơi thôi. Muốn phát triển sản xuất trong nước thì bảo hộ bằng nhiều cách như hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật".

(Theo Zing)