Vân Anh (21 tuổi, Hà Nội), sinh viên năm cuối
Những ngày này, tôi vừa học online, vừa kinh doanh online các sản phẩm chăm sóc sức khỏe nên công việc bận rộn hơn. Đặc biệt, nhu cầu mua hàng của khách ngày càng tăng cao trong những tuần gần đây, khiến tôi càng phải gồng sức cố gắng.
Đáng lẽ, khi ở nhà cả ngày, tôi có điều kiện để tập trung hơn, song lại cảm thấy giảm hiệu suất trong công việc.
Sự giới hạn về không gian và di chuyển khiến tôi dễ chán nản và xuất hiện năng lượng tiêu cực, nhất là khi vừa phải đối mặt với áp lực doanh thu, vừa lo lắng hạn nộp các bài tập trên trường.
Vân Anh căng mình để cân bằng giữa việc học và kinh doanh. |
Ngoài ra, vận chuyển hàng hóa tới người mua trong thời điểm dịch bệnh rất khó khăn. Nhiều đơn hàng của tôi không thể giao được đến tay khách và phải hoàn trả lại. Tôi phải chịu thiệt thêm về tiền vốn. May mắn thay, khách hàng vẫn hiểu và thông cảm.
Trước khi thành phố thực hiện Chỉ thị 16, tôi vẫn có thể ra ngoài hít thở hoặc thay đổi địa điểm làm việc nhằm lấy lại tinh thần. Nhưng thời điểm này, tôi dành quỹ thời gian ít ỏi tập yoga để giải phóng năng lượng tiêu cực vào mỗi buổi chiều, chăm nấu nướng các món bổ dưỡng hơn và chia sẻ, trò chuyện với bạn bè, người thân.
Ngoài ra, thật may mắn khi tôi được làm việc với những đồng nghiệp duy trì tinh thần tích cực. Nhờ ở cạnh họ, bản thân tôi cảm thấy được tiếp thêm năng lượng để phấn đấu làm việc.
Lan Anh (26 tuổi, TP.HCM), nhân viên hành chính nhân sự
Tính đến nay, tôi đã làm việc tại nhà được hơn 3 tháng. Chừng ấy thời gian đã đủ khiến tôi cảm thấy nhớ công ty và muốn đi làm trở lại.
Đối với tôi, làm việc ở nhà gặp nhiều bất tiện và căng thẳng hơn. Thay vì kết thúc ca làm lúc 17h, tôi thường đứng dậy khỏi bàn làm việc khi đồng hồ đã điểm 19h, thậm chí 21-22h.
Lan Anh nhớ thời gian được làm việc trực tiếp trên công ty. |
Nếu đi làm tại công ty, tôi có thể tạm gác công việc khi ca làm kết thúc để trở về với gia đình. Tuy nhiên, khi làm ở nhà, tôi thường bị cuốn theo công việc, cố gắng giải quyết cho xong, không muốn để dở sang hôm sau.
Ngoài ra, do một số người xin nghỉ việc ở công ty trong đợt dịch này, tôi phải nhận thêm nhiều đầu việc.
Ngồi cả ngày trước máy tính suốt nhiều tiếng đồng hồ, cộng thêm việc liên lạc, trao đổi giữa các bộ phận trong công ty gặp khó khăn, tôi cảm thấy đuối sức và mệt mỏi hơn trước.
Trong khi đó, thu nhập bị sụt giảm do ảnh hưởng dịch bệnh.
Những ngày này, tôi rất nhớ không khí làm việc trên công ty. Căng thẳng công việc phần nào được xoa dịu nhờ có các đồng nghiệp ở cạnh trò chuyện, pha trò hoặc rủ nhau đặt đồ ăn vặt về văn phòng.
Mặc dù căng thẳng, làm việc tại nhà cũng đem lại một số lợi ích nhất định cho tôi. Tôi có thời gian chăm sóc gia đình nhỏ của mình hơn, nhất là khi vợ chồng tôi mới kết hôn đầu tháng 5. Hơn nữa, chúng tôi có thể bảo vệ sức khỏe của mình nhờ hạn chế tiếp xúc nhiều người.
Thụy Trang (31 tuổi, TP.HCM), chuyên viên nhân sự
Là một người mẹ có 2 con nhỏ, gồm một bé 5 tuổi và một bé hơn 6 tháng tuổi, tôi vất vả hơn nhiều khi làm việc tại nhà. Mỗi ngày, tôi phải kết hợp song song giữa việc nội trợ, chăm con với hoàn thành nhiệm vụ công ty giao.
Mặc dù 8h mới vào làm, tôi thức giấc từ 6h để cho con bú và làm bữa sáng. Sau đó, tôi tranh thủ 9h xuống nấu cháo cho con và chuẩn bị trước nguyên liệu nấu bữa trưa cho gia đình 6 người lớn.
Khoảng 12h, tôi lo nấu cơm, ăn uống và dọn dẹp, lo cho hai bé ngủ trưa, rồi lại làm việc tiếp. Khi các con thức giấc, tôi nhờ bố chồng trông nom chúng để hoàn thành công việc.
Thụy Trang cảm thấy bản thân có phần xuề xòa hơn sau nhiều tháng không đi làm. |
Vừa chăm lo cho gia đình, tôi vừa phải đảm bảo năng suất làm việc. Trong thời điểm dịch bệnh này, công việc ít nhiều gặp khó khăn, nhất là tuyển người cho dự án và đảm bảo đúng tiến độ được giao.
Bởi vậy, so với đi làm trên công ty, làm việc tại nhà phần nào cực nhọc hơn. Trước đây, tôi chỉ phải lo việc nhà và chăm sóc con cái từ 18h trở đi. Tôi cũng cảm thấy bản thân xuề xòa hơn trước, lo rằng mình không còn mặc vừa đồ công sở nữa.
Tuy có chút buồn chán vì bị hạn chế giao tiếp xã hội, làm việc tại nhà giúp tôi có thời gian hoàn thành việc cho con nhỏ bú hơn. Tôi cũng tiết kiệm được thời gian di chuyển, bớt đối mặt với nắng nóng và tình trạng kẹt xe.
Ngoài ra, tôi có bố mẹ chồng phụ giúp một tay trông nom hai con và hỗ trợ việc học cho đứa lớn. Nhờ đó, tôi có thể tập trung hoàn thành công việc công ty giao phó.
Đăng Nguyễn (27 tuổi, Hà Nam), nhân viên IT tại Hà Nội
Tôi thích đọc sách và làm việc tại nhà hơn ra ngoài, nên bị hạn chế không gian trong thời điểm dịch bệnh không gây khó khăn với tôi. Song, vấn đề khiến tôi đau đầu nhất là chuyện “ăn bữa hôm, lo bữa mai”.
Trước dịch bệnh, tôi rời bỏ vị trí nhân viên IT của một công ty để trở thành freelancer tự theo đuổi các dự án bên ngoài. Thời điểm đó, tôi vẫn tự chủ được thu nhập. Thế nhưng, số lượng hợp đồng giảm dần khiến tôi trở nên căng thẳng, lo lắng hơn vì mất nguồn thu.
Đặng Nguyễn cố gắng tìm nguồn thu trong dịch bệnh. |
Ngoài công việc lập trình viên, tôi còn kinh doanh một thương hiệu thời trang online. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng đóng băng cả công việc này của tôi. Không những lượng khách hàng giảm bớt, việc vận chuyển bị hạn chế do thiếu hụt shipper. Hàng hóa bị trả lại nhiều do không thể đến được tay người mua.
Nguồn thu nhập cứ thế giảm sút. Tôi phải căng đầu tính toán để cân bằng giữa chi phí sinh hoạt lẫn tiền thuê văn phòng hàng tháng. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng duy trì tập thể dục, ăn uống điều độ để giữ năng lượng làm việc, đương đầu với thách thức.
Theo Zing
Nhiều người trẻ Trung Quốc đột quỵ, trụy tim vì lao lực
Phần lớn trong số nạn nhân làm việc trong ngành công nghệ hoặc truyền thông. Khi qua đời, họ đều đang làm việc quá sức.