Tôi vốn không thích đám đông, cũng hiếm khi đưa các con đến những nơi công cộng dịp lễ hội. Đi ăn uống, đi chơi, hay cả việc đi khám bệnh cũng muốn tìm một không gian nhẹ nhàng, vắng vẻ. Trong đám đông ồn ào, tôi thấy mình không đủ sức để cười đùa, để chen lấn, hay đơn giản chỉ ngắm một nhành hoa.
Nhưng có những đám đông làm tôi xúc động. Đó là dòng người dài mấy cây số, trật tự, nhẫn nại nhích từng bước một trong cái nắng gắt gao của mùa thu Hà Nội để có thể đến gần nơi đặt linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhìn lên di ảnh vái vọng từ xa rồi vội quay đi nuốt dòng nước mắt. Ai đó từng kêu ca về văn hóa xếp hàng của người Việt Nam. Nhưng nếu chứng kiến những dòng người tự nguyện đợi chờ hàng 7 – 8 tiếng để viếng Đại Tướng suốt cả tuần lễ, kể từ khi ông mất, đến khi đưa ông về cõi vĩnh hằng, thì hẳn người đó sẽ thay đổi quan điểm, hoặc chịu khó tìm hiểu những nguyên nhân sâu xa hơn.
|
Bản thân tôi, vừa xuất viện sau một đợt điều trị dài ngày, cũng hăm hở xếp hàng vào đám đông, di chuyển quãng đường khoảng 2 cây số trong suốt 8 tiếng đồng hồ, để hơn 10 giờ đêm vào được nơi đặt linh cữu Đại tướng ở nhà tang lễ Bộ Quốc phòng. 8 tiếng đồng hồ trong nắng chiều ngột ngạt, vậy mà tôi cùng cô bạn đi cùng không hề thấy khát nước, thấy mỏi chân, hay nhức đầu chóng mặt. 8 tiếng đồng hồ ở giữa những người xa lạ, người từ miền Nam ra, người từ miền núi xuống, vậy mà chuyện trò cứ tâm đầu ý hợp, thấy gắn bó, thấy thân gần như thể họ hàng hay người quen lâu ngày gặp lại. Đó không phải là một điều kì diệu đẹp đẽ sao?
Thời điểm ông Nguyễn Bá Thanh – Trưởng Ban nội chính Trung ương lâm bệnh trọng, những thông tin cập nhật tình trạng sức khỏe của ông trên mạng Internet được truy cập rất nhiều. Nghe tin ông về nước chữa bệnh, hàng ngàn người dân Đà Nẵng đến túc trực ở sân bay, chỉ với mong muốn được nhìn thấy ông, dù thoáng qua. Khi ông mất, bao người lao động đã bỏ dở công việc để tập trung trước cửa nhà ông, nghẹn ngào nói lời chia tay, hoặc phụ giúp gia đình việc ma chay, phúng viếng, đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang quê nhà. Những việc làm ấy nhỏ thôi mà hàm chứa bao điều khó có thể bày tỏ hết thành lời.
Cả tuần nay, người dân ở Hà Nội lại háo hức chờ đợi chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Mỹ Barack Obama. Người ta in ảnh của ông đặt trước cửa hàng cửa hiệu, thay đổi hình đại diện trên mạng xã hội. Người ta chờ đợi ngày ông đến, vào mạng internet nhiều hơn, cập nhật lịch làm việc của Obama, theo dõi những nơi ông dừng chân, bồng bế cả con nhỏ để chờ đợi nhiều giờ ở những điểm mà đoàn xe hộ tống ông Obama đi qua. Người ta để ý từ màu áo ông mặc, dáng đi dứt khoát, nụ cười hồ hởi, cả chi tiết ông tháo nhẫn cưới để bắt tay dân chúng.
Người dân chờ đoàn xe của Tổng thống Mỹ Obama trên đường. Ảnh: Vinh Quang/ VOV |
Rồi chủ quán và những thực khách từng có mặt ở quán bún chả 24 Lê Văn Hưu hẳn vẫn còn bất ngờ và hạnh phúc khi được bắt tay vị nguyên thủ đứng đầu một đất nước lớn nhất hành tinh mà giản dị, thân gần.
Với những đám đông ấy, có thể có yếu tố tò mò, hiếu kì. Nhưng tôi cho rằng điều ấy không thuộc về bản chất. Tôi tôn trọng họ, và cảm nhận ở đó một tình yêu, một niềm nhiệt huyết. Trong cuộc sống bộn bề vất vả, họ vẫn giữ cho mình góc riêng bé nhỏ đơn sơ ấy, góc riêng của tình cảm vô tư trong sáng. Trong dòng người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, viếng ông Nguyễn Bá Thanh, đa phần là những người lao động bình thường. Họ không nhận trực tiếp chút lợi ích vật chất nào, cũng không có mối quan hệ cá nhân ràng buộc.
Với Tổng thống Obama, ông là công dân một đất nước mà mấy chục năm trước quân đội của họ đã đưa hàng chục nghìn tấn bom dội xuống bầu trời và mặt đất miền Bắc. Nhưng người dân vẫn chào đón ông, bởi ông đại diện cho tinh thần hòa hợp, hữu nghị, cùng xây đắp tương lai. Quanh ông Obama có một đội ngũ bảo vệ an ninh dày đặc với hàng siêu xe sang trọng. Nhưng người dân chỉ nhìn thấy nụ cười ấm áp, bước chân sải nhanh nhẹn, cùng những lời phát biểu thân tình mà ý nghĩa từ ông.
Những con người như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Nguyễn Bá Thanh, hay ông Obama có thể khác biệt về tính cách, về trình độ, quan điểm sống. Nhưng điều đó không quan trọng. Con người họ, tư cách của họ, phẩm chất của họ có khả năng thẩm thấu, lan tỏa, truyền cảm hứng. Ở họ thể hiện một tinh thần dân chủ, cởi mở, hướng tới những giá trị gần gũi thiết thực, liên quan trực tiếp tới cuộc sống của mỗi người. Dù giàu hay nghèo thì con người vẫn luôn muốn được bình đẳng, được bày tỏ và được tôn trọng ý kiến cá nhân mình.
Tôi không ở trong số những người chờ đợi ông Obama xuất hiện, cũng không dành mọi thời gian để theo dõi sát các tin tức về ông qua mạng internet, nhưng tôi cảm thấy hình như Hà Nội những ngày này sôi động hơn, ấm áp hơn, thân thiết hơn. Bỏ mặc tắc đường, bỏ mặc việc có thể bị khiển trách khi đi làm muộn, tôi chọn một quán vắng vẻ, thong thả ăn sáng, thong thả nhấp từng ngụm cà phê và ngắm những màu hoa rực rỡ đang bung nở trong không gian đầu hạ.
Chợt nhớ buổi chiều đến nhà riêng của thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng MA – người từng là thần tượng của bao thế hệ học sinh sinh viên trong những chương trình dạy Tiếng Anh trên truyền hình từ thập niên 90 của thế kỉ trước. Bước vào ngôi nhà nhỏ mờ tối trong con ngõ nhỏ đường Phương Mai - Hà Nội, tôi không khỏi ngạc nhiên. Thầy có rất nhiều cơ hội để kiếm tiền bằng chính năng lực của mình, nhiều cơ hội để định cư ở nước ngoài, nhưng thầy từ bỏ tất cả, chỉ để được yên tĩnh trong căn phòng nhỏ bao quanh là sách, miệt mài với những công trình nghiên cứu về ngôn ngữ Anh, về phương pháp dạy và học Tiếng Anh ở Việt Nam, học Tiếng Anh để hiểu và khám phá vẻ đẹp của một ngôn ngữ, một nền văn hóa chứ không đơn thuần như một công cụ.
Tôi không dám so sánh thầy Nguyễn Quốc Hùng với đại tướng Võ Nguyên Giáp, hay ông Nguyễn Bá Thanh, hay ông Barack Obama. Nhưng tôi cũng được truyền cảm hứng từ chính nhân cách, suy nghĩ và quan niệm sống của thầy cùng nhiều trí thức khác. Họ lặng lẽ làm việc, lặng lẽ vun trồng cho thế hệ mai sau không bằng tuyên ngôn to tát mà bằng những việc làm cụ thể. Họ mang một sức mạnh mềm có thể cảm hóa được tiền bạc – thứ quyền lực vẫn được coi là hàng đầu trong xã hội hiện nay.
Suốt 16 năm đi học, tôi không có duyên, hoặc không có may mắn được gặp những người thầy có khả năng truyền lửa. Nhưng thôi, thời thanh niên sôi sổi nhất cũng qua rồi, mọi tiếc nuối cũng ngủ yên. Chỉ mong các con mình và bao mái đầu thơ trẻ khác được học những người thầy không chỉ giỏi về chuyên môn kiến thức mà còn có khả năng truyền cảm hứng, thắp lên ngọn lửa yêu thương và khát vọng. Từ đó, sẽ nhân lên bao hoài bão, ước mơ, mở khóa những khả năng tiềm ẩn và giải phóng nó, để con người mỗi lúc được đứng trên một bình diện mới, cao hơn, bền vững hơn, nhân ái hơn./.