
Địa đạo Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú, TPHCM) là một trong những địa đạo đầu tiên tại khu vực miền Nam. Địa đạo từng có chiều dài hơn 10km được các chiến sĩ đào năm 1947 làm căn cứ cách mạng phục vụ kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Nằm trong khuôn viên rộng hơn 4.000m2 tại di tích lịch sử địa đạo Phú Thọ Hòa, nơi đây được chứng nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1996.

Trong ảnh là mô hình hệ thống địa đạo Phú Thọ Hoà. Đường địa đạo có nhiều nhánh thông sang các hướng khác nhau. Chiều dài địa hình, địa vật của địa đạo được kéo dài hơn 10km, có 2 tầng, được đào thông sâu dưới lòng đất từ 3 - 4m, rộng 0,8m. Mỗi đoạn hầm được thiết kế các lỗ thông hơi dẫn từ mặt đất xuống, ngụy trang bằng các ụ mối.

Hiện nay, khoảng 100m đường địa đạo đã được phục chế, nâng cấp, mở cửa cho khách tham quan miễn phí. Tuy nhiên, do một số đoạn đang bị thấm nước nên Ban quản lý di tích đang hạn chế cho khách xuống địa đạo.

Các cửa hầm ban đầu được ngụy trang kín đáo trong mô đất hoặc lùm cây rậm rạp, chỉ vừa đủ cho một người chui lọt. Đến nay, miệng hầm đã được phục dựng với xi măng và nắp gỗ để phục vụ tham quan. Do phía trong địa đạo không có ánh sáng, mỗi lần tham quan, mọi người phải cầm theo đèn.

Đường dẫn xuống địa đạo trong lòng đất sâu 3 - 4m.
![]() |
![]() |
Anh Đỗ Hoàng Hải, hướng dẫn viên khu di tích Phú Thọ Hòa, cho biết: “Điểm độc đáo của địa đạo này là được đào theo hình sóng nhấp nhô, cứ một đoạn khoảng 20m thì có một vách ngăn, ở giữa có khoét một lỗ đường kính 0,5m, một người lớn muốn đi qua thì phải bò hoặc nằm trườn qua".

Bên ngoài khu Di tích lịch sử địa đạo Phú Thọ Hòa trưng bày nhiều tượng người tái hiện khung cảnh chiến đấu dưới hào của quân dân du kích miền Nam.

Uyển Nhi và Hồng Ngọc (quận Tân Phú) cho biết, đây là lần đầu cả hai biết đến địa đạo Phú Thọ Hòa dù địa đạo này ở khá gần nơi sinh sống. "Sau khi xem phim Địa đạo tôi rất tò mò, muốn trải nghiệm không gian địa đạo thực tế thế nào. Phía dưới địa đạo rất nhỏ, nóng và khó di chuyển. Thật nể phục thế hệ cha ông ta trước đây", Uyển Nhi nói.

Mô hình lính Tây sử dụng chó săn lùng sục, tìm diệt vô số cán bộ của ta.
![]() |
![]() |
Các dụng cụ đào hầm địa đạo Phú Thọ Hòa được trưng bày tại đây. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, địa đạo là nơi trú ẩn, ém quân của nhiều đơn vị vũ trang thành phố và quân dân quận Gò Vấp, quận Tân Bình nay là quận Tân Phú. Địa đạo Phú Thọ Hòa là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật quân sự khỏi đẩu độc đáo, sáng tạo dưới lòng đất của quân và dân ta tại miền Đông Nam Bộ.