Thông tin từ Sở TT&TT Hà Nội cho hay, vào 19h ngày 11/11/2021, trên Sân vận động quốc gia Mỹ Đình sẽ diễn ra trận đấu bóng đá trong khuôn khổ vòng loại thứ 3 FIFA Word Cup 2022 khu vực châu Á, giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Nhật Bản.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, thực hiện yêu cầu của TP.Hà Nội, sân vận động Mỹ Đình chỉ được phép đón khoảng 12.000 khán giả, tương đương 30% sức chứa.

Đáng chú ý, theo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, các khán giả vào sân vận động quốc gia Mỹ Đình xem trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam với đội tuyển Nhật Bản vào tối mai, ngày 11/11, ngoài việc có vé xem bóng đá, còn phải đảm bảo một số yêu cầu, bao gồm: Mang theo giấy tờ tuỳ thân (Căn cước công dân/Căn cước công dân gắn chip; mã định danh cá nhân có QR de...); Tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19, mũi thứ 2 phải tiêm cách ngày đi xem bóng đá 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng; Có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ; và cài đặt ứng dụng PC-Covid, VNeID để khai báo y tế và quét mã QR địa điểm.

Ngoài ra, người vào sân Mỹ Đình xem trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam với đội tuyển Nhật Bản cần có mặt tại sân trước 2 giờ so với thời điểm bóng lăn để làm thủ tục kiểm tra an ninh và khai báo y tế.

{keywords}
Các điểm quét mã QR ghi nhận vào ra sân Mỹ Đình đã được bố trí ở tất cả các cửa của sân.

Trước đó, như ICTnews đã thông tin, ngày 27/10, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã thông báo việc tổ chức quét mã QR kiểm soát các cổ động viên khi vào sân vận động Mỹ Đình cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam.

Cụ thể, để kiểm soát toàn bộ người vào/ra sân vận động Mỹ Đình xem các trận đấu của đội tuyển Việt Nam trong tháng 11, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã phối hợp với Sở TT&TT Hà Nội và Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid 19 quốc gia tổ chức các điểm quét QR tại tất cả 56 cửa vào ra khán đài của sân. Việc quét QR nhằm hỗ trợ công tác sử dụng công nghệ trong kiểm soát dịch bệnh của Hà Nội.

Cùng với Sổ Sức khỏe điện tử, PC-Covid và VNeID là 2 trong 3 ứng dụng đã được lãnh đạo 3 Bộ Y tế, TT&TT, Công an thống nhất sử dụng phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.

Trong đó, PC-Covid do Ban chỉ đạo quốc gia chỉ đạo xây dựng phục vụ phòng chống dịch Covid-19; VNeID là ứng dụng phục vụ định danh người dân, xác thực người dân do Bộ Công an quản lý và là ứng dụng tồn tại lâu dài để phục vụ xã hội; Sổ Sức khỏe điện tử là ứng dụng quản lý thông tin sức khỏe của người dân, trong đó có dữ liệu về tiêm chủng do Bộ Y tế quản lý. Ba nền tảng này hiện đã liên thông dữ liệu với nhau, xác thực thông tin cho nhau. 

Là 1 trong 3 nền tảng công nghệ được 2 Bộ Y tế, TT&TT khuyến nghị dùng chung thống nhất toàn quốc trong phòng chống dịch, nền tảng khai báo y tế, quản lý thông tin người vào ra địa điểm bằng quét QR Code được nhận định là một giải pháp cốt lõi để duy trì ổn định, an toàn cho trạng thái bình thường mới.

Triển khai nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng mã QR giúp truy vết nhanh; dễ dàng phát hiện ngay danh sách các địa điểm công cộng mà F0 đã đến. Theo thống kê, đến ngày 10/11, toàn quốc có hơn 2,96 điểm đăng ký quét mã QR, với 348.541 điểm ghi nhận hoạt động thường xuyên.       

Số liệu thống kê cũng cho thấy, cũng tính đến ngày 10/11, ứng dụng phòng chống dịch PC-Covid có trên 28,7 triệu người dùng.

Vân Anh

Thống nhất một mã QR dùng chung cho các ứng dụng, nền tảng công nghệ chống dịch

Thống nhất một mã QR dùng chung cho các ứng dụng, nền tảng công nghệ chống dịch

Bộ TT&TT vừa có hướng dẫn kỹ thuật về mã QR cá nhân thống nhất toàn quốc tạo tiền đề quan trọng giúp người dân có thể chọn dùng ứng dụng cung cấp mã QR cá nhân phù hợp để phòng chống dịch Covid-19.