- Nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc chỉ lập doanh nghiệp nhỏ lẻ nhưng xin làm tới 50 năm. Sau đó họ đi lại tự do theo giấy chứng nhận đầu tư, không phải thị thực hay nhập cảnh.

Làm việc với Bộ KH-ĐT hôm nay, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng chỉ ra nhiều hạn chế, lỗ hổng của pháp luật hiện hành trong việc quản lý các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết hiện nay có thực trạng những dự án rất nhỏ, tuy nhiên nhà đầu tư nước ngoài vẫn xin thời hạn rất dài, lên đến 50 năm.

{keywords}

Giám đốc Sở KH-ĐT Đà Nẵng Trần Văn Sơn: DN Trung Quốc sang làm ăn nhỏ nhưng vẫn xin thời hạn 50 năm

“Nhiều nhà đầu tư vào không phải muốn kinh doanh, mà họ muốn có được giấy chứng nhận đầu tư để làm việc khác”, ông Sơn cảnh báo, nhấn mạnh các nhà đầu tư tới từ Trung Quốc.

“Họ qua đây thành lập một doanh nghiệp rất nhỏ nhưng xin hoạt động đến 50 năm. Họ đi lại tự do, không cần thị thực, giấy nhập cảnh mà theo giấy chứng nhận đầu tư”, ông Sơn nói.

Ông đề nghị cần sửa đổi, bổ sung luật Đầu tư quy định thời hạn hoạt động tối đa cho các dự án nhỏ, để cơ quan cấp chứng nhận đầu tư có cơ sở xử lý những trường hợp này.

Giám đốc Sở KH-ĐT cũng cho biết nhiều lỗ hổng trong pháp luật đang gây khó cho địa phương trong việc quản lý, thu thuế.

Ví dụ ở điều 46 nghị định 118 quy định các tổ chức khi mua cổ phần, góp vốn thì không cần thay đổi giấy chứng nhận đầu tư. Trong giấy chứng nhận đầu tư không ghi tên cổ đông. Điều này tạo ra lỗ hổng lớn về thu thuế khi chuyển nhượng.

“Đà Nẵng có trường hợp khách sạn Hyatt cả nghìn tỷ. Một công ty mẹ lập công ty con xây dựng khách sạn này. Sau đó công ty mẹ chuyển nhượng cho 1 công ty mẹ khác ở nước ngoài mà công ty con vẫn giữ nguyên pháp nhân. Thế là có sự chuyển nhượng khách sạn cả nghìn tỷ mà mình không thu được đồng thuế nào”.

Ông đề nghị luật cần quy định phải ghi tên cổ đông trong giấy chứng nhận đầu tư.

Hết quỹ đất ven biển

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đào Quang Thu nhận định, nếu không có đột phá gì đặc biệt, tốc độ tăng trưởng của Đà Nẵng có nguy cơ sẽ bị chững lại.

GRDP (tổng sản phẩm xã hội) Đà Nẵng chỉ tăng 7,9% trong nửa năm đầu nay (kế hoạch tăng 9-10%). Công - nông nghiệp không có gì đặc biệt trong khi quỹ đất ven biển đã hết. Dịch vụ, du lịch của Đà Nẵng cũng mới chiếm xấp xỉ 50%.

{keywords}

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đào Quang Thu

Thu hút đầu tư nước ngoài cũng giảm mạnh.

Lý do là quy mô đầu tư giảm sau khi thu đồi đất của các nhà đầu tư không thực hiện nghĩ vụ tài chính; các nhà đầu tư tiềm năng chưa mặn mà bỏ vốn vào khu công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng chưa phát triển nên khó thu hút dự án lớn.

Ngoài ra, tổng chi xây dựng cơ bản theo dự toán từ vốn trong và ngoài nước cũng đạt thấp, trong đó tổng chi từ vốn trong nước chỉ đạt 28,2% dự toán.

Điểm khởi sắc nhất của Đà Nẵng là về thu chi ngân sách, trong đó riêng 6 tháng đầu năm đã thu hơn 65,1% so với dự toán HĐND TP giao. Tuy nhiên Phó chủ tịch UBND TP Trần Văn Miên cho rằng Đà Nẵng cũng đang phải ‘nhặt nhạnh từng đồng ngân sách’ do hầu hết chỉ có doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Cao Thái