Ông Lê Văn Minh (Thanh Hóa) là cán bộ nhà nước đã về hưu chia sẻ, kể từ khi bảo hiểm thất nghiệp ra đời ông đã tham gia đóng mỗi tháng 1% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Kể từ khi tham gia cho đến khi nghỉ hưu năm 2023, ông Minh chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp lần nào.
Ông Minh cho rằng, vẫn biết bảo hiểm thất nghiệp là chia sẻ rủi ro. Tuy nhiên, người về hưu chưa nhận bảo hiểm thất nghiệp lần nào mà không được chi trả phần tiền đã đóng là chưa đảm bảo nguyên tắc có đóng, có hưởng.
Mới đây, cử tri tỉnh Vĩnh Phúc cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu sửa đổi Luật Việc làm theo hướng người đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng đến khi về hưu hoặc chấm dứt hợp đồng lao động mà chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được thanh toán số tiền cá nhân đã đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo nguyên tắc của bảo hiểm là có đóng, có hưởng.
Về vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, bảo hiểm thất nghiệp là loại hình bảo hiểm ngắn hạn (như bảo hiểm y tế), có tính chia sẻ rủi ro cao giữa người có việc làm với người bị mất việc làm; nhiều người đóng nhưng chỉ có một số ít người mất việc làm mới được hưởng.
Qua đó, nhằm hỗ trợ người lao động duy trì việc làm, đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm và bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi bị mất việc làm.
Hiện nay, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp bình quân tháng là 6 triệu đồng, một người đóng tối thiểu là 12 tháng với số tiền là 1% x 6 triệu đồng x 12 tháng = 720.000 đồng (tương ứng 12%) có thể hưởng các chế độ lên đến khoảng gần 500%.
Để có kinh phí chi cho một người hưởng tối đa các chế độ bảo hiểm thất nghiệp thì phải gần 40 người đóng mới đủ. Thực tế hiện nay, cứ 12 - 14 người đóng bảo hiểm thất nghiệp thì có 1 người hưởng.
Trao đổi với VietNamNet về vấn đề trên, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, nguyên tắc của bảo hiểm thất nghiệp là “có đóng, có hưởng”. Do vậy phải chi trả cho người lao động khi gặp khó khăn. Kể cả với những người đóng BHXH 15 năm về chờ chế độ thì cũng nên chi trả cho người lao động.
Theo ông Lợi, bảo hiểm thất nghiệp là “bà đỡ” cho doanh nghiệp và người lao động khi gặp khó khăn. Do vậy, trong đại dịch Covid 19 Nhà nước đã chi 38.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn.
Tuy nhiên, ông Lợi cũng cho rằng, người lao động không thể đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu vì bảo hiểm thất nghiệp có sự chia sẻ rủi ro như bảo hiểm y tế.
“Trách nhiệm nhà nước phải đảm bảo chi trả cho người lao động, nhưng người lao động cũng không nên chỉ trông chờ vào bảo hiểm thất nghiệp”, ông Lợi nói.