Sáng 4/8, Bộ NN-PTNT tổ chức “Hội nghị đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp và phát triển nông thôn khu vực phía Nam để phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”.

Theo báo cáo từ Bộ NN-PTNT, lao động nông lâm thủy sản có xu hướng giảm nhanh thời gian qua. Giai đoạn 2011-2020, lao động nông lâm thủy sản của vùng Đông Nam Bộ giảm mạnh từ 1,24 triệu người năm 2011 còn 778.000 năm 2020, mỗi năm gỉảm trung bình 46.700 người (tốc độ giảm bình quân 3,75% mỗi năm).

Cũng trong giai đoạn trên, tại ĐBSCL, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên giảm từ 10,2 triệu người xuống 9,36 triệu người (mức giảm 7,2%, tương ứng với 729.400 người, khoảng 72.940 người/năm).

Nguyên nhân của sự sụt giảm trên là do lao động đã di cư ra khỏi vùng để tìm kiếm việc làm ở các khu công nghiệp, đô thị của các vùng khác. 

Lao động trong lĩnh vực nông nghiệp có xu hướng giảm nhanh. 

Trong khi đó, chất lượng lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung còn thấp. Tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp nghề trở lên trong ngành nông, lâm thủy sản chiếm tỷ lệ thấp, cụ thể, 7,4% đối với vùng Đông Nam Bộ và 2,21% đối với vùng ĐBSCL.

Phần lớn lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trong vùng là lao động phổ thông, giản đơn, lao động làm việc theo kinh nghiệm, thời vụ, thiếu lao động có tay nghề cao. 

Ở góc độ đào tạo nhân lực cho nông nghiệp, nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường không kiếm được việc làm phù hợp với chuyên môn, chưa đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng và thị trường lao động. 

Trong đào tạo cũng chứng kiến sự suy giảm ở các ngành nông nghiệp truyền thống ở hầu hết các cấp trình độ.

Cụ thể, nhóm ngành nông nghiệp có sự suy giảm ở ngành khoa học đất, khuyến nông, chăn nuôi, nông học, khoa học cây trồng,... Nhóm ngành thủy sản giảm mạnh ở chuyên ngành khai thác thủy sản, quản lý và khai thác nguồn lợi biển đảo.... Nhóm ngành lâm nghiệp giảm mạnh ở ngành lâm sinh, lâm học, quản lý tài nguyên rừng, lâm nghiệp đô thị. Nhóm ngành thủy lợi giảm mạnh ở ngành kỹ thuật tài nguyên nước, thủy văn,...

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), cho rằng, xã hội đang có những định kiến với ngành lâm nghiệp và nông nghiệp nói chung. Đó là những nhìn nhận phiến diện. Đây là một phần nguyên nhân khiến nhân lực theo học và làm trong lĩnh vực suy giảm.

Chia sẻ tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho hay, gần đây, Nhật Bản, Hàn Quốc đã phải xoá một số ngành học, thậm chí đóng cửa luôn một trường đại học bởi xu thế đã khác. Sự lựa chọn không còn như xưa, câu hỏi học gì để không thất nghiệp là mối quan tâm lớn cho chính người học và toàn xã hội.

Ngày nay, tư duy tích hợp sẽ tạo ra giá trị nhiều hơn. Nền kinh tế nông nghiệp cần tư duy tích hợp, nông nghiệp có thể tích hợp nhiều lĩnh vực khác như du lịch nông nghiệp, cơ khí - tự động hoá trong nông nghiệp, quản trị nông nghiệp...

Rất nhiều trang trại khởi nghiệp nông nghiệp, người chủ không học nông nghiệp. Họ là cử nhân quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, cơ khí... Họ đều đang tạo giá trị cho nền nông nghiệp Việt Nam. 

Theo ông, đã đến lúc, doanh nghiệp và nhà trường cần cùng nhau, đi tìm cái thị trường cần để đào tạo nhân lực, chứ không chỉ dạy cái chúng ta có. Đừng để doanh nghiệp phải mất thời gian đào tạo lại sinh viên ra trường, rồi mới cho làm việc, tốn nhiều chi phí xã hội. 

"Nguyên Bộ trưởng Nông lâm Nhật Bản từng nói với tôi rằng, nước Nhật đã có thời rớt nước mắt vì học sinh không chịu học nông nghiệp. Người trẻ từng không muốn theo làm ngành này. Ở đây, đừng trách thế hệ trẻ không thích làm nông nghiệp, có trách thì trách chúng ta chưa biết cách khơi gợi tình yêu nông nghiệp trong con người họ", Bộ trưởng Hoan chia sẻ.

Anh Duy và nhóm PV, BTV