Nhiều bạn trẻ chia sẻ về sự chán khi học đại học. Vấn đề là, các bạn không biết lý do tại sao phải học ngành này trong khi bố mẹ luôn biết rất rõ. Một số bố mẹ mặc định là lãnh đạo cuộc đời của con cái.
LTS: Trong một xã hội không ngừng vận động, sự mâu thuẫn về tư duy, quan điểm sống hoặc lối mòn văn hóa giữa các thế hệ, các nhóm người là không thể tránh khỏi.
Trong loạt bài viết này, Tuần Việt Nam xin thử bàn về tập tục "kính lão đắc thọ", hay "vì già nên đương nhiên tôi có quyền", trong đó có "quyền" áp đặt, đòi hỏi, quyền nghĩ hộ, làm hộ người trẻ. Kính mời độc giả cùng theo dõi.
“Ngựa non háu đá”, “trứng mà đòi khôn hơn vịt”, “vắt mũi chưa sạch”, “ăn chưa no lo chưa tới”, “ếch ngồi đáy giếng” đó là những thành ngữ không ít lần tôi nhận được hoặc vừa quay lưng đi đã nghe các chú bác xầm xì.
Năm 2013, tôi hứng khởi đến phòng công tác sinh viên của trường nộp đề xuất thực hiện một chương trình phối hợp cùng một tổ chức quốc tế có uy tín.
Để có thể thực hiện được chươn trình này, cái tôi không cần gì khác ngoài sự chấp thuận của nhà trường. Tôi đã tin rằng chương trình hữu ích cho cộng đồng sinh viên thì sẽ nhanh chóng nhận được ủng hộ, nhưng kết quả thật đáng thất vọng.
Tôi đến lần thứ 3 thì được Trưởng phòng trả lời thẳng thừng: “Thôi. Với kinh nghiệm của tôi thì không nên tổ chức hoạt động này vì không kiểm soát được chiều hướng hậu quả của nó. Em cũng không nên tham gia hoạt động này mà nên tập trung học tập nhiều hơn. Nếu muốn tham gia hoạt động xã hội nhà trường có văn nghệ, múa, thể thao…”. Kiên nhẫn tranh luận, thuyết phục và tìm hiểu lý do chính đáng vì đã bác bỏ nhưng tôi không có cách nào làm thay đổi tư tưởng của một số người “sống lâu lên lão làng”.
Một người quen từng ấm ức chia sẻ câu chuyện về việc đi đăng ký pháp nhân cho tổ chức của mình. Chị ấy thất vọng không phải vì hoạt động này không cấp phép mà rất ấm ức vì bị soi rọi về dáng vẻ bề ngoài, tuổi tác, kinh nghiệm… dẫn tới buổi làm việc không bình đẳng, không được tôn trọng và không làm cho chị nể phục.
Hãy tin tưởng người trẻ, và để họ phát triển độc lập |
Một bác sĩ trẻ ở miền Trung kể rằng, khi anh, và một số bác sĩ trẻ có kế hoạch thực hiện kỹ thuật mổ nội soi phức tạp, vì đã được học và điều này được xác nhận là có lợi cho bệnh nhân hơn các phương pháp cũ. Nhưng khi vừa đề đạt lên một số lão làng, thì đã không được ủng hộ. Lý do là “thời các bác không được nghiên cứu nhiều về kỹ thuật này”. Cách từ chối này đã khiến anh buộc phải nghĩ là họ đã không đồng tình vì phương pháp mới không phải thế mạnh của các bác. Mặt khác các bác ngại thay đổi, thích an toàn và ổn định cho chiếc ghế họ đang ngồi.
Một số bạn trẻ khác từng chia sẻ về sự chán nản khi học đại học. Vấn đề là các bạn ấy gần như không biết lý do tại sao phải học ngành này trong khi bố mẹ thì luôn biết rất rõ. Không hiếm ông bố, bà mẹ mặc định là lãnh đạo cuộc đời của con cái họ.
Các bạn ấy kể cho tôi nghe về việc thường bị đuối lý khi tranh luận với với bố mẹ, cũng như họ không cách nào thuyết phục được họ, chứng minh với họ về những lựa chọn của mình là đúng đắn. Nhiều bậc bố mẹ hoạch định sẵn cả một kế hoạch dài hạn cho con cái từ việc học gì, sau làm ở đâu. Đại kế hoạch này được xây dựng dựa trên việc họ quen biết ai trong ngành đó, và được tính toán kỹ lưỡng từ sự thất bại của những người từng chọn ngành mà con cái họ mong muốn được học.
Tôi không cố tình mang những sự việc thực tế ra vặn vẹo người lớn đang đối xử tệ bạc hay áp đặt đối với người trẻ. Nhưng giá như người lớn khoan dung hơn, cởi bỏ lớp áo thành kiến về tuổi tác, về kinh nghiệm sống, và công bằng hơn với người trẻ thì có lẽ hoạt động của tôi dành cho các bạn sinh viên đã được tổ chức; Dự án của chị bạn tôi đã có thể thành lập sẽ giúp ích cho bệnh nhân ung thư vú; Các bác sĩ trẻ đã có thể mang đến nhiều cơ hội phẫu thuật tốt hơn cho người bệnh; Và các bạn học sinh được tự do chọn nghề cho mình.
Giá như nhiều người lớn dám mạnh dạn cởi bỏ tư duy "tôi già tôi có quyền" để dám tin tưởng, dám tạo điều kiện cho người trẻ, thì lớp người như chúng tôi sẽ có thêm nhiều cơ hội trải nghiệm hơn, trưởng thành hơn, và mối quan hệ giữa các thế hệ cũng gần gũi đồng cảm hơn.
Trần Long Vi, Cán bộ dự án Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&learn)